Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ăn Tết với thực phẩm "xách tay"

Thứ sáu, 17/01/2014 - 15:12

(Thanh tra) - Dùng thực phẩm "xách tay" từ quê là xu hướng bài trừ thực phẩm bẩn của nhiều gia đình ở Hà Nội, đặc biệt chọn thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Một quầy bán thực phẩm có cam kết an toàn thực phẩm tại chợ Hôm Đức Viên, Hà Nội. Ảnh: Thế Lữ

Vài năm trở lại đây, nhiều gia đình Hà Nội về quê thăm người thân, thắp hương cho ông bà Tổ tiên kết hợp với việc mua thực phẩm từ quê. Đành rằng đường xá xa xôi, mang xách lỉnh kỉnh theo kiểu “của một đồng, công một nén”, nhưng do người dân bây giờ không có nhiều lựa chọn để tránh được nạn thực phẩm bẩn đang hoành hành hiện nay. Mong rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài cần có một trật tự.

Tẩy chay thực phẩm bẩn

Ngày 16/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2014. Tại buổi làm việc này, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng đã tỏ thái độ kiên quyết về việc cần đóng cửa những cơ sở giết mổ vi phạm ATTP, với những tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm bẩn, cần phải áp dụng mức phạt gấp 7 lần giá trị hàng hóa mới đủ sức răn đe. 

Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội bức xúc, muốn bảo đảm ATTP phải kiểm soát từ gốc, đặc biệt là nguồn hàng từ Trung Quốc. Các cơ quan chức năng thuộc Sở đã nhiều lần bắt giữ hàng tấn chất phụ gia, trong đó có nhiều  tấn phụ gia đã hết hạn từ 3 năm trước vẫn được đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Trong lộ trình chuyển phụ gia từ cửa khẩu về đến Hà Nội phải qua bao nhiêu trạm kiểm soát, không hiểu vì sao vẫn "lọt cửa", chỉ khi về Hà Nội mới bị bắt. Bà Mai bức xúc đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo ngăn chặn từ gốc, nếu không Hà Nội có gồng mình hơn nữa cũng khó ngăn chặn được.

Ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội công bố, hiện Hà Nội có 6 khu giết mổ thủ công tập trung, 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán thủ công bảo đảm tiêu chí ATTP. Nhưng số cơ sở giết mổ thủ công lại lên tới 2.571 cơ sở. Đây là một số lượng lớn cơ sở giết mổ chưa bảo đảm các tiêu chí ATTP. Trong quá trình kiểm tra thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt mẫu giò, chả chứa hàm lượng Natribenzoat quá hàm lượng cho phép. Đây là chất bảo quản, nếu dùng quá liều lượng dễ gây ung thư. Đợt kiểm tra vừa qua, Chi cục Thú y đã xử phạt 283 vụ, phía Công an TP Hà Nội xử lý 115 vụ.

Qua tìm hiểu của PV Báo Thanh tra, các lò mổ tư nhân, cơ sở giết mổ thuộc quy mô gia đình chưa bảo đảm các tiêu chí ATTP nói trên, nhưng lại là những cơ sở cung cấp lượng thực phẩm lớn hơn các cơ sở bảo đảm tiêu chí. Nhiều cơ sở chế biến giò, chả, măng, miến, mộc nhĩ...  chưa bảo đảm ATTP. Điều đó chứng tỏ người dân được hưởng lợi từ nguồn thực phẩm sạch đang ở mức rất hạn chế. 

Để tăng hiệu quả cho công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng ATTP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các phường, xã. Thực phẩm bẩn xảy ra ở địa phương nào thì chủ tịch phường đó phải chịu trách nhiệm.

Rõ ràng trước Tết Nguyên đán năm nay, Chính phủ với UBND TP Hà Nội đang quyết liệt tẩy chay thực phẩm bẩn.

Mua thực phẩm qua lòng tin

Tìm hiểu nhiều gia đình trong Khu tập thể Đường sắt Việt Nam, Khu tập thể Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội, nhận thấy các gia đình có gốc gác ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hòa Bình... họ đã đặt thực phẩm Tết từ quê. Bánh chưng, gà cúng, gà thịt, giò, chả... được đặt cho người nhà hoặc người họ hàng ở quê chuẩn bị. Chờ đến ngày giáp Tết, họ sẽ về quê thăm người thân, thắp hương cho ông bà Tổ tiên, kết hợp lấy hàng Tết. 

Ngay cả những đại lý cung cấp gà cúng, gà thịt, giò bò, giò lợn... cho các chợ cũng có một kênh riêng cung cấp thực phẩm sạch. Chẳng hạn gà 80% chất lượng là gà ri thả vườn, thả trang trại, ít ăn thức ăn công nghiệp có giá cao hơn 1,3 lần so với gà ri lai gà Trung Quốc ăn thức ăn tăng trọng, nuôi trong trang trại tập trung. Các loại giò bê, giò nghé được chế biến tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Sơn La, Điện Biên... của các thương hiệu có tên tuổi, có cam kết về các tiêu chí sạch đang được nhiều gia đình đặt hàng. 

Ngay cả những chợ trung tâm Hà Nội như chợ Hôm Đức Viên, chợ Bắc Qua... các quầy bán gia cầm làm sẵn đều có thông báo cho khách hàng về nguồn gốc loại gà được nhập về bán, để khách hàng yên tâm về tiêu chuẩn. Cam kết của các quầy thực phẩm về nguồn gốc, chất lượng sẽ tạo được niềm tin cho khách hàng, đành rằng những sạp thực phẩm như thế này có giá cao hơn so với những quầy bán thực phẩm khác trong chợ.

Với sự quyết liệt của các cơ quan, ban, ngành, cùng với sự lựa chọn thông minh của khách hàng, thực phẩm bẩn đang từng bước bị đẩy lùi khỏi Hà Nội.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

Bài 5: Cần ưu tiên phát triển hạ tầng xe buýt

(Thanh tra) - Muốn thu hút được đông đảo người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), ngoài việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hoá các phương tiện, thì việc đồng bộ cơ sở hạ tầng là vô cùng cần thiết. Đây được coi là vấn đề then chốt, TP Hà Nội cần phát triển một cách đồng bộ hạ tầng xe buýt và cả các loại hình kết nối khác trong hệ thống VTHKCC.

Cao Sơn

07:05 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm