Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gia Lai gỡ khó cho người trồng tiêu

Thứ sáu, 13/09/2019 - 06:32

(Thanh tra)- Gia Lai là địa phương có diện tích hồ tiêu đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên với khoảng hơn 16.000ha nhưng do tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh hoành hành đã làm thiệt hại gần 6.500ha nên diện tích còn lại kém phát triển, năng suất thấp. Thực trạng này đã khiến hàng chục ngàn hộ dân lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, trật tự, an ninh nông thôn trở nên phức tạp.

Phát triển cây tiêu để xóa đói nghèo và ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: BVH

Tổng dư nợ cho vay hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến thời điểm này là trên 3.700 tỷ đồng; trong đó dư nợ thiệt hại lên đến hơn 2.600 tỷ đồng của hơn 11.000 khách hàng, nợ xấu hơn 450 tỷ đồng. Riêng thủ phủ hồ tiêu Chưpưh là địa phương có diện tích hồ tiêu bị thiệt hại nặng nhất, hơn 2.000ha, nợ xấu 260 tỷ đồng.

Báo cáo của UBND huyện Chưpưh nêu rõ, do áp lực phải trả lãi suất ngân hàng (NH) và chi tiêu sinh hoạt gia đình nên rất nhiều hộ dân trên địa bàn đã bỏ vào các tỉnh phía Nam làm thuê, để lại nhiều hệ lụy người già không được chăm sóc, trẻ em không được chăm lo, quản lý dẫn đến bỏ học, tình hình trộm cắp ngày càng phức tạp gây mất an ninh, trật tự địa phương.

Thực tế này kéo theo sản xuất nông nghiệp giảm sút do đất đai bỏ hoang không canh tác, các ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ theo đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Để tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, tỉnh Gia Lai đã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn liên kết sản phẩm đầu ra với các doanh nghiệp sản xuất nông sản uy tín trên địa bàn.

Các tổ chức tín dụng đã vào cuộc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh, cho vay chuyển đổi cây trồng… đã phần nào giúp người dân ổn định tâm lý, an tâm chuyển đổi mô hình sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Điểm nhấn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là việc tỉnh Gia Lai đã định hướng ổn định 10.000 cây ăn quả gắn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với Công ty Cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Cổ phần Nafoods Group… Đây là điều kiện thuận lợi để người trồng tiêu mạnh dạn chuyển sang xây dựng mô hình kinh tế mới, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao cho biết, với quy mô chế biến 500 tấn nguyên liệu mỗi ngày, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai sẽ xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu liên kết sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị bền vững quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao diện tích lên đến từ 10.000 - 15.000ha tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Qua đó, góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng chục nghìn lao động nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, bán hàng, vận tải…

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chưpưh, Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ, trước đây tổng diện tích hồ tiêu của địa phương là 220ha nhưng giờ chỉ còn chưa đầy 40ha. Trước thực tế này, ngoài việc vận động người dân chuyển đổi 64ha sang trồng cây cà phê, cây ăn quả, chính quyền địa phương còn phối hợp chặt chẽ với các NH rà soát cụ thể và xác nhận để các hộ trồng tiêu được giãn nợ, miễn giảm lãi suất và vay mới tái đầu tư sản xuất.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng đã có động thái cụ thể hỗ trợ nông dân trồng tiêu thông qua việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh và cho vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Ông Võ Bình Độ ở thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, là một trong số khách hàng được NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chưpưh hỗ trợ bằng biện pháp giãn nợ 5 năm để giảm áp lực trả lãi và tạo cơ hội tái sản xuất.

"Năm 2012 gia đình vay NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chưpưh 2 tỷ đồng để đầu tư mở rộng 7ha tiêu. Tuy nhiên, đến năm 2017, toàn bộ diện tích tiêu của gia đình chết hoàn toàn, không còn nguồn thu nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả gốc và lãi vay. Được NH giãn nợ khoản vay lên 5 năm, mỗi năm trả một ít nên cũng đỡ áp lực. Những diện tích hồ tiêu chết, gia đình tôi đã chuyển sang trồng cà phê và cây ăn quả, hy vọng thời gian tới sẽ có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống hàng ngày và trả nợ", ông Độ chia sẻ.

Ông Lê Thanh Quang, Phó Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết, toàn chi nhánh hiện có tổng dư nợ do thiệt hại hồ tiêu lên đến gần 700 tỷ đồng của hơn 4.100 khách hàng, chiếm hơn 97% dư nợ cho vay trồng và chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn.

Để người dân có diện tích hồ tiêu bị thiệt hại ổn định cuộc sống, an tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập để trả nợ, theo ông Lê Thanh Quang, NH đã tạo điều kiện thuận lợi cho những khách hàng còn nguồn thu và có thiện chí trả nợ tiếp tục được vay vốn để tái đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích những khách hàng trả nợ trong năm 2019 sẽ được áp dụng cơ chế miễn giảm lãi.

Ngoài ra, NH còn cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các hộ vay bị thiệt hại theo hướng phù hợp với nguồn thu nhập, điều chỉnh miễn, giảm lãi suất, thu gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các hộ dân có thiện chí trả nợ.

Sự vào cuộc của tỉnh Gia Lai và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thời gian qua phần nào đã giảm tải áp lực cho nông dân trồng tiêu vượt qua khó khăn. Qua đó, mở ra cơ hội mới để người dân tái đầu tư, chuyển đổi hướng sản xuất kinh doanh phù hơp với hoàn cảnh, điều kiện, thổ nhưỡng của vùng đất, tạo nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống và trả nợ.

Nguyễn Hoài Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm