Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người tiêu dùng "lạc" giữa "ma trận" chất lượng

Thứ tư, 15/01/2014 - 07:36

(Thanh tra)- Hiệp hội Siêu thị Hà Nội vừa có cuộc kiểm tra đột xuất thị trường tiêu dùng tại nhiều siêu thị và chợ truyền thống, cho thấy, cận Tết năm nay, sức mua giảm mạnh, giá không tăng nhưng vẫn đứng ở mức cao. Trong khi đó, chất lượng thực phẩm ở thị trường tự do phức tạp như "ma trận" gần như không kiểm soát nổi.

Sức mua của người tiêu dùng giảm so với cận Tết năm trước. Ảnh: Hữu Oanh

Dạo quanh thị trường Hà Nội cận Tết tại nhiều siêu chị, chợ như: Big C, Hapro, Ocean Mart, chợ Hôm Đức Viên, chợ Thành Công, chợ Hàng Da... Hiệp hội Siêu thị Hà Nội ghi nhận sức mua trầm lắng. Điều này cũng được các lãnh đạo siêu thị phản ánh sức mua trung bình tháng cận Tết giảm khoảng 10% so với cùng thời điểm năm trước. Còn tại các chợ, nhiều hộ tiểu thương phản ánh do gần nhà, thuận tiện nên khách hàng thường để cách Tết chừng 1 tuần mua vẫn còn kịp.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, việc sức mua giảm, người tiêu dùng mua ít hàng hơn lại phù hợp với sự chuẩn bị hàng hóa một cách dè dặt và khiêm tốn của các siêu thị (ngoại trừ một số mặt hàng bình ổn giá). Thực tế, ngoài mặt hàng kí gửi không phải tung vốn thì các mặt được siêu thị mua đến đâu, bán đến đó.

Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng năm 2013 chỉ tăng 5,2%, thấp hơn 1,3% so với mức tăng 6,5% của năm 2012. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì mức tăng này là do tăng cơ học như việc gia tăng dân số, tăng các hộ dân chuyển về Hà Nội sinh sống; do giá các loại mặt hàng tăng nên việc chi tiêu cho các mặt hàng cũng tăng theo... chứ không phải tốc độ tăng này là do người tiêu dùng bỏ nhiều tiền để mua sắm. Đây cũng là nguyên chính khiến sức mua thực chất là giảm chứ không phải tăng.

Nghiên cứu thị trường Tết nhiều năm các chuyên gia cho rằng, từ khoảng mùng 10 tháng Chạp trở đi, thị trường đồ tiêu dùng các mặt hàng khô như: Miến, măng, mộc nhĩ, bánh mứt kẹo, nước giải khát, rượu, bia, thuốc lá... sẽ được người tiêu dùng mua trước. Còn mặt hàng tươi như gạo nếp, giò chả, thịt gà, hải sản... từ 23 tháng Chạp trở đi mới tấp nập người mua. Khi đó sức mua mới thực sự tăng mạnh.

Tuy sức mua giảm so với cận Tết năm trước song giá cả nhiều loại mặt hàng vẫn đứng ở mức cao. Hiện giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại các siêu thị  như trứng gà ta: 40 - 42.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp 24 - 26.000 đồng/chục, tại chợ giá thấp hơn lần lượt là 36.000 đồng/chục trứng gà ta, 22.000 đồng/chục trứng gà công nghiệp (thực tế ở chợ thì 5 - 7 tháng nay, giá mặt hàng này vẫn ổn định). Rau xanh tại siêu thị như: Cà chua từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, bắp cải 13.000 - 15.000 đồng/kg, tại chợ giá thấp hơn khoảng 10 - 20%; thịt bò sạch ở siêu thị từ 310.000 - 320.000 đồng/kg, còn tại chợ thấp hơn khoảng 280.000 đồng/kg.

 Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn rất đáng lo ngại. Ảnh: Hữu Oanh

Trong khi đó, chất lượng nhiều loại mặt hàng còn nhiều điều đáng lo ngại. Kiểm tra của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho thấy, ngay cả một số siêu thị việc đóng góp bao bì với mặt hàng dưa, rau xanh không được thực hiện hoặc bao bì không bảo đảm, không được niêm phong vì vậy khó gây lòng tin cho người tiêu dùng đó là sản phẩm sạch. Một số mặt hàng không được gắn nhãn mác... Do vậy, ngay cả tại siêu thị thì chỉ 80 - 90% các mặt hàng bảo đảm chất lượng tốt.

Còn tại thị trường tự do, người tiêu dùng như "lạc" vào "ma trận" chất lượng các loại sản phẩm. Đa phần chất lượng các loại sản phẩm không được kiểm soát, không có địa chỉ nơi sản xuất cũng như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tình trạng các khâu sản xuất bánh kẹo Xuân Đỉnh năm nào kiểm tra cũng có vấn đề về vi phạm điều kiện an toàn thực phẩm. Hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển thịt, nội tạng động vật thối bị phát hiện và xử lý từ tháng 12/2013 đến giờ. Nhiều cơ sở gia công hàng thực phẩm tươi sống vi phạm được phát hiện nhưng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm...

Theo ông Vũ Vinh Phú, với thị trường lớn gần 9 triệu dân như Hà Nội, đa phần người dân có thói quen gặp đâu mua đó thì khó lòng có lực lượng chức năng nào kiểm soát được chất lượng sản phẩm thực phẩm mà chỉ định hướng người tiêu dùng nên đến địa chỉ tin cậy (không chỉ là vào siêu thị mà một số địa chỉ gia truyền khác về thực phẩm cũng rất bảo đảm chất lượng) để tiêu dùng. Tuy nhiên, ở đây ta chưa thấy vai trò "nhạc trưởng" của các cơ quan chức năng của Nhà nước. Đặc biệt, thị trường thực phẩm tự do đối với người tiêu dùng là 80% người nghèo buộc phải sử dụng. Vì vậy, vấn đề quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm phải đặc biệt được quan tâm.


Hữu Oanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm