Nhờ những âm thanh phát ra từ chiếc loa nhỏ này mà đồng bào ở trong bản làng, trên nương rẫy biết được nhiều hơn thông tin về chính sách của Nhà nước cũng như những quy định của pháp luật.

Anh Hơ Văn Cô được coi như “người thắp lửa giữa đại ngàn”.

Trách nhiệm và năng nổ

Xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa là vùng đất biên cương với 98% người dân tộc Mông sinh sống. Cuộc sống của đồng bào nơi đây vô cùng khó khăn do địa bàn vùng sâu vùng xa, chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng thời tiết khắc nghiệt lắm mưa nhiều nắng nên thu nhập không đáng kể.

Cùng với đó, một số đối tượng bên ngoài vẫn không ngừng lợi dụng nhận thức hạn chế của người Mông tại địa phương để ngấm ngầm lôi kéo, tuyên truyền các luận điệu sai trái về cái gọi là “Nhà nước Mông”, xúi giục đồng bào theo các tôn giáo, xuất cảnh trái phép...

Địa bàn xã Nhi Sơn có 10,3 km đường biên tiếp giáp nước bạn Lào với 1 lối mở, 8 đường mòn nên tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy xuyên biên giới tiềm ẩn nhiều phức tạp. Mỗi năm có không ít người dân trên địa bàn bị bắt, bị xử án do liên quan đến ma túy. Cũng bởi vậy mà tình hình an ninh trật tự trên địa bàn như trộm cắp, đánh nhau cũng thường xuyên diễn ra, khiến cuộc sống của đồng bào bị xáo trộn.

Trong bối cảnh khó khăn nhiều bề của đồng bào Mông ở mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc, Thiếu tá Hơ Văn Cô đã được điều động đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an xã Nhi Sơn. Đánh giá đúng tình hình, Thiếu tá Hơ Văn Cô và đồng đội luôn xác định cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc mới có thể gắn bó và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Khi nhận thấy tình hình phức tạp do những đối tượng bên ngoài lôi kéo một số người Mông làm những việc vi phạm pháp luật, với khả năng thông thạo địa bàn và tiếng dân tộc, Thiếu tá Hơ Văn Cô đã chủ động nắm tình hình, vận động các đối tượng cầm đầu các điểm nhóm tôn giáo trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật, luật tín ngưỡng tôn giáo. Anh và anh em trên địa bàn đã trực tiếp phối hợp với Phòng An ninh nội địa, Phòng Công tác Đảng và công tác chính trị, Công an tỉnh Thanh Hóa xuống tận bản, tổ chức tuyên truyền hơn 20 buổi dưới hình thức sân khấu hóa để nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào Mông. 

Để làm tốt hơn công tác tuyên truyền, Thiếu tá Hơ Văn Cô đã xem già làng, trưởng bản, người có uy tín là “cánh tay nối dài” của chính quyền và lực lượng Công an trong bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương. Anh đã phối hợp với hàng chục người có uy tín trong xã để nắm tình hình kịp thời, sâu rộng và vận động đồng bào tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; đã chủ động tham mưu xây dựng, duy trì hiệu quả hoạt động mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”; tham mưu kiện toàn 1 Ban Chỉ đạo về an ninh, trật tự với 16 thành viên; kiện toàn 6 Tổ an ninh, trật tự tại các bản.

Sự nỗ lực, kiên trì cùng cán bộ, chiến sĩ Công an xã Nhi Sơn của Hơ Văn Cô đã góp phần từng bước thay đổi nhận thức, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu, bám rễ trong đồng bào Mông trên địa bàn như vận động để bà con đưa người chết vào quan tài làm tang lễ giữ gìn vệ sinh cho cộng đồng; hạn chế du canh, du cư ổn định phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện kế hoạch hóa gia đình…

Hình ảnh Trưởng Công an xã Hơ Văn Cô với chiếc loa tay di động trên các tuyến đường tuyên truyền pháp luật, cảnh báo phương thức thủ đoạn các loại tội phạm, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy đã trở nên quen thuộc với đồng bào Nhi Sơn.

Hai năm qua, Công an xã Nhi Sơn đã phối hợp với Công an huyện Mường Lát và Đồn Biên phòng Pù Nhi đấu tranh quyết liệt, điều tra, làm rõ, bắt giữ nhiều đối tượng phạm tội về ma túy, triệt xóa các điểm phức tạp về ma túy, đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn.

Bà Hơ Thị Cơ - có chồng là người được Công an xã vận động đưa đi cai nghiện bắt buộc chia sẻ, bà biết ơn những việc làm của các chú công an, nhờ các chú mà chồng bà đã đi cai nghiện, cuộc sống của bà đỡ khổ. Bà cũng cho biết, bà sẽ dạy dỗ các con cháu về những tác hại của ma túy về những điều pháp luật cấm về ma túy để con cháu hiểu mà tránh xa. 

Tích cực nâng cao nhận thức

Xã Nhi Sơn là một trong những địa phương của huyện Mường Lát có đông đồng bào Mông sinh sống. Trình độ dân trí ở đây không đồng đều, nhận thức và kiến thức pháp luật của một bộ phận người dân vùng biên giới vẫn còn thấp dẫn đến dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như xuất nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở; mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy; buôn bán người… Vì vậy, không chỉ ở Nhi Sơn ở nhiều địa phương khác của huyện Mường Lát, chính quyền địa phương đã và đang có những giải pháp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

leftcenterrightdel
 Người dân ở xã Nhi Sơn giao lưu, buôn bán hàng hóa để nâng cao thu nhập

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Lát đã đưa nội dung công tác phổ biến giáo dục pháp luật vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ để lãnh, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Mường Lát vẫn luôn duy trì hoạt động của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật và đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Thường xuyên bổ sung và cập nhật các đầu sách pháp luật và các văn bản pháp luật mới ban hành tại các tủ sách pháp luật ở 8 xã, thị trấn. Ở những địa bàn có vùng biên giới, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân thường được kết hợp giữa biên phòng, công an, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” kiên trì tuyên truyền tới người dân về các quy định của pháp luật và các chính sách của Đảng, Nhà nước; về Luật Biên giới quốc gia, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo… nên nhận thức của đồng bào đã được nâng cao.

Hình ảnh những người như Thiếu tá Hơ Văn Cô không còn ít, hay những màu áo thanh niên tình nguyện, lực lượng cán bộ huyện, xã trên chiếc xe máy, đằng sau là lá cờ Tổ quốc và những chiếc loa di động đã quá quen thuộc với bà con Nhân dân vùng biên…

Chị Lương Thị Mến (bản Sáng xã Quang Chiểu) chia sẻ: Thường xuyên được cán bộ xã, cán bộ đồn biên phòng tới tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tôi đã ý thức được việc chấp hành pháp luật, không vượt biên trái phép, không vận chuyển, buôn bán chất cấm. Chúng tôi luôn nêu cao tinh thần tố giác tội phạm, phối hợp tốt với cán bộ địa phương để bảo vệ khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương còn đa dạng các hình thức tuyên truyền như treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích ở những địa điểm dễ nhìn, dễ thấy, nơi có nhiều người dân qua lại… Những buổi tuyên truyền gần gũi, đã giúp cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nâng cao nhận thức pháp luật về biên giới quốc gia.

Với những việc làm kịp thời, thiết thực này, đời sống của đồng bào Mông ở xã Nhi Sơn nói riêng và toàn huyện Mường Lát nói chung đã dần thay đổi tích cực, người dân yên tâm lao động sản xuất, cải thiện đời sống.
Đức Minh