Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 16/11/2018 - 15:11
(Thanh tra) - Hàng loạt nghi vấn của dư luận cần được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra, trả lời thỏa đáng, minh bạch trước công chúng về việc ban hành quyết định chấp thuận đầu tư, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ... tại Dự án Khu đô thị mới Xuân An, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Dự án Khu đô thị mới Xuân An không thực hiện theo đúng tiến độ đã được phê duyệt. Ảnh: P. Tường
Vỏ hào nhoáng, ruột trống rỗng!
Dự án Khu đô thị mới Xuân An (giai đoạn 1) được chấp thuận đầu tư theo Quyết định số 1773/QĐ-UBND ngày 30/6/2016 do ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký.
Theo nội dung quyết định này, dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đông Dương Thăng Long (gọi tắt là Công ty Đông Dương Thăng Long) thực hiện với quy mô 27,32 ha và tổng vốn đầu tư hơn 306 tỷ đồng.
Về tiến độ thực hiện dự án, Quyết định số 1773/QĐ-UBND nêu rõ: Giai đoạn thi công hoàn chỉnh kỹ thuật và các hạng mục theo quy mô đầu tư dự án bắt đầu từ tháng 9/2016 và hoàn thành vào tháng 12/2017.
Tuy nhiên, đã gần 1 năm sau thời điểm phải hoàn thành theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Dự án Khu đô thị mới Xuân An (giai đoạn 1) vẫn là một hiện hữu nhếch nhác, dở dang, không giống với những mĩ từ “điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc đô thị cho thị trấn Xuân An” - lời khẳng định mà chủ đầu tư cùng với chính quyền Hà Tĩnh từng công bố khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này.
Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận dự án đầu tư khu đô thị trên diện tích 17,3 ha đất trồng lúa. Ảnh: P. Tường
Ghi nhận của PV Báo Thanh tra tại hiện trường, xung quanh công trình Dự án Khu đô thị mới Xuân An được quây kín bởi hàng loạt tấm biển quảng cáo cỡ lớn, màu sắc sặc sỡ, có hình ảnh phối cảnh mô tả về “tiện nghi - sang trọng - hiện đại” của kiến trúc hạ tầng mới lạ. Xen lẫn vào đó là hàng loạt thông tin “bán đất nền”, “bán đất mặt tiền” được công khai ngay trên những tấm tôn dựng vội.
Trái ngược với những gì được vẽ vời phía bên ngoài, bên trong là một khung cảnh tẻ nhạt, không giống như sự nhộn nhịp mà ta thường bắt gặp tại các công trường xây dựng. “Điểm nhấn” duy nhất mà chúng tôi nhìn thấy tại dự án này đó chính là những hàng cây xanh vừa trồng chưa kịp ra lá mới.
Tại những vị trí được quy hoạch làm nhà biệt thự và nhà ở liền kề, quang cảnh vẫn chỉ dừng lại ở giai đoạn san lấp đất nền. Nếu theo đúng tiến độ và quy hoạch được phê duyệt thì đến cuối năm 2017, ở những vị trí đó phải hoàn chỉnh các khu biệt thự, khu nhà liền kề khang trang, hiện đại.
Tỉnh chấp thuận dự án trên diện tích 17,3 ha đất trồng lúa?
Ngày 30/6/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1773/QĐ-UBND về việc chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị mới Xuân An. Trong tổng số 27,32 ha mà dự án này được duyệt, có tới 17,3 ha là đất trồng lúa của người dân thị trấn Xuân An.
Ngày 5/8/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ban hành Quyết định số 2157/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Sơn ký, về việc phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của huyện Nghi Xuân. Theo đó, Dự án Khu đô thị mới Xuân An nằm trong danh mục công trình, dự án bổ sung thực hiện trong năm 2016. Có tới 27,32 ha đất nông nghiệp (trong đó có 17,3 ha đất chuyên trồng lúa) sẽ bị thu hồi và chuyển thành đất ở đô thị để phục vụ cho dự án.
Ngày 28/3/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có Công văn số 1759/UBND-NL2 gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị thống nhất để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 17,3 ha đất trồng lúa tại thị trấn Xuân An. Ảnh: X.Thành
Những tài liệu, chứng cứ mà PV Báo Thanh tra thu thập được cho thấy, tại thời điểm ban hành Quyết định số 1773/QĐ-UBND (ngày 30/6/2016) và Quyết định số 2157/QĐ-UBND (ngày 05/8/2016) thì UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc xin chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 17,3 ha đất trồng lúa tại thị trấn Xuân An sang đất phi nông nghiệp để triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị mới Xuân An (giai đoạn 1).
Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 (tại Điều 58, Khoản 1, điểm a) quy định: Đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa trở lên; từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.
Tại Điều 2, Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 5/8/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao trách nhiệm cho UBND huyện Nghi Xuân: “Thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt; tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định”.
Thế nhưng, đến ngày 28/3/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới có Công văn số 1759/UBND-NL2 gửi Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị thống nhất để UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chuyển mục đích sử dụng 17,3 ha đất trồng lúa tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân sang đất phi nông nghiệp để triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Xuân An.
Mặt khác, tại Quyết định số 1773/QĐ-UBND ngày 30/6/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh quy định thời gian tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng của dự án bắt đầu từ tháng 8/2016 và hoàn thành vào tháng 9/2016.
Cần phải nhắc lại rằng, tại thời điểm đó, diện tích đất nói trên vẫn thuộc quyền sử dụng của người dân thị trấn Xuân An, với mục đích sử dụng là đất chuyên trồng lúa nước. Và, giả sử việc chuyển mục đích sử dụng 17,3ha đất trồng lúa sang đất ở đô thị không được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thì liệu chính quyền Hà Tĩnh có thể thực hiện việc thu hồi đất, đền bù và giải phóng mặt bằng để phục vụ dự án này hay không?
Vấn đề đang được dư luận cùng người dân tại Hà Tĩnh quan tâm, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xác minh làm rõ và sớm có câu trả lời đó là: Việc UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành các quyết định chấp thuận đầu tư, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất và giao trách nhiệm cho UBND huyện Nghi Xuân thu hồi, giao và chuyển mục đích sử dụng đối với 17,3 ha đất trồng lúa tại thị trấn Xuân An khi chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ như vậy có đúng với quy định của Luật Đất đai?
Bài 2: Đầu tư dự án hay đầu cơ buôn đất kiếm lời?
Xuân Thành - Phạm Tường
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.
Nam Dũng
16:00 14/12/2024(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…
Ngọc Tuấn
08:00 14/12/2024Ngọc Tuấn
19:00 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Chu Tuấn
15:37 13/12/2024Trung Hà
19:00 11/12/2024Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền
Uyên Uyên
Hương Giang
Nam Dũng
Trần Quý
Lê Hữu Chính
Trần Quý