Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Báo Thanh tra góp phần giúp hàng vạn hộ gia đình không phải dùng gas giả

Chủ nhật, 20/06/2021 - 15:34

(Thanh tra)- Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Báo Thanh tra trong những năm vừa qua, đã góp phần giúp hàng vạn hộ gia đình trên cả nước không phải dùng gas giả, gas lậu.

Nếu không có sự vào cuộc của Báo Thanh tra, thì số bình gas này sẽ được làm giả và đưa đi tiêu thụ. Ảnh: ND

Hàng vạn bình gas giả, gas lậu bị xử lý

Thời gian vừa qua, từ những thông tin của người dân cũng như doanh nghiệp trên khắp cả nước gửi đến, PV Báo Thanh tra đã phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương, phanh phui và ngăn chặn hàng chục vụ sang chiết gas giả, gas lậu. Qua đó, đã có hàng chục nghìn chai LPG (bình gas) các loại được phát hiện và xử lý kịp thời trước khi được chuyển đến các hộ để sử dụng.

Gần đây nhất, ngày 6/5/2021, PV Báo Thanh tra tham gia cùng Công an xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội tiến hành kiểm tra để xử lý một cơ sở nghi vấn sang chiết gas lậu không có giấy phép hoạt động tại một trang trại đất nuôi trồng thủy sản. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng đã thống kê có khoảng 700 vỏ bình gas của 30 nhãn hiệu khác nhau như: Totalgas, Vạn Lộc, Petrolimex, Venus, Petrovietnam gas, Thăng Long gas, Hồng Hà gas, Sunflame gas, Gia Đình gas, Hoàng Hà gas, Đại Hải gas, Vina Petro gas, Sellan gas…

Ngoài ra, tại đây còn có 1 xe bồn chứa gas mang biển kiểm soát 29H-70043 đang nối dây vào hệ thống chiết nạp gas bên trong; 1 xe ô tô tải biển kiểm soát 29H-06583 trên xe có chứa khoảng 60 bình có chứa gas; 1 xe tải biển kiểm soát 29H-01339 có chứa các bình gas. Cả hai xe tải đều là loại xe không đủ điều kiện để vận chuyển các bình chứa gas.

Theo trả lời của phó chủ tịch UBND xã sở tại, trạm sang chiết gas lậu này tồn tại được hơn một tháng, xã đã nhắc nhở nhưng không hiểu sao vẫn hoạt động.

Một câu hỏi được đặt ra: Nếu không phát hiện và xử lý thì sẽ có biết bao nhiêu hộ gia đình trên địa bàn gần đó sử dụng phải gas giả, gas lậu rất nguy hiểm và mất an toàn cũng như thiệt hại thêm về kinh tế?

Trước đó không lâu, ngày 16/4/2021, nhận được tin báo, Công an huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương tiến hành kiểm tra một khu nhà xưởng tại thôn Cậy, xã Long Xuyên, phát hiện nhóm 4 đối tượng đang có hành vi chiết nạp gas trái phép từ một xe chuyên dụng vận chuyển khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) sang hàng trăm bình gas có trọng lượng từ 12 đến 45kg của nhiều nhãn hiệu như: Totalgas, Petro Hồng Hà, Petro Việt Nam gas, Vinapegas, Petrolimex… Lực lượng chức năng đã thu giữ 84 vỏ bình gas, gần 300 bình gas đã được chiết nạp mang nhiều thương hiệu khác nhau cùng hơn 11 tấn gas chứa trong xe bồn chuyên dụng.

Qua nắm bắt tình hình và tìm hiểu, ngày 30/1/2021, PV Báo Thanh tra đã cung cấp thông tin về việc một đại lý bán lẻ gas trên địa bàn TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau đang buôn bán rất nhiều bình gas giả, gas lậu. Ngay sau đó, Công an tỉnh Cà Mau đã tiến hành kiểm tra và phát hiện thu giữ 156 bình gas mang nhãn hiệu Elfgaz của Công ty Totalgaz Việt Nam có dấu hiệu làm giả niêm màng co, để tiến hành xác minh làm rõ.

Trong văn bản trả lời mới đây, Công an tỉnh Cà Mau cho biết, đã xác định được 156 bình là gas giả nhãn hiệu. Tuy nhiên, đơn vị này trả lời không tiến hành khởi tố vụ án vì không đủ điều kiện. Chỉ có điều, ngày bắt được kho gas này thì trước đó có sự xuất hiện chiếc ô tô của đơn vị sản xuất gas giả, gas lậu đã bị lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau bắt và xử lý đến 4 lần trước đó, tức là hàng nghìn bình gas người dân sử dụng tại Cà Mau đã bị làm giả nhãn hiệu.

Trong quá trình tác nghiệp, PV Báo Thanh tra đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý được nhiều đơn vị sản xuất gas giả, gas lậu tại các địa phương như: Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Lào Cai, Sơn La, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lawsk, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang…

Có thể thấy thị trường bán lẻ gas đang có rất nhiều vấn đề cần phải hoàn thiện, để giúp cho hàng vạn hộ gia đình không phải dùng gas giả, gas nhái gây mất an toàn cháy nổ.

Sự vào cuộc quyết liệt của Báo Thanh tra đã được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân ghi nhận. Ảnh: ND

Những vấn đề của ngành gas bán lẻ hiện nay

Hiện nay trên thị trường có gần 100 thương hiệu gas, với tổng mức tiêu thụ khoảng hơn 2 triệu tấn/năm. Mặc dù không lớn, nhưng do có quá nhiều đầu mối tham gia nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm nhãn hiệu, gian lận thương mại, sang chiết gas trái phép...

Thị trường gas hiện nay có hai vấn đề nổi cộm: Quá nhiều cơ quan Nhà nước tham gia quản lý vỏ bình gas, nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý chính. Cùng với đó, môi trường kinh doanh gas đang tồn tại nhiều bất cập như chất lượng vỏ bình gas, nạn kinh doanh gas giả, sang chiết nạp trái phép, nhái nhãn mác, nhập khẩu bình gas cũ và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, tại nhiều địa phương trong cả nước đã liên tiếp xảy ra những vụ cháy nổ các cơ sở kinh doanh và sử dụng gas, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Theo ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết: Nếu như trước đây việc sang chiết nạp lậu gas được thực hiện công khai ở các trạm chiết thì nay các đối tượng này đã rút vào bí mật, thực hiện sang chiết trực tiếp từ các xe bồn ở những địa điểm vắng vẻ vào ban đêm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Trong khi đó, quy định về xử phạt hành vi sang chiết lậu theo Nghị định số 99/2020/NĐ-CP mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính.

"Việc sang chiết gas lậu tính chất của nó rất nguy hiểm, không đảm bảo chất lượng, không an toàn. Thế nhưng luật của mình quy định chỉ xử phạt hành chính, đang bất hợp lý, không quy ra đó là hàng giả mà chỉ là gian lận thương mại, nên xử phạt rất nhẹ. Kiến nghị của Hiệp hội là đưa hành vi sang chiết lậu là hàng giả chứ không chỉ là gian lận thương mại" - ông Hùng nêu quan điểm.

Dự báo các hành vi gian lận thương mại sẽ tiếp tục gia tăng vào các dịp cuối năm, Hiệp hội Gas Việt Nam và các doanh nghiệp hội viên đang chủ động phối hợp với lực lượng chức năng tại các địa phương tập trung kiểm tra, xử lý ở những địa bàn nổi cộm.

"Có những vụ việc gian lận thương mại chúng tôi lên tận Bắc Kạn, rõ ràng nhìn thấy chiếm dụng vỏ bình, cắt tai mài vỏ. Tuy nhiên, khi đưa ra xử lý sai phạm chưa được triệt để. Biết đấy là sản phẩm của mình nhưng cũng không làm sao thu hồi được. Các cơ quan chức năng cần sửa đổi bổ sung Nghị định, tìm cách tháo gỡ để xử lý các hành vi gian lận thương mại trên thị trường thuyết phục hơn. Vì lợi nhuận các đối tượng làm ăn phi pháp nghĩ ra rất nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng ta phải thường xuyên cập nhật để phát hiện ra phương thức thủ đoạn, phát hiện ra các quy luật để xây dựng chính sách xử lý. Thứ hai, những người trực tiếp thực thi rất quan trọng, nếu xử lý nghiêm, triệt để sẽ có sức răn đe. Nhưng do quen biết nể nang, cá biệt có trường hợp vì lợi ích cá nhân không làm chuẩn theo luật pháp" - ông Hùng nhấn mạnh.

Hiệp hội Gas Việt Nam kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước, các lực lượng chức năng sớm nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp quy phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của mặt hàng gas nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho các hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động kinh doanh gas. Đồng thời, có cơ chế phối hợp với Hiệp hội Gas Việt Nam, các chi hội gas, doanh nghiệp kinh doanh gas trong đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh gas.

Còn theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý liên quan là vô cùng cấp thiết nhằm lập lại ổn định cho thị trường kinh doanh gas. Trước mắt, cơ quan năng cần giám sát chặt chẽ hơn nữa các cơ sở sản xuất kinh doanh gas; chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Bởi thực tế cho thấy, sự vào cuộc của các lực lượng chức năng hiện chỉ mang tính chất định kỳ chứ chưa chủ động tìm kiếm, phát hiện những “hang ổ” gian lận. Các vụ việc vi phạm đều do doanh nghiệp tự phát hiện và báo tin, nhưng khi lực lượng chức năng có mặt thì hầu hết các đối tượng đã kịp thời tẩu tán tang vật.

Quy định pháp luật là điều kiện cần, song những người “cầm cân nảy mực” mới là quyết định. Bởi vậy, cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thực thi liêm chính, công minh, nắm rõ và làm đúng chính sách pháp luật của nhà nước.

Đặc biệt, cần có sự giám sát quyền lực của người thực thi công vụ. Trong đó, vai trò giám sát của người dân và các cơ quan báo chí là vô cùng quan trọng, để giúp các quy định pháp luật được thực thi.

Nam Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm