Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dự báo xuất khẩu 2014

Thứ bảy, 18/01/2014 - 09:08

(Thanh tra) - Kết thúc năm 2013, xuất nhập khẩu nước ta đã cán đích thành công mục tiêu kế hoạch. Với kết quả lần thứ 2 liên tiếp xuất siêu, lĩnh vực xuất khẩu đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh kinh tế của cả nước.

Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 đã xác định định hướng phát triển XK nhóm hàng có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Bức tranh tổng quan xuất nhập khẩu (XNK) năm 2013 cho thấy, kim ngạch XK năm 2013 tăng khoảng 15,4%, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ và Quốc hội đề ra là 5,4%. Kim ngạch NK tăng 15,4% so với năm 2012, bằng tốc độ tăng kim ngạch XK. Xuất siêu cả năm khoảng 863 triệu USD, góp phần quan trọng trong việc ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Kỳ họp lần thứ 6 vừa qua, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10%, nhập siêu khoảng 6%. Như vậy, tổng kim ngạch XK năm 2014 ước khoảng 147 tỷ USD và nhập siêu khoảng 9 tỷ USD. Đây dự báo là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, Hiệp hội cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Nhờ vào quy mô XK được mở rộng, mà tăng trưởng XK đạt được ở hầu hết các mặt chủ lực. Năm 2013, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch XK đạt trên 1 tỷ USD, so với năm 2012 giảm một mặt hàng là than đá theo chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô. Trong đó, có 13 nhóm hàng có kim ngạch XK đạt trên 2 tỷ USD là thủy sản, cà phê, gạo, cao su, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, xơ sợi dệt, giày dép các loại, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và máy vi tính, đồ điện tử.

Cơ cấu các nhóm hàng XK năm 2013 có những chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển XNK hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, cụ thể nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất 70,5%, tăng 5,7% so năm 2012; theo sau lần lượt là nông sản, thủy sản 15% và nhiên liệu khoáng sản 7,3%. 

Có thể nói, XK đã bứt phá và đạt kết quả xuất siêu 863 triệu USD là nhờ ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường như Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước đến năm 2013; Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu…

Ngoài ra, kim ngạch XK tăng mạnh cũng nhờ nỗ lực cố gắng của Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp và là kết quả của chính sách thu hút vốn đặc biệt là các dự án điện tử, điện thoại di động, sản phẩm cơ khí… từ FDI. Các doanh nghiệp cũng bước đầu biết tận dụng lợi thế mở cửa thị trường từ FTAs.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, XNK năm qua đã bộc lộ những hạn chế và yếu tố không bền vững. Đa số các mặt hàng nông sản chủ lực chỉ XK thô hoặc sơ chế. Nhiều ngành hàng XK chủ lực còn phụ thuộc nguyên liệu XK… Điều này ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng về chất của các sản phẩm XK, đồng thời chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro về biến động nguồn cung và giá nguyên liệu NK. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một nhóm hàng, thậm chí một nhà sản xuất duy nhất, và tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc đang tăng nhanh cũng là những yếu tố thiếu bền vững đang gây hạn chế cho XNK. 

Để khắc phục tình trạng này, theo Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công thương, Trần Thanh Hải, Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 của nước ta đã xác định mục tiêu quan trọng, cần phát triển sản xuất để tăng nhanh XK, đồng thời đáp ứng nhu cầu trong nước; khai thác tốt lợi thế so sánh của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh các mặt hàng XK cũng như đa dạng hóa thị trường XNK. 

Thực tế quy mô các mặt hàng XK chủ lực đã có sự tăng trưởng trong thời gian qua. Năm 2013, cả nước có 22 nhóm hàng có kim ngạch XK đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 13 mặt hàng có kim ngạch XK trên 2 tỷ USD. Chủ trương trong thời gian tới là chú trọng phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ giá trị trong nước, giảm phụ thuộc vào nguyên phụ liệu NK. Đồng thời, rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá.

Trên cơ sở này, khi đánh giá và dự báo phát triển của XNK Việt Nam trong năm 2014, ông Trần Thanh Hải nói, kinh tế thế giới dự kiến tiếp tục khởi sắc, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng; xu hướng bảo hộ có chiều hướng gia tăng gây ra khó khăn trong việc phát triển thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thuận lợi và cơ hội khi kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ, ngoại hối ổn định. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm công nghiệp và nhóm hàng hóa mới sẽ có nhiều khả năng tăng trưởng nhanh trong giai đoạn tới do kết quả của quá trình thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI. 

Ngoài ra, trong năm 2014, Hiệp định Việt Nam - EU; Hiệp định Việt Nam - EFTA; Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc; Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan đang  được tích cực đàm phán và ký kết sẽ góp phần mở rộng thị trường và đẩy mạnh XK cho hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp định TPP được dự báo mở ra cơ hội lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày...

Để tiếp tục giữ vững tăng trưởng XK trong năm 2014, cũng theo ông Hải, cần thực hiện các nhóm giải pháp lớn là: Tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu; có chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông thuỷ sản có lượng hàng hoá lớn và một số ngành hàng khác như dệt may, da giày; tăng cường kinh phí thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường; tăng cường hoạt động của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, để kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, Hiệp hội tạo điều kiện chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh. Về phía các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh XK và nâng cao hiệu quả XK hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ.

Tấn Lộc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm