Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 26/02/2018 - 22:26
(Thanh tra)- Ngày 26/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc đối thoại với các doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03 của Bộ Giao thông Vận tải quy định việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô nhập khẩu...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (trái ảnh) chủ trì cuộc đối thoại, với sự tham dự của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink. Ảnh: TN
Doanh nghiệp nước ngoài kêu khó
Tại cuộc đối thoại, nhấn mạnh Mỹ tập trung xuất khẩu và đẩy mạnh hơn quan hệ thương mại hai nước, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Dan Kritenbrink bày tỏ quan ngại khi Nghị định 116 đưa ra quy định mới về nộp giấy chứng nhận an toàn đối với kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp.
“Ở Mỹ, tôi không biết Bộ Môi trường có thẩm quyền để tạo ra giấy chứng nhận này hay không. Do đó chúng tôi đang ở trong vị trí rất khó khăn. Với quy định về việc kiểm tra khí thải an toàn đối với từng lô hàng ô tô nhập khẩu, tôi nghĩ rất không rõ ràng”, ông Dan Kritenbrink đề nghị, tạm hoãn thực hiện Nghị định 116 để xem xét quy định rõ ràng hơn, thống nhất hơn.
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, ông Toru Kinoshita, một chính sách tốt phải đảm bảo đồng thời 3 yếu tố: tiếp tục mở rộng thị trường ô tô; cải thiện khả năng cạnh tranh và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.
“Cùng với việc thị trường ô tô ngày càng mở rộng, nội địa hóa sẽ được tăng cường từng bước, giúp cắt giảm chi phí sản xuất”, ông Toru Kinoshita nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VAMA, các quy định mới về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp; quy định về thử nghiệm khí thải an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu… đã làm gián đoạn và hầu như ngưng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ tất cả các nước. Điều này sẽ làm thu hẹp việc mở rông thị trường ô tô, nhất là phân khúc ô tô có dung lượng nhỏ.
“Hầu như không có chiếc xe ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ 1/1/2018 đến nay”, ông Toru Kinoshita thở dài, Nghị định 116 làm đội thêm nhiều chi phí, tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ô tô dẫn tới giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng. Ngoài ra, còn tạo ra sự đối xử không công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Toru Kinoshita đề nghị, Chính phủ xem xét lại một số quy định trong Nghị định 116 để các thành viên VAMA sớm phục hồi lại các hoạt động sản xuất, nhập khẩu ô tô.
Doanh nghiệp trong nước nói có thể nhập khẩu được xe
“Thực hiện quy định này không có khó khăn gì”, Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải (THACO) Trần Bá Dương phản biện lại và cho biết, ở Châu Âu có quy định này. Và tác dụng của các giấy này giống như lý lịch của một chiếc xe, nói lên công nghệ cũng như các tính năng của xe, được chứng thực bằng cơ quan được ủy quyền, chứ không phải bằng phương thức quảng cáo, marketing của các thương hiệu….
“Giấy chứng nhận kiểu loại là rất cần thiết, trong điều kiện khi xe nhập khẩu về chưa có đủ điều kiện về kiểm định. Bên Đài Loan, khi chúng tôi xuất xe sang đó phải mang xe mẫu qua để thử nghiệm, họ có một trung tâm thử nghiệm rất lớn, họ thử nghiệm trong vòng 45 ngày, đến khi đạt mới đồng ý cho xuất khẩu sang đó. Tới khi đó họ tiếp tục kiểm tra từng lô hàng xuất khẩu xem có đúng với xe mẫu hay không”, ông Dương nhấn mạnh.
Giấy chứng nhận kiểu loại thì mỗi hãng xe chứng nhận khác nhau. Cho nên, theo ông Dương, không nên bác bỏ giấy này mà cần tiến hành nhanh để rà soát lại các biểu mẫu của giấy chứng nhận kiểu loại, để có được bộ chứng nhận kiểu loại của Việt Nam.
Đại diện THACO còn cho rằng, do chiến lược kế hoạch của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam đã chuyển một phần từ sản xuất, lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc năm 2018, khi nhập lại vướng các quy định nên thị trường mới thiếu hụt một lượng xe.
“Cái này chính do các anh gây ra. Tôi là người chịu trách nhiệm, tôi đã quyết liệt để nói và sẽ cố gắng sản xuất nhiều hơn, làm nhiều hơn để bù vào thiếu hụt ở thị trường. Nếu tổ chức làm nhanh thì trong tháng 4 có thể nhập khẩu được xe về. Tôi cam kết và tôi cũng sẽ nhập được xe. Trong vài ngày, nếu thống nhất được tôi sẽ nhập ngay xe BMW, trong vòng 2-3 tuần xe sẽ về tới nơi”, ông Dương nói.
Ảnh minh họa: TN
Chủ tịch THACO khẳng định, không xin bảo hộ, không xin ưu đãi và Nghị định 116 cũng không dành ưu đãi gì cho doanh nghiệp trong nước. Còn nếu tạm hoãn thực thi Nghị định 116 thì sẽ phủ nhận nỗ lực của các doanh nghiệp khác nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị định.
Cùng quan điểm, theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan Nhà nước và cả người tiêu dùng đánh giá xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Lắng nghe, sớm có giải pháp
"Đây là dịp tốt để thẳng thắn nói với nhau về chính sách mà tất cả chúng ta quan tâm”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói, Chính phủ ban hành Nghị định trước hết để tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu; không phân biệt doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp FDI.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cũng nhấn mạnh, “hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị để tập trung tháo gỡ, không có ý tạo ra rào cản cho doanh nghiệp”. Còn trong quá trình thực hiện có thể có những khó khăn, vướng mắc, các bên cần ngồi lại với nhau để tháo gỡ.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Nghị định 116 được xây dựng công phu, trước khi ban hành đã lấy ý kiến các doanh nghiệp, các đối tượng tác động. Chủ trương là tạo cơ chế chính sách tốt hơn nhằm thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước để sản xuất ô tô chất lượng…
Theo Bộ trưởng, các vấn đề đã được nêu ra tại hội nghị rất rõ, trong đó nhiều vấn đề cần nghiêm túc xem xét thấu đáo. Ngay cả Thông tư 03, tại sao lại đưa ra những điều kiện như bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước, rồi bổ sung yêu cầu về “hóa đơn thương mại” có ý nghĩa gì?
“Hôm nay, chúng tôi không kết luận tại đây mà sẽ tiếp thu nghiêm túc và sẽ đưa ra giải pháp sớm nhất. Cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ họp các bộ, cơ quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề”, Bộ trưởng cho biết, quan điểm của Thủ tướng là minh bạch, nói là làm trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động.
Bộ trưởng đề nghị các cơ quan nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương của Việt Nam là phát triển ngành công nghiệp ô tô để dần từng bước tự chủ và tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa thông qua các cơ chế, chính sách và chính sách thuế.
“Chúng ta không dùng chính sách bất hợp lý để tạo ra rào cản”, Bộ trưởng đề nghị Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến, đưa ra lý giải thoả đáng với các doanh nghiệp.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Con số trên được công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2025 của ngành Xây dựng được Bộ Xây dựng tổ chức sáng nay (14/12).
Trần Quý
14:00 14/12/2024(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.
Cao Sơn
07:05 14/12/2024Trần Kiên
20:25 13/12/2024Chính Bình
16:53 13/12/2024N. Phó
10:12 13/12/2024Cao Sơn
08:06 13/12/2024Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương