Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần nghiêm trị đối tượng xúi giục người dân vi phạm pháp luật

Thứ tư, 29/11/2017 - 13:27

(Thanh tra) - Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (Doanh nghiệp Nhà nước, trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột), đang đứng trước nguy cơ phá sản vì bị một số đối tượng xấu ngang nhiên lấn chiếm đất lâm nghiệp của Nhà nước, xúi giục, đe dọa người dân cố tình chống đối thực hiện nghĩa vụ theo cam kết trong hợp đồng giao khoán với doanh nghiệp.

PV Báo Thanh tra làm việc với ban lãnh đạo Công ty Buôn Ja Wầm. Ảnh: X.T

Trục lợi bất chính trên đất của Nhà nước

Theo đơn kêu cứu của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm) gửi Báo Thanh tra, ông Phan Xuân Lương (trú tại thôn 1 xã Ea Kiết, huyện CưM’gar, tỉnh Đăk Lăk) viết đơn mượn đất lâm nghiệp của Công ty, sau đó lừa một số hộ dân khác rằng, diện tích mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng của mình, cho thuê lại nhằm trục lợi bất chính.

Năm 2013 và 2014, ông Phan Xuân Lương đã làm đơn xin mượn đất để trồng hoa màu theo từng năm và được phía Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm giải quyết cho mượn 3,5 hecta đất tại Tiểu khu 550 thuộc Lâm trường Buôn Ja Wầm.

Tuy nhiên, kể từ năm 2015 đến nay ông Lương không hề làm đơn xin mượn lại đất mà tự ý trồng cây trái phép trên diện tích này. 

Mặc dù phía Lâm trường đã nhiều lần đến nhà tuyên truyền, vận động, đồng thời, có văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi trái phép này nhưng ông Lương chẳng những không chấp hành mà còn thể hiện thái độ chống đối.

Trắng trợn hơn, đối tượng này còn tự cho rằng, diện tích đất nói trên là thuộc quyền sử dụng của mình và lừa cho các hộ dân như: Triệu Vần Phúc, Lý Văn Lu và Đặng Chòi Chán (trú tại thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) thuê lại đút túi hàng chục triệu đồng.

“Không chỉ lừa các hộ dân cho thuê đất lâm nghiệp, ông Lương còn lén lút trồng cây lâu năm như cây điều, cây gỗ tếch lên phần đất thuộc quản lý của Công ty”, ông Trần Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cho biết.

Diện tích rừng bị Phan Xuân Lương lấn chiếm, cho thuê để trục lợi bất chính. Ảnh: X.T

Ghi nhận từ tài liệu chứng cứ do các cơ quan thực thi pháp luật tại tỉnh Đắk Lắk và Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm cung cấp, cho thấy, vào cuối năm 2016, đơn vị này đã phối hợp cùng với UBND xã Ea Kiết tiến hành giải tỏa các loại cây trồng do Phan Xuân Lương vi phạm, thu hồi lại đất lâm nghiệp để trồng lại rừng trong năm 2017. 

Theo đó, tháng 6/2017, Công ty tổ chức trồng lại rừng trên diện tích này bằng cây keo lai. Khi cây đang phát triển tốt thì bị một nhóm các đối tượng phá hoại. Hơn 4.000 cây keo vừa được trồng đã bị nhổ phá, trong đó có 1.100 cây không còn khả năng hồi phục.

Xúi giục, kích động người dân vi phạm hợp đồng

Theo tìm hiểu của PV, năm 1996, Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm lập dự án trồng và sản xuất kinh doanh cà phê, được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt tại Quyết định số 1986/QĐ-UB ngày 14/10/1996 có diện tích 400 hecta. Đến nay, Công ty đã tổ chức giao diện tích này cho 410 hộ dân trên địa bàn nhận khoán. Hàng năm, các hộ nhận khoán giao nộp sản lượng cho Công ty theo quy định của hợp đồng giao khoán là 2.832 kg cà phê quả tươi/hecta.

“Từ năm 2016, ông Phan Văn Lương cùng với hơn 60 hộ nhận khoán đã làm đơn gửi nhiều cấp ngành, đưa ra một số yêu sách hoàn toàn vô lý và không có cơ sở như đòi giảm sản lượng năm 2016 từ 80 - 100%, đòi trả đất về cho địa phương để cấp sổ đỏ cho các hộ dân nhận khoán”, văn bản của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm phản ánh.

Ông Trần Thanh Lâm - Tổng Giám đốc Công ty Buôn Ja Wầm (áo sọc đen ngồi giữa) tường trình sự việc với PV. Ảnh: X.T 

Nguồn tin từ các cơ quan chức năng tại tỉnh Đắk Lắk cung cấp cho biết, hiện trên địa bàn xã Ea Kiết xuất hiện một nhóm đối tượng bất hảo, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân, thường xuyên tổ chức tụ tập thành nhóm để kích động, xúi giục, thậm chí đe dọa đến tính mạng, tài sản các hộ nhận khoán, ép buộc người dân không chấp hành những điều khoản đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng giao khoán với Công ty. 

Hành vi chống đối và vi phạm trên đã khiến Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm bị thiệt hại nặng nề.

Vụ cà phê năm 2016 chỉ có 62/410 hộ nhận khoán nộp đủ sản lượng (với 200 tấn cà phê quả tươi so với 600 tấn theo đúng chỉ tiêu giao khoán). 

Năm 2017, tính đến ngày 20/11/2017 các hộ nhận khoán mới chỉ nộp được 50 tấn cà phê quả  tươi  trong khi tổng sản lượng phải nộp theo thỏa thuận là 586 tấn.

Ông Trần Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, bức xúc cho biết: Nếu sự việc này không được giải quyết dứt điểm thì nguy cơ phá sản công ty và 80 người lao động bị mất việc là điều không tránh khỏi. "Nguồn thu chủ yếu của Công ty là từ sản lượng cà phê theo các hợp đồng giao khoán. Nếu công ty không có nguồn thu trả lương cho người lao động, trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng, chi nộp thuế và các khoản khác cho Nhà nước, không quản lý được diện tích rừng do Nhà nước giao”.

Các cơ quan chức năng đã vào cuộc

Liên quan đến phản ánh của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, ngày 28/11/2017, PV Báo Thanh tra đã có cuộc làm việc với Đại tá Hà Khắc Nghinh, Trưởng Công an huyện CưM’gar, tỉnh Đăk Lăk.

Đại tá Nghinh cho biết, Công an huyện CưM’gar đã nhận được đơn của công dân Triệu Vần Phúc và Đặng Chòi Chán (trú tại thôn Thạch Sơn, xã Ea M’droh), tố cáo Phan Xuân Lương (trú tại thôn 1 xã Ea Kiết) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CưM’gar đã xác định: Năm 2013 và 2014, Phan Xuân Lương làm đơn xin mượn 3,5 hecta đất lâm nghiệp của Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm để trồng hoa màu (diện tích này trước đó Lương đã lấn chiếm).

Trên thực tế, Lương không hề canh tác trên diện tích này theo như đã cam kết, ngược lại Lương đã cho Triệu Vần Phúc, Lý Văn Lu và Đặng Chòi Chán thuê lại. Lương lừa dối những người này rằng đây là đất của Lương.

Những cây keo còn sót lại sau khi bị đối tượng xấu nhổ phá. Ảnh: X.T

Theo hồ sơ từ phía cơ quan công an cung cấp thì, tổng số tiền Phan Xuân Lương đoạt được từ việc cho thuê bất chính trên tính trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2017 là 99,5 triệu đồng. Cụ thể: Năm 2013 là 4,5 triệu đồng; năm 2014 là 20 triệu đồng; năm 2015 là 30 triệu đồng; năm 2016 là 25 triệu đồng và năm 2017 Lương thu 20 triệu đồng.

Khi các hộ dân này canh tác trên diện tích đất nói trên thì bị phía Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm lập biên bản. Khi đó họ mới biết bị Phan Xuân Lương lừa và đã làm đơn gửi cơ quan công an.

“Công an huyện CưM’gar đang củng cố hồ sơ và xác định có dấu hiệu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã mời Phan Xuân Lương lên làm việc nhưng Lương không chấp hành… Chắc chắn tới đây sẽ có biện pháp mạnh hơn”, Đại tá Hà Khắc Nghinh khẳng định.

Trả lời câu hỏi của PV xung quanh hành vi phá hoại tài sản về “vụ nhổ phá hơn 4000 cây keo của Lâm trường Buôn Ja Wầm”, Đại tá Nghinh cho biết, Công an huyện đã tiếp nhận thông tin và tiến hành điều tra. "Chúng tôi đang chờ kết quả giám định về tổng giá trị thiệt hại. Nếu giá trị đến mức xử lý hình sự thì sẽ khởi tố vụ án theo quy định”, Trưởng Công an huyện CưM’gar nói.

Báo Thanh tra sẽ trở lại vấn đề này trong các bài viết tiếp theo.

  Nhóm PV Điều tra

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

Có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật

(Thanh tra) - Theo UBND huyện Quảng Hoà, tỉnh Cao Bằng, việc trạm trộn bê tông thương phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng giao thông miền Bắc cố tình vi phạm dù đã được nhắc nhở nhiều lần, có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và an toàn khu vực, có dấu hiệu của hành vi thiếu tôn trọng pháp luật.

Trung Hà

19:00 11/12/2024
Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

Công ty CP Xây dựng U&I tiếp tục bị phát hiện có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu

(Thanh tra) - Tìm hiểu về lịch sử đấu thầu của Công ty CP Xây dựng U&I trong thời gian qua, PV Báo Thanh tra tiếp tục phát hiện nhà thầu này đã đề xuất nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tại gói thầu số 10: Xây lắp và thiết bị còn lại thuộc Dự án Trường THCS Hàn Thuyên, Phường 10, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chỉ trong tháng 10/2024, Công ty CP Xây dựng U&I bị phát hiện nhân sự chủ chốt sử dụng bằng cấp giả mạo tới 2 lần.

Thùy Dương

08:00 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm