Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần một phán quyết hợp lý, hợp tình

Thu Huyền

Thứ sáu, 24/03/2023 - 07:00

(Thanh tra) - Trong đơn khiếu nại gửi các cơ quan có thẩm quyền, bà Nguyễn Thị Thu Hương và các đồng bị đơn đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ án và đưa ra một phán quyết hợp lý, hợp tình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình.

Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất kéo dài hơn 17 năm và trải qua nhiều phiên tòa. Ảnh: Thu Huyền

Đương sự tiếp tục khiếu nại

 Như Báo Thanh tra đã thông tin, vụ án tranh chấp đất đai tại TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, kéo dài hơn 17 năm, qua 2 thế hệ và trải qua nhiều lần xét xử nhưng các đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại, đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án mà họ cho rằng chưa thỏa đáng.

Vụ án bắt đầu từ năm 2005, khi cha của bà Nguyễn Thị Thu Hương là ông Nguyễn Văn Bộ khởi kiện ra TAND thị xã Tây Ninh (nay là TP Tây Ninh), yêu cầu bà Đào Thị Đ. dỡ nhà, trả lại quyền sử dụng đất cho ông Bộ.

Trước đó, vào năm 1980, cha của ông Nguyễn Văn Bộ là cụ Nguyễn Văn Ngỗ có lập “tờ chúc ngôn” để lại tài sản gồm diện tích nhà và ruộng 1 mẫu cho ông Bộ.

Năm 1996, ông Nguyễn Văn Bộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với diện tích đất được chia. Hiện nay, phần đất này thuộc khu phố Ninh Phước, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

Đến năm 2016, TAND TP Tây Ninh tiếp tục thụ lý Vụ án số 105/2016/TLST-DS.

Trong vụ án này, nguyên đơn là những người thừa kế của bà Đào Thị Đ. và ông Nguyễn Văn Tr.; bị đơn là những người thừa kế của ông Nguyễn Văn Bộ (trong đó có bà Nguyễn Thị Thu Hương). Các đồng nguyên đơn yêu cầu các đồng bị đơn trả phần đất có diện tích 259,35m2 (phần đất này nằm trong tổng diện tích đất mà ông Bộ đã được cấp GCNQSDĐ từ năm 1996).

Tại Văn bản số 275/TB-TA ngày 28/3/2021, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến: Trên phần đất tranh chấp nằm trong tổng diện tích 1.612m2 trước đó ông Bộ được cấp GCNQSDĐ có nhà của ông Ch., ông Đ. và ông Tr. (ông Tr. là chồng của bà Đào Thị Đ.) nhưng sau đó ông Đ. dỡ nhà đi nơi khác và ông Bộ chuyển nhượng đất cho người khác nhưng không ai có ý kiến gì.

Mặt khác, theo hồ sơ vụ án, khi bà Đào Thị Đ. làm công trình phụ, cất nhà tạm trên đất đều hỏi ý kiến của ông Bộ. Bà Đ. biết việc ông Bộ kê khai đăng ký và được cấp GCNQSDĐ nhưng bà Đ. đều không có ý kiến gì.

“Như vậy, mặc nhiên các đương sự đã thừa nhận đất tranh chấp cụ Ngỗ đã cho ông Bộ”, Văn bản số 275/TB-TA của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh thể hiện.

Đối với diện tích đất thuộc thửa số 207, tờ bản đồ số 32 tại khu phố Ninh Phước, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, văn bản của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng khi giải quyết vụ án, tòa án cấp phúc thẩm đã tính công sức đóng góp và chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn (các con của bà Đào Thị Đ.), giao cho các đồng nguyên đơn một phần diện tích đất tranh chấp là phù hợp.

Năm 2014, UBND TP Tây Ninh cấp GCNQSDĐ cho bà Hương và những người đồng thừa kế của ông Nguyễn Văn Bộ. Ảnh: Thu Huyền

Trong đơn khiếu nại, bà Nguyễn Thị Thu Hương (con gái ông Nguyễn Văn Bộ) cho rằng các bản án sơ thẩm và phúc thẩm là không thỏa đáng, quyền và lợi ích chính đáng của gia đình chưa được bảo vệ nên các đương sự phía bị đơn đã phải khiếu nại kéo dài.

Luật sư nói gì?

Luật sư Võ Đức Duy Hân (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Theo tờ chúc ngôn của cụ Nguyễn Văn Ngỗ thì phần đất đang tranh chấp đã được cụ Ngỗ để lại cho ông Nguyễn Văn Bộ vào năm 1980. Trên thực tế, năm 1996, ông Nguyễn Văn Bộ được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất được chia.

“Như vậy, theo quy định tại Điều 181, 182, 192 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 49 Luật Đất đai năm 2003 thì ông Bộ đã được cấp GCNQSDĐ nên ông Bộ có quyền quản lý, sử dụng diện tích đất trên theo quy định của pháp luật. Sau khi ông Bộ chết, những người thừa kế hợp pháp của ông Bộ được thừa kế quyền sử dụng diện tích đất này là phù hợp với quy định của pháp luật”, luật sư Võ Đức Duy Hân nêu quan điểm.

Theo Bản án số 98/2018/DS-ST ngày 27/9/2018 của TAND TP Tây Ninh, luật sư Trương Quốc Phòng (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn Nguyễn Thị Đ.) trình bày: Phần đất tranh chấp của cụ Ngỗ để lại cho các con, trong đó có ông Tr., bà Đ. là cha mẹ của đồng nguyên đơn. Cha mẹ của đồng nguyên đơn đã sinh sống ổn định 61 năm trên phần đất này (từ năm 1957 cho đến năm 2012). Tại Bản án số 260/2006/DSPT ngày 12/9/2006 của Tòa án tỉnh tuyên: Giao cho bà Đ. 5m ngang nên gia đình bà Đ. mới dỡ nhà để được sử dụng 5m ngang theo quyết định của tòa án.

Cũng theo Bản án số 98/2018/DS-ST, đại diện Viện KSND TP Tây Ninh nêu ý kiến: “Có căn cứ xác định phần diện tích đất tranh chấp là thuộc quyền sử dụng của ông Bộ. Vì vậy, việc chị Đ., anh D., anh Q., chị L. yêu cầu bà Vân và các con của bà Vân, ông Bộ trả lại phần diện tích 259,35m2 là không có căn cứ. Tuy nhiên, ông Tr., bà Đ. đã ở trên đất từ năm 1957, có công sức tôn tạo từ đất ruộng thành đất bằng phẳng và giữ gìn đất nên cần chia cho các đồng nguyên đơn 1 phần đất trong tổng diện tích 259,35m2 bằng giá trị là phù hợp”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương cho rằng, bà và những người đồng thừa kế được quyền thừa kế diện tích đất do cha của bà (ông Nguyễn Văn Bộ) để lại là hoàn toàn hợp pháp.

Bà Hương không đồng ý với việc tòa án buộc gia đình phải giao một phần diện tích đất này cho phía nguyên đơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm