Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chủ động đối phó với gian lận thương mại

Thứ tư, 15/01/2014 - 07:34

(Thanh tra)- Đó là khẳng định của ông Vũ Xuân Luyện, Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn với phóng viên Báo Thanh tra về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại (GLTM) của Hải quan tỉnh Lạng Sơn trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014.

Ông Vũ Xuân Luyện, Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn . Ảnh: Trần Quý

Lạng Sơn là tỉnh có tới 253 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc; 2 cửa khẩu quốc tế; 2 cửa khẩu quốc gia; có đường sắt liên vận quốc tế và 7 cặp chợ biên giới với Trung Quốc. Vào dịp cuối năm, tình hình buôn lậu và GLTM nói chung và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng luôn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể nói là “nóng” lên từng ngày trước, trong Tết Nguyên đán.

+ Xin ông cho biết những hành vi buôn lậu và GLTM của các đối tượng?

- Hàng lậu được các đối tượng vận chuyển vào các giờ cao điểm như: Chập chọang tối, nửa đêm, gần sáng, qua các nơi: Lối tắt, đường mòn, vượt rừng… những nơi mà chúng có thể vận chuyển bất chấp nguy hiểm. Hàng lậu đủ các loại, từ các loại hàng cấm như: Pháo nổ, đến các hàng tiêu dùng có nhu cầu cao trong dịp Tết là bánh kẹo, rượu, thuốc lá, quần áo, dầy dép… Ngoài ra còn các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, từ đồ ăn, thức uống, đến hàng tiêu dùng thiết yếu.

Đối tượng vận chuyển hàng lậu đủ mọi thành phần, từ cư dân biên giới, buôn lậu chuyên nghiệp, không có công ăn việc làm, đầu gấu, xã hội đen, nghiện hút… gây khó khăn cho lực lượng kiểm soát. Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu hết sức phức tạp như: Khoán trắng cho cửu vạn vác hàng qua biên giới; tổ chức nhiều người để vận chuyển; gây rắc rối, thậm chí còn hăm dọa, hành hung, thách thức lực lượng chức năng trong khi thi hành nhiệm vụ.

+ Để chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp, khó lường đó, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã đề ra các giải pháp nào thưa ông?

- Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã tranh thủ sự chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Ban Chỉ đạo 127TW, Ban Chỉ đạo 127 của tỉnh, kết hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn: Bộ đội biên phòng, Công an, Quản lý thị trường…  đồng loạt triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, ra quân sớm. Ngay từ đầu tháng 11/2013, Cục đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định địa bàn trọng điểm; phân công, phân nhiệm cụ thể. Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức lập các chốt chặn tại các đường mòn, lối tắt, xây tường rào… nơi các đối tượng buôn lậu thường qua lại. Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

+ Tình hình buôn lậu và GLTM ngày một tinh vi, xin ông cho biết những thủ đoạn mới đã bị Hải quan Lạng Sơn phát hiện trong thời gian gần đây?

- Một số đối tượng đã lợi dụng chính sách cho hưởng định mức hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân hai nước có chung biên giới để buôn lậu, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chúng thuê số đông cư dân biên giới dùng quyền ưu tiên của mình sang biên giới để vận chuyển hàng lậu với danh nghĩa là hàng miễn thuế theo tiêu chuẩn, hoặc mua gom từ các hộ kinh doanh ở chợ. Tất cả số hàng lậu trên khi chuyển về nội địa đều được hợp thức hóa bằng hóa đơn chứng từ nội địa để lưu thông, gây khó khăn cho lực lượng kiểm soát.

Về hành vi GLTM, lợi dụng chính sách tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hải quan, một số doanh nghiệp đã “mượn” tư cách pháp nhân của các doanh nghiệp có “lý lịch sạch”, hoặc đợi hệ thống phân luồng, nếu hệ thống phân luồng xanh thì cho hàng thông quan, hoặc ngược lại, nếu phân vào luồng vàng, luồng đỏ thì hủy tờ khai.

+ Để công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu và GLTM nói chung và trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói riêng đạt kết quả tốt hơn, theo ông chúng ta cần phải làm gì? 

- Theo tôi, cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng với các giải pháp: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa làm thủ tục tại các cửa khẩu qua việc tăng cường công tác thu thập thông tin, quản lý rủi ro, chống gian lận qua việc khai sai tên hàng, mã số thuế, gian lận về số lượng, chủng loại hàng… Tăng cường kiểm tra các hộ kinh doanh, các tụ điểm buôn bán, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là quản lý tốt hóa đơn, chứng từ không để đối tượng đầu nậu lợi dụng hợp thức hóa hàng hóa nhập lậu. Đối với các nhà sản xuất, các DN, ngoài việc chấp hành tốt pháp luật cần có kế hoạch, chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người tiêu dùng. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành pháp luật, không tham gia tiếp tay, vận chuyển hàng lậu. Đối với người tiêu dùng, cần thông minh hơn nữa trong việc lực chọn hàng hóa và hãy nói không với hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.

+ Xin cảm ơn ông!

Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm