Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần thu hồi công văn có liên quan đến bà Lê Thị Hồng Phượng

Ngân Nga

Thứ hai, 13/11/2023 - 21:22

(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, 8 hộ gia đình sinh sống ổn định 46 năm (tại tổ dân phố 1, phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP HCM), bị UBND quận Bình Tân ngăn chặn giao dịch và thu hồi 12 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với những lý do "trên trời rơi xuống". Những hộ dân này đã khởi kiện đến Tòa án nhân dân (TAND) TP HCM và thắng kiện.

Sau một thời gian dài khởi kiện UBND quận Bình Tân, 8 hộ gia đình đã thắng kiện. Thế nhưng, vụ việc vẫn chưa có hồi kết. Ảnh: Ngân Nga

Không có cơ sở giải quyết cho bà Lê Thị Hồng Phượng

Vụ việc tưởng chừng kết thúc có hậu khi các hộ dân này thắng kiện và UBND quận Bình Tân thu hồi văn bản ngăn chặn giao dịch đối với 12 GCNQSDĐ, hủy bỏ quyết định thu hồi giấy chứng nhận đối với trường hợp đầu tiên là hộ ông Nguyễn Văn Bộc.

Tuy nhiên, hành trình đi tìm công lý của 8 hộ gia đình vẫn đụng phải “rào cản” từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) quận Bình Tân, khi đơn vị này lấy lý do GCNQSDĐ của ông Bộc còn bị ngăn chăn bởi công văn “giữ nguyên hiện trạng” liên quan đến bà Lê Thị Hồng Phượng.

Theo phản ánh, sau khi UBND quận Bình Tân hủy bỏ quyết định thu hồi GCNQSDĐ đối với thửa đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ số 498-500 đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc A của hộ ông Nguyễn Văn Bộc, bà Nguyễn Thị Kim Loan, gia đình đã đến Sở Tư pháp TP HCM kiểm tra thông tin và được biết trên cổng thông tin dữ liệu công chứng điện tử đã gỡ bỏ ngăn chặn giao dịch đối với GCNQSDĐ của ông Bộc.

Sau đó, gia đình tiến hành thủ tục thế chấp vay vốn, được Ngân hàng Eximbank đồng ý cho vay và Phòng Công chứng số 7 chứng thực đủ điều kiện.

Khi gửi hồ sơ yêu cầu đăng ký thế chấp tài sản đảm bảo đến Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân thì bị đơn vị này từ chối giải quyết. Lý do, tài sản trên của ông Bộc đang bị ngăn chăn bởi Công văn 3523/UBND ngày 21/10/2020 của UBND quận Bình Tân về việc “giữ nguyên hiện trạng phần đất liên quan đến khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng”.

Liên quan đến bà Lê Thị Hồng Phượng (người đại diện pháp luật cho bà Trần Thị Đê - đã chết năm 2003), tại nhiều văn bản của Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP HCM và UBND quận Bình Tân khẳng định “về nguồn gốc đất khiếu nại (16.000m2) có nguồn gốc thuộc Bằng khoán số 1103 của bà Trần Thị Đê. Sau năm 1975, đất này do Nhà nước quản lý đã giao cấp cho các chủ thể sử dụng và đã đăng kí theo Chỉ thị 299/TTg. Do vậy, bà Đê dựa theo tài liệu bằng khoán của chế độ cũ là không đúng pháp luật. Bà Đê không sinh sống, không thực hiện nghĩa vụ thuế từ năm 1975 đến nay, nên không có cơ sở để giải quyết".

Ông Bộc thông tin, "khi chúng tôi khiếu nại các văn bản của UBND quận Bình Tân thì lãnh đạo quận từ chối giải quyết với lý do “công văn nội bộ của cơ quan Nhà nước”. Bây giờ tòa án đã phán quyết chúng tôi thắng kiện, không có lý do gì để “hành” thì các vị “công bộc của dân” nại ra một văn bản liên quan đến bà Lê Thị Hồng Phượng".

“Điều đáng nói, khu đất trước năm 1975 của chế độ cũ liên quan đến bà Trần Thị Đê có diện tích 16.000m2 không chỉ giao cho mỗi cụ Nhờ, còn có một phần Nhà nước giao cho Bến xe Miền Tây và một phần giao cho các hộ dân khác hiện đang sinh sống. Không hiểu lý do gì UBND quận Bình Tân không ngăn chặn giao dịch và thực hiện thu hồi đối với phần đất đó, mà chỉ nhắm đích vào gia đình chúng tôi?”, ông Bộc bức xúc.

Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Sau khi xác nhận được rằng tài sản tại địa chỉ số 498 - 500 đường Kinh Dương Vương không bị ngăn chặn giao dịch trên cổng thông tin điện tử công chứng, ông Bộc và phía Ngân hàng Eximbank đã tiến hành ký hợp đồng thế chấp vay vốn. Sau đó, hồ sơ được gửi đến Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân để yêu cầu xác nhận tài sản giao dịch đảm bảo.

Mấy ngày sau, gia đình nhận được Công văn 1130/CNBT ngày 18/10/2023 do Giám đốc Chi nhánh Nguyễn Thanh Bình ký, với nội dung tài sản của ông Bộc đang bị ngăn chặn bởi Công văn 3523/UBND ngày 21/10/2020 của UBND quận Bình Tân, nên chưa xem xét giải quyết hồ sơ cho ông được.

Trên cổng thông tin điện tử công chứng không còn thể hiện ngăn chặn giao dịch đối với thửa đất của vợ chồng ông Bộc, nhưng Chi nhánh VPĐKĐĐ Bình Tân vẫn từ chối xác nhận tài sản đảm bảo của người dân. Ảnh: Ngân Nga

Nhận định về vụ việc, luật sư Võ Thị Mỹ Dung, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Luật Mỹ Dung (trụ sở tại A11/4A đường 385, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức) cho rằng, Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân từ chối ký xác nhận tài sản đảm bảo khi tài sản của ông Bộc đủ điều kiện thế chấp là không có cơ sở, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bởi:

Theo điểm g, khoản 1, Điều 179 Luật Đất đai 2013: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuộc một trong những loại đất sau được quyền thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng, tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân, bao gồm: Đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức; đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất; đất được cho thuê trả tiền đất một lần cho cả thời gian thuê; đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế.

Căn cứ khoản 1, Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp khi có đủ điều kiện sau: Có GCNQSDĐ; đất không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất.

Theo điểm b, khoản 1, Điều 2 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, quy định: Những bản án, quyết định được thi hành theo luật này, bao gồm: Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; bản án, quyết định của toà án cấp phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của toà án; bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài đã được toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại toà án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định của tòa án giải quyết phá sản.

Xét theo quy định pháp luật trên, bản án phúc thẩm của ông Nguyễn Văn Bộc đã có hiệu lực pháp luật thì cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân cần thực hiện việc thi hành án theo đúng quy định pháp luật.

Luật sư Dung cho rằng, việc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân không ký xác nhận yêu cầu giao dịch tài sản đảm bảo khi người dân đủ điều kiện thế chấp, là cản trở quyền công dân và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cần thu hồi công văn liên quan đến bà Lê Thị Hồng Phượng

Như Báo Thanh đã phản ánh, Thanh tra Chính phủ, UBND TP HCM, Thanh tra TP, UBND quận Bình Tân ban hành nhiều văn bản khẳng định việc khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng không có cơ sở giải quyết, bởi khu đất liên quan đến bà Trần Thị Đê (người đại diện pháp luật là bà Phượng) là của chế độ cũ, trao trả về cho Nhà nước, sau đó Nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Nhờ.

Bà Đê sử dụng bằng khoán cũ, không sinh sống, không thực hiện nghĩa vụ thuế từ khi giải phóng cho đến nay. Đồng thời, do bà Đê chết năm 2003, giấy ủy quyền của bà Đê cho bà Phượng cũng không còn giá trị pháp lý.

Hơn thế, gia đình ông Nhờ đã sinh sống ổn định từ sau giải phóng cho đến nay, đất được sử dụng đúng mục đích, đã được cấp GCNQSDĐ, gia đình thực hiện nghĩa vụ thuế đúng theo quy định pháp luật.

“Đặc biệt, trên hệ thống dữ liệu công chứng không còn ngăn chặn giao dịch, tức là thửa đất của gia đình tôi đủ điều kiện thế chấp. Theo quy định, đất đủ điều kiện thế chấp thì Chi nhánh VPĐKĐĐ phải ký xác nhận tài sản đảm bảo cho chúng tôi”, ông Bộc nói.

Liên quan đến vụ việc, ngày 9/11/2023, tại buổi họp báo tại Trung tâm Báo chí TP HCM, ông Hồ Ngọc Sang, Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân phản hồi, việc không ký xác nhận yêu cầu giao dịch đảm bảo với tài sản thế chấp tại địa chỉ số 498 - 500 đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc A là bởi “vướng” Công văn 3523/UBND ngày 21/10/2020 của UBND quận Bình Tân về việc giữ nguyên hiện trạng phần đất liên quan đến bà Lê Thị Hồng Phượng. Vừa rồi, Chi nhánh VPĐKĐĐ đã có văn bản đề xuất UBND quận Bình Tân kiến nghị UBND TP chỉ đạo xem xét giải quyết hồ sơ thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Ông Hồ Ngọc Sang, Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Bình Tân trả lời Báo Thanh tra tại cuộc họp báo ngày 9/11/2023. Ảnh: Ngân Nga

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, do trước đây Thanh tra Chính phủ và UBND TP đề nghị quận giữ nguyên hiện trạng để rà soát, nên ngày 21/10/2020, quận Bình Tân đã ban hành Văn bản 3525/UBND. Hiện, Ban Thường vụ UBND quận Bình Tân đã thống nhất xin ý kiến UBND thành phố để hủy bỏ công văn này.

“Bây giờ vấn đề pháp lý liên quan đến khu đất đã được tòa án xem xét và phán quyết. Đó là cơ sở để UBND quận Bình Tân tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Quận đang chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố để gỡ bỏ công văn, chắc sẽ nhanh thôi, quận cũng muốn làm hết trách nhiệm và dứt điểm để sự việc không kéo dài”.

Hơn 4 năm ròng rã, 8 hộ gia đình với gần 50 nhân khẩu đã phải sống cầm cự qua ngày bởi tài sản của họ không thể giao dịch, không thể công chứng cho thuê, không thể thế chấp vay vốn. Khi họ được TAND Cấp cao tại TP HCM tuyên thắng kiện UBND quận Bình Tân, họ như vớ được chiếc phao cứu sinh bởi hy vọng có thể thế chấp tài sản để cầm cự sự sống. Thế nhưng, một lần nữa, cuộc sống, niềm tin của những người dân này lại bị vùi dập bởi sự cứng nhắc, vô cảm của một số cán bộ liên quan ở quận Bình Tân.

Thiết nghĩ, lãnh đạo UBND TP HCM cần quyết liệt xử lý dứt điểm sự việc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Đồng thời xử lý nghiêm những cán bộ vô cảm, cứng nhắc, sợ sai không dám làm và những cán bộ hạn chế về nhận thức pháp luật, liều lĩnh, bất chấp các quy định pháp luật. Có như vậy, mới củng cố, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, đã khẳng định: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành”.

Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định: “Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… Bản án, quyết định của TAND có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Như vậy, nghị quyết của Đảng và Hiến pháp đã xác định rõ, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, phán quyết của hội đồng xét xử là mệnh lệnh, không ai được can thiệp, cản trở. Mọi văn bản hành chính đều không có giá trị khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

Phát hiện Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam kê khai gian lận trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…

Ngọc Tuấn

08:00 14/12/2024
Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai gian lận trong đấu thầu?

(Thanh tra) - Công ty CP Tư vấn Kiểm định và Khảo sát Xây dựng kê khai nhân sự Nguyễn Quốc Huy có bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Xây dựng cấp. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, đã phát hiện ông Nguyễn Quốc Huy không có tên trong hồ sơ gốc cấp bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Xây dựng.

Ngọc Tuấn

19:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm