Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cả làng làm than tặc…

Ngọc Phó

Chủ nhật, 04/04/2021 - 22:08

(Thanh tra) - Phải mất hơn 3 đêm thức trắng, chúng tôi mới xâm nhập và nắm được quy trình hoạt động của làng than tặc cùng với các đầu nậu thu mua than đá lậu tại xã Quế Trung, nằm ngay trung tâm huyện lỵ Nông Sơn (Quảng Nam)…

Nhiều tấn than đá được vận chuyển về tập kết tại các nhà dân ở thôn Trung Thượng (Quế Trung, Nông Sơn, Quảng Nam). Ảnh: N.P

Xuất phát từ TP Đà Nẵng tầm 21 giờ tối, vượt hơn 60 km qua huyện Đại Lộc rồi vượt đường ĐT610 (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), chúng tôi mới đặt chân đến xã miền núi Quế Trung để tìm hiểu tình trạng người dân làm than tặc vào ban đêm.

Qua 2 lần thất bại vì đông đảo đội ngũ “chim xanh” (chuyên theo dõi phát hiện người lạ và cấp báo các điểm dừng hoạt động), chúng tôi phải thất thủ đi về nhà.

Đến lần thứ 3 thay đổi phương tiện di chuyển và giờ giấc, chúng tôi mới tiếp cận và tìm hiểu ngọn ngành vấn nạn khai thác, vận chuyển và buôn bán than trái phép ở đây.

Quế Trung là xã nằm trung tâm huyện lỵ Nông Sơn, có 10 thôn nhưng gần nửa số này dính líu đến việc lấy than tại mỏ than Nông Sơn do Công ty CP Than - Điện Nông Sơn quản lý và khai thác.

Tập kết than đá dọc các con đường thôn Trung Thượng . Ảnh: NP

Khác với những thị tứ hoặc trung tâm huyện lỵ ở vùng miền núi về đêm thường yên tĩnh, trong lành, thì ở huyện lỵ Nông Sơn sôi động hẳn lên; bởi hàng chục xe máy nặc ống bô chạy ngược xuôi rập rình theo dõi khách mới đến.

Theo lịch trình, tầm khoảng hơn 22 giờ đêm đến 1 - 2 giờ sáng, gần cả trăm xe máy cà tàng chở đầy các bao tải than đá từ bãi của mỏ than Nông Sơn chạy gần 3 km qua cầu Nông Sơn về thôn Trung Thượng, Trung Hạ (Quế Trung) để cân bán cho các đầu nậu than lậu.

Ghi nhận của chúng tôi, đội ngũ làm than tặc ở Nông Sơn lên đến hàng trăm người. Nói là trộm cắp nhưng thực tế việc khai thác than một cách công khai. Các than tặc dùng xe máy độ chế và cuốc, xẻng chạy thẳng vào tận bãi than lộ thiên của mỏ than Nông Sơn khai thác vào mỗi đêm; các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần nhịp độ khai thác gia tăng cao, thu hoạch nhiều hơn...

Xe máy đã độ chế để vận chuyển than lậu . Ảnh: NP

Mỗi xe máy độ chế có giá 2 - 3 triệu đồng/chiếc, không biển kiểm soát, không giấy tờ đăng ký… chỉ có sườn khung được gia cố thép chắc chắn và lắp 3 baga ở trước, giữa và sau xe để chở được nhiều bao than; phanh xe cũng được cải tiến nối dài để điều khiển khi chở các bao than đá nặng và cồng kềnh. Xe cũng không có đèn, chỉ sử dụng đèn soi sáng dẫn đường là chiếc đèn pin to đeo trước đầu. Do xe mất an toàn, đường đi gập gềnh, trắc trở; nhiều vụ xe chở than gặp tai nạn đã xảy ra; gây nguy hiểm đến tính mạng con người.

Theo tìm hiểu, ngoài nam giới còn có phụ nữ cũng tham gia làm than tặc. Có gia đình gồm vợ chồng và con trai lớn cùng đưa xe máy vào bãi để lấy than đi tiêu thụ. Mỗi đêm, một người vào mỏ than khai thác, vận chuyển nhiều lần. Mỗi lần có thể chở được 3 - 4 bao khoảng 1,5 - 2 tạ than đưa về bán cho các điểm tập kết trên địa bàn thôn Trung Thượng với giá từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng/tấn; người làm giỏi thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/đêm.

Nhiều bao chứa lộ ra các thỏi than đá lớn. Ảnh: NP

Chúng tôi đột nhập vào nhiều con đường nhỏ thôn Trung Thượng chứng kiến nhiều đống than chứa trong bao tải nằm la liệt khắp nơi vì chưa tiêu thụ được. Theo sau chúng tôi là nhiều “chim xanh” xăm trổ đầy người theo dõi đến khi rời khỏi địa bàn Quế Trung.

Tính trung bình mỗi bao than nặng 50 - 60kg, thì số lượng than lậu chất ở đây có thể lên hàng trăm tấn. Nếu tính đều cả năm thì số lượng than bị thất thoát lên cả ngàn tấn. Việc tồn đọng than ở Trung Thượng là do khi có lực lượng kiểm tra thì người làm than tặc chở về cất giấu quanh nhà, dọc các con đường hẻm nhỏ trong khu dân cư chờ dịp khác tiêu thụ.

Vào những ngày làm việc hành chính, có nhiều cán bộ cơ quan chức năng ở lại huyện lỵ thì tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán than đá có phần ít hơn; nhưng vào thứ bảy, chủ nhật khi cán bộ, lực lượng chức năng về nghỉ cuối tuần thì vấn nạn này sôi động hẳn lên do ít bị kiểm tra, xử lý.

Trung tâm huyện lỵ Nông Sơn không yên ả về đêm . Ảnh: NP

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trường Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung cho hay, chỉ riêng 2 thôn Trung Thượng và Nông Sơn (xã Quế Trung) đã có đến 70 - 80 người làm nghề lấy than tại mỏ Nông Sơn; nhiều nhất vẫn là người dân thôn Trung Thượng.

Ông Thương cho biết thêm, người dân trước đây vào lượm than ở những bãi thải đá khai thác hoặc vị trí tập kết trung chuyển giữa 2 mỏ. Sau đó là lượm than rơi vãi bị vùi lấp khi sơ chế đưa xuống tàu đi nơi khác. Ban đầu chỉ vài người vào mỏ lượm than bới theo đá ra ngoài, nay tăng lên hơn 70 người vào hoạt động trong mỏ than Nông Sơn.

Theo xác minh của chúng tôi, không chỉ có chuyện lượm than nêu trên, mà còn xảy ra nạn “cướp than” ngay trên bãi lộ thiên của đơn vị quản lý đã cày ủi ra nhưng chưa sử dụng hết; tình trạng này rộ lên chừng 3 - 4 năm nay, số lượng người làm than tặc tăng gần cả trăm người và ai cũng có thể tham gia được.

Lãnh đạo Công ty CP Than - Điện Nông Sơn đã nhiều lần gửi công văn cho chính quyền xã, huyện và đơn vị chức năng nhờ can thiệp, xử lý nạn than tặc đã nêu nhưng vẫn đành bất lực.

Báo Thanh tra tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm