Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chi trả tiền đền bù có thấu tình đạt lý?

Lưu Thủy

Thứ sáu, 07/01/2022 - 06:37

(Thanh tra)- Tài sản trên đất bị người cho vay phá hoại, tiền đền bù bị chiếm đoạt do hợp đồng giả cách giữa các bên… là những gì mà bà Hồ Thị Thanh Lý phản ánh.

Tài sản của bà Lý bị tháo dỡ

Như Báo Thanh tra đã phản ánh về việc bà Hồ Thị Đẻo khiếu nại đơn giá đền bù, vấn đề thu hồi đất Dự án Đầu tư xây dựng sân golf tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM (dự án sân golf). Vụ việc đang được TAND TP HCM thụ lý giải quyết.

Theo đó, khu đất thuộc quyền sử dụng bà Đẻo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gồm: GCNQSDĐ số 683QSDĐ/CQ, do UBND huyện Củ Chi cấp ngày 28/7/1999 cho thửa đất số 1485, 1486, tờ bản đồ số 6, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi và GCNQSDĐ số 657QSDĐ, do UBND huyện Củ Chi cấp ngày 15/3/1999 cho thửa đất 1481, tờ bản đồ số 6, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi.

Về nguồn gốc khu đất, bà Hồ Thị Thanh Lý (đại diện và là em gái ruột của Hồ Thị Đẻo) cho hay, cả 2 khu đất đều do bà bỏ tiền ra để mua và được cấp GCNQSDĐ đứng tên bà Đẻo. Lý giải về vấn đề này, bà Lý cho hay, do thời gian đó sinh sống tại Mỹ nên không thể đứng tên trên GCNQSDĐ và đã nhờ chị gái là bà Đẻo mua và đứng tên giúp. Điều này cũng được bà Đẻo xác nhận (có văn bản kèm theo).

Sau khi về nước, bà Lý kinh doanh tại khu đất nói trên, đăng ký kinh doanh Doanh nghiệp Tư nhân Đại Bảo Huy do bà Lý làm chủ doanh nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp.

Ngày 20/3/2019, bà Đẻo và chồng là ông Lê Phát Hưng lập hợp đồng tặng cho QSDĐ số 007887/HĐ-TCQSDĐ và 007888/HĐ-TCQSDĐ, tặng cho 2 khu đất nêu trên cho bà Lý. Do khu đất đã có quyết định thu hồi, không thể cập nhật biến động sang tên và chỉ chờ đợi giải quyết đền bù, bồi thường.

Bà Lý cho biết thêm, năm 2019, trong quá trình kinh doanh cần vốn để thực hiện công việc, nên ngày 23/04/2019, bà đã vay 5 tỷ đồng của bà Lê Thị Bạch Thủy (thường trú tại phường 4, quận 8, TP HCM).

Hợp đồng tặng cho QSDĐ giữa vợ chồng bà Đẻo với bà Lý

Để đảm bảo cho khoản vay nợ này, bà Lý đã thế chấp cho bà Thủy 2 GCNQSDĐ. Do GCNQSDĐ đứng tên bà Đẻo nên giữa vợ chồng bà Đẻo, bà Lý và bà Thủy đã viết giấy tay thể hiện nội dung bà Đẻo thế chấp 2 GCNQSDĐ cho bà Thủy trong thời gian 3 tháng để vay 5 tỷ đồng (tính từ ngày 24/04/2019), lãi suất thỏa thuận. Nếu hết thời hạn 3 tháng không hoàn trả vốn thì bà Thủy có quyền đến nhận tiền đền bù tại cơ quan có thẩm quyền… Trong giấy viết tay cũng ghi nội dung là tài sản thế chấp là của bà Lý, bà Lý nhờ bà Đẻo ký ủy quyền cho bà Thủy để bà Lý vay tiền của bà Thủy. Giấy viết tay này được cả 4 người nêu trên ký, ghi rõ họ tên và lăn tay.

Cùng với giấy viết tay nói trên, vợ chồng bà Đẻo cũng lập hợp đồng ủy quyền cho bà Thủy các quyền gia hạn thời gian SDĐ, cho thuê, thanh lý, chuyển nhượng, tặng cho… tham gia giải quyết, quyết định mọi vấn đề liên quan đến đền bù, bồi thường, hỗ trợ, nhận tiền đền bù, hỗ trợ (nếu có)… đối với 2 khu đất đã được cấp GCNQSDĐ như đã nêu ở trên. Hợp đồng này được Văn phòng Công chứng Dương Thái Hoàng công chứng ngày 23/04/2019.

Một thời gian sau, bà Lý vay thêm của bà Thủy 1 tỷ đồng, tổng số tiền vay là 6 tỷ đồng. Bà Lý cho biết, vay 6 tỷ đồng, mỗi tháng bà Lý phải trả cho bà Thủy 240 triệu đồng tiền lãi. Trải qua nhiều tháng đóng lãi với số tiền lớn, bà Lý không còn khả năng chi trả, bà Thủy đã liên hệ cơ quan có thẩm quyền để tiến hành làm các thủ tục nhận tiền đền bù.

Giấy viết tay giữa vợ chồng bà Đẻo, bà Lý và bà Thủy

Biết được thông tin, bà Lý đã làm việc với cơ quan chức năng đề nghị không được giải ngân số tiền đền bù cho bà Thủy hoặc khi giải ngân phải có mặt bà Lý, bà Đẻo. Trong biên bản làm việc ngày 05/05/2020 với Đội Quản lý trật tự đô thị huyện Củ Chi và đại diện các phòng ban có liên quan của huyện Củ Chi, xã Tân Thông Hội, bà Lý đã khẳng định hợp đồng ủy quyền chỉ là hợp đồng giả cách để đảm bảo cho khoản vay 6 tỷ đồng của bà Lý. Tuy nhiên, tại cuộc họp này, tổ công tác đã yêu cầu bà Lý cung cấp hợp đồng ủy quyền của bà Đẻo vì hợp đồng ủy quyền cũ đã hết hiệu lực và bà Thủy đã cung cấp hợp đồng ủy quyền của vợ chồng bà Đẻo ủy quyền cho bà Thủy.

Cũng trong thời gian này, UBND huyện Củ Chi liên tiếp ban hành quyết định, thông báo cưỡng chế tài sản trên 2 khu đất mặc dù bà Lý liên tục khiếu nại, khởi kiện ra tòa án và vụ án chưa được đưa ra xét xử. Từ ngày 27/5/2020 - 30/5/2020, bà Thủy đã tự ý đưa nhiều người vào khu đất tháo dỡ hết tài sản, máy móc, trang thiết bị trị giá hàng trăm triệu đồng của bà Lý trước sự chứng kiến của chính quyền, cơ quan chức năng mà không được sự đồng ý của bà Lý.

“Họ ngang nhiên vào khu đất của tôi phá hoại, tháo dỡ toàn bộ tài sản của tôi mà không hỏi ý kiến tôi, không được sự đồng ý của tôi. Ngay kể cả trong hợp đồng ủy quyền cũng không có mục nào cho phép bà Thủy được quản lý hay sử dụng tài sản trên đất của tôi. Phải chăng bà Thủy chịu sức ép từ huyện Củ Chi hay từ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm lĩnh tiền đền bù mà ngang nhiên vào hủy hoại tài sản của tôi như vậy”, bà Lý bức xúc nói.

Ngay sau khi tháo dỡ hết tài sản của bà Lý, ngày 19/6/2020, bà Thủy đến Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi để nộp bản chính 2 GCNQSDĐ và sau đó lĩnh 8.337.070.000 đồng tiền bồi thường.

Tài sản của bà Lý bị hủy hoại

Trao đổi về vấn đề này, luật gia Huỳnh Minh Đức cho hay, hợp đồng ủy quyền giữa vợ chồng bà Đẻo với bà Thủy thực chất là hợp đồng giả cách nhằm che giấu đi giao dịch dân sự là vay tiền giữa bà Lý và bà Thủy. Trong trường hợp này, khi bà Lý đã có ý kiến và đã có đơn thì UBND huyện Củ Chi, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi cần mời bà Đẻo, bà Lý, bà Thủy lên làm việc, làm rõ nội dung giữa các bên trước khi giải ngân tiền đền bù.

Luật sư Huỳnh Minh Đức cho biết thêm, trong trường hợp này bà Lý có thể làm đơn tố giác hành vi phá hoại tài sản của bà Thủy tới cơ quan công an. Đồng thời, căn cứ vào hồ sơ giấy tờ cho thấy, với lãi suất bà Thủy cho bà Lý vay cao như vậy, lên tới 144%/năm là có dấu hiệu của tội cho vay nặng lãi và bà Lý có thể làm đơn tố cáo hành vi cho vay nặng lãi của bà Thủy.

Trao đổi với phóng viên, bà Lý bức xúc nói: “Việc giải ngân cho bà Thủy chưa thuyết phục, chưa đảm bảo quyền lợi của gia đình tôi chưa kể tới số tiền đền bù còn lớn hơn số tiền tôi đã vay của bà Thủy. Hơn nữa tôi đã có ý kiến, có đơn gửi nhưng huyện Củ Chi lại không xem xét và giải quyết. Sau khi bà Thủy nhận được tiền đền bù, tuy số tiền lớn hơn số tôi nợ nhưng bà Thủy vẫn không trả lại dù tôi đã liên hệ nhiều lần nhưng đều không gặp được. Bà Thủy đang cố tình chiếm đoạt số tiền của tôi”.

Trả lời chúng tôi về nội dung vì sao hộ bà Hồ Thị Đẻo không có tên trong Phương án bồi thường số 09/PABT? Căn cứ nào để UBND huyện Củ Chi chiết tính bồi thường hỗ trợ cho hộ bà Hồ Thị Đẻo? Chủ tịch UBND huyện Củ Chi lý giải, trong thời điểm triển khai kiểm kê để lập phương án bồi thường hỗ trợ thì tại khu đất của bà Hồ Thị Đẻo có đề bản: Doanh nghiệp Tư nhân Đại Bảo Huy, theo quy định tại khoản 2, Điều 46 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 106/2005/QĐ-UB ngày 16/6/2005 của UBND TP, nếu là cơ sở hoạt động hợp pháp thì phải lập phương án bồi thường, hỗ trợ riêng cho cơ sở, doanh nghiệp đó. Đối với cơ sở doanh nghiệp thành lập chưa hợp pháp, chưa đi vào hoạt động, GCNQSDĐ do hộ gia đình, cá nhân còn đứng tên thì xem như là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Trường hợp này do UBND huyện Củ Chi ban hành quyết định thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo như phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân.

Mặt khác, theo lãnh đạo huyện Củ Chi, trường hợp bà Hồ Thị Đẻo kê khai không đúng với xác minh của UBND xã Tân Thông Hội nên xã phải đi xác minh nhiều lần.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cũng khẳng định: "Để bồi thường cho bà Hồ Thị Đẻo và các hộ tương tự, từ năm 2007 - 2013, UBND huyện đã có văn bản xin UBND TP được  áp dụng lấy mốc thời gian 1/7/2004 nhưng Hội đồng Thẩm định bồi thường TP và UBND TP không đồng ý và buộc phải xác minh kỹ và thực hiện bồi thường theo quy định mốc thời gian 22/4/2002 của phương án.

Quá trình thẩm tra, xác minh thì bà Hồ Thị Đẻo thuộc diện hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nên thực hiện kiểm kê, bồi thường, hỗ trợ theo Phương án số 09/PABT ngày 16/5/2008 của Hội đồng Bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án. Ngày 23/6/2014, UBND huyện Củ Chi ban hành Quyết định số 7618/QĐ-UBND về việc bồi thường hỗ trợ thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trong dự án đầu tư xây dựng sân golf Củ Chi tại xã Tân Thông Hội, đối với bà Hồ Thị Đẻo".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

Doanh nghiệp có vốn 1,5 tỷ, 4 lao động, tham gia loạt thầu trăm tỷ tại UBND huyện Hương Khê

(Thanh tra) - Với số vốn khá khiêm tốn 1,5 tỷ đồng cùng số lao động đăng ký là 4 người, thế nhưng, Công ty Sông Ba đã tham gia và trúng 9/9 gói thầu tại huyện Hương Khê, với tổng giá trị trúng thầu hơn 300 tỷ đồng. Đáng nói, đa số các gói thầu doanh nghiệp này góp mặt có tỷ lệ tiết kiệm cho ngân sách rất thấp. Đi kèm với đó, công ty này có cách xoay vòng vốn thú vị.

Quang Dân

11:03 23/11/2024
Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm