Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Người tuyên chiến với các hủ tục nơi đại ngàn

Đơn Thương

Thứ hai, 30/05/2022 - 12:46

(Thanh tra) - Ở cái mảnh đất ngút ngàn sự nghèo khó, nằm ở khu vực miền Tây tỉnh Quảng Bình này, bằng những việc làm cụ thể, tâm huyết, già làng Đinh Dầu được mệnh danh là “người tuyên chiến với các hủ tục”. Ngoài việc giúp cán bộ gọi dân từ vòm đá về nơi ở mới, ông còn lăn lộn cùng cán bộ đưa luật, chỉ thị cũng như nghị quyết vào đời sống của người Arem, từ đó giúp bản làng loại trừ các tập tục lạc hậu ra khỏi cộng đồng.

Từ một cuộc sống hết sức tự nhiên và hoang dại, nay người Arem đã có một cuộc sống hiện đại. Ảnh: Đơn Thương

Người tiên phong giữa chốn rừng già

Trong cộng đồng các dân tộc thuộc nhóm Bru - Vân Kiều sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ thì người Arem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) được xếp vào hàng lạc hậu nhất.

Theo lời kể của các nhân viên kiểm lâm, cộng đồng này được phát hiện trong một lần đi rừng, vào đầu những năm 90 của thập kỷ 20. Những người đầu tiên thấy họ đã không thể xác định họ là người gì, thuộc nhóm dân tộc nào. Vì ngoài một cuộc sống lẩn trốn, lấy hang đá làm nơi trú ngụ thì họ còn hết sức tự nhiên và nguyên thủy…

Thông tin được loan rộng, nhiều nhà nghiên cứu, khoa học đã vào cuộc. Và cuối cùng thì “cộng đồng người hết sức lạ lẫm kia” được xác định là dân tộc Arem, nghĩa là vòm đá, hang đá, nơi gắn liền với sự trú ngụ của họ. So với các tộc ít người, được coi như mới phát hiện, mới thoát khỏi cuộc sống lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên như Chứt, Rục thì người Arem lạc hậu nhất.

Cuộc sống của người Arem rất “tự nhiên”, chủ yếu là hái lượm và sống phụ thuộc vào tự nhiên. Họ vẫn giữ thói quen ăn bốc, thức ăn chủ yếu là rau, măng, ốc, cá. Do cuộc sống như vậy nên có thời gian người Arem rơi vào tình trạng “báo động đỏ” vì cộng đồng suy giảm xuống còn 7 hộ.

Trước nguy cơ này, với sự quan tâm của các cấp ngành, đặc biệt sự đỡ đầu của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, người ta đã làm bản để đón người Arem về, tạo cho họ làm quen dần với cuộc sống mới, ăn uống hợp vệ sinh và phòng chống bệnh tật.

Thế nhưng, do thói quen hết sức hoang dã nên những ngày đầu đưa người Arem về với cuộc sống mới này khó khăn vô cùng. Vì ngoài sự lạc hậu, người Arem hầu như không biết nói tiếng phổ thông và rất sợ… gần gũi với những người có cuộc sống hiện đại.

Để thuyết phục người Arem, giữ chân họ lại nơi ở mới thì bắt buộc phải tìm ra cho được một gạch nối giữa chính quyền và người Arem. Theo ông Ngô Chí Sỹ, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã, ngày đầu đi “gọi” người Arem về bản rất khó khăn. Tiếp xúc với họ đã khó, nói họ không hiểu gì, hơn nữa có cái gì cho thì họ mới về nhà còn hết thì lại tìm vào hang đá.

Trong việc lựa chọn và tiếp xúc này, những lãnh đạo ngày đầu lên đây đã phát hiện ra Đinh Dầu, một người Arem chính gốc, nhanh nhẹn, biết được ít tiếng phổ thông và là một trong những người hy hữu không “sợ” cán bộ. Không ngờ, với sự lựa chọn của mình và với sự nhanh nhẹn riêng biệt của Đinh Dầu, chả bao lâu sau, chính quyền đã tìm được “gạch nối” giữa mình và người Arem. '

Được tuyên truyền, thấy cuộc sống lạc hậu của người Arem cần phải xóa bỏ nên Đinh Dầu đã không quản ngày đêm giúp cán bộ tìm đến các hộ gia đình người Arem để khuyên nhủ và vỡ vạc cho họ.

Ngay việc bỏ hang đá về với bản, về với những căn nhà hiện đại, ông Đinh Dầu cũng đã có những đóng góp nhiều lắm. Vì đã ở quen với các hang đá, vòm đá nên khi được cán bộ vận động về nơi ở mới đã có nhiều đồn thổi dấy lên trong bộ phận dân tộc Arem. Họ quan niệm rằng, về với cái nhà mái lợp không phải lá, vách ở không phải đá núi thì người Arem sẽ bị thần núi quở trách.

Để cùng cán bộ đưa được người Arem về ở kín 51 căn hộ đã được dựng sẵn trên km 39, đường 20 bây giờ, không nề hà, Đinh Dầu đã xung phong ra ở đầu tiên. Trước khi ra ở, Đinh Dầu nói với người Arem, nếu thật sự có thần núi trả thù thì ông sẽ là người chết trước. Ra nhà mới, được cán bộ cho gạo, cho dầu thắp, chăn đắp ấm, lại được xem cái ti vi của xã nhưng ông Dầu không chết. Lấy mình làm mẫu, sau đó ông đã đi tuyên truyền. Thấy ông là người Arem bằng xương, bằng thịt, về với cái nhà cán bộ cho không sao nên ý thức người dân đã được thức tỉnh. Một nhà, hai nhà, rồi dần dần theo gương Đinh Dầu, người Arem đã tìm về xã Thượng Trạch, “phủ kín” 51 căn nhà đã được đầu tư xây dựng để chờ họ.

Ngày nay, nếu theo tuyến đường 20 lên đến km 39, người ta sẽ thấy người Arem sống đầm ấm dưới các mái nhà và hòa nhập dần với cuộc sống hiện đại. Mưa nắng, họ đã biết tìm về dưới mỗi mái nhà lợp tôn đỏ để trú ngụ mà không phải phó thác tính mạng mình cho rừng rú, đã biết nuôi trâu bò xa nhà, trẻ em đã được đến trường thì ngoài công lao của các cấp ngành, các cán bộ đầu tiên lên đây thì ông Đinh Dầu cũng được nhắc đến.

Biến mình thành “cái gương soi”

Ngoài việc giúp cán bộ gọi dân từ vòm đá về nơi ở mới, lăn lộn học hỏi cán bộ, tiếp thu các khoa học kỹ thuật để truyền đạt lại cho dân thì ông Đinh Dầu còn giúp cán bộ loại trừ các tập tục lạc hậu ra khỏi cộng đồng người Arem. Ông tự học hỏi, thu lượm những cái tốt để tự biến mình “thành cái gương” cho dân bản soi và noi theo. Tập tục đầu tiên ông Đinh Dầu “tuyên chiến” ấy là tập tục ở sụbỏ của. Tập tục này nẩy sinh vì chuyện thách cheo khá lớn của người Arem. Vì thông thường như hiện nay, mỗi khi một chàng trai Arem để ý đến một cô gái nào đó, nếu muốn lấy cô ta về làm vợ thì họ đều phải bỏ của (thực chất là nộp) cho nhà gái khoảng 20 triệu đồng cùng trâu bò.

Gặp cán bộ để tiếp thu những cái hay đem về “dạy” dân là một trong những công việc của Đinh Dầu (ngồi ngoài cùng, bên phải). Ảnh: Đơn Thương

Họ có tập tục này vì cho rằng khi con gái đi lấy chồng thì phải có tiền mua rượu và có trâu bò thịt để cúng tế thần linh, để mời xóm làng không sợ họ khinh rẻ. Nhưng vì cuộc sống của người Arem chủ yếu phụ thuộc vào hoang dã nên số tiền và trâu bò để có cho thủ tục kia đều là thứ không tưởng với bất cứ người con trai Arem nào. Vì không có tiền, không có trâu bò để bỏ của nên hầu như các trai người Arem đều phải đi ở sụ, chấp nhận phận ở thuê cho nhà gái.

Vì tập tục này nên nhiều trai gái Arem đã không đến được với nhau. Nhiều bố mẹ ủng hộ nhưng lại sợ không tuân theo hủ tục sẽ bị thần linh “quở trách”. Đã có không ít những cái chết chết trẻ của trai gái Arem, đã có không ít những dòng nước mắt cha mẹ chảy dài về hủ tục này. Nhưng họ đành bất lực vì không biết làm cách nào nữa.

Nhận thấy đây là hủ tục ngáng trở với sự phát triển cộng đồng người Arem nên Đinh Dầu đã suy nghĩ nhiều lắm. Và cũng như việc ra chỗ ở mới để “thí nghiệm” và gọi dân về, không nề hà, Đinh Dầu đã lấy người thân mình ra để phá bỏ rào cản. Bắt đầu từ đứa cháu lấy chồng, giữa bản làng người Arem, ông đã tuyên bố không thực thi hủ tục bỏ của ở sụ vốn có. Để dân an tâm, ông đã nhận đỡ đầu đám cưới này và còn tuyên bố, nếu thần linh bắt tội thì ông sẽ chấp nhận chịu tội.

Việc làm có vẻ “trái với ý trời” này của Đinh Dầu đã gieo vào lòng người dân bao sự lo lắng và hồi hộp. Nhiều người “cứng đầu” còn bảo, chắc lần này thằng Dầu sẽ chết thôi. Đám cưới ấy, lần đầu tiên và duy nhất trong cộng đồng người Arem đã không có bỏ của và không có ở sụ. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, không thấy Đinh Dầu và những người thân của ông bị thần núi bắt tội. Thế là dân tin, có một nhận thức mới và bắt đầu loại trừ hủ tục này ra dần khỏi cộng đồng, để các lời ngỏ Ai khớp săn (anh yêu em) của trai gái Arem được tự do ngân lên trong trẻo giữa dải trường sơn hùng vĩ.

Hết việc giúp cán bộ gọi dân ra sống quần tụ thành chòm xóm để nhận rừng, để có điều kiện tăng gia sản xuất, như một gạch nối hết sức linh động giữa người Arem và chính quyền, bằng nhiệt huyết và khả năng của mình, Đinh Dầu đã đi hết từ thành công này sang thành công khác. Làm mẫu để thức tỉnh dân về hủ tục đầy nhiêu khê như ở sụ, bỏ của, ngay cả việc làm mẫu để dân không có thói quen sinh đẻ ở nhà và ở rừng cũng là một đóng góp của Đinh Dầu.

Vẫn cứ lấy mình, người thân mình ra để vỡ vạc, khuyên nhủ, theo kiểu mình đi trước để làng nước học theo nên hiện nay phụ nữ người Arem khi sinh nở đã biết tìm và tự nguyện tìm đến trung tâm y tế xã. Không còn cảnh phụ nữ khi trở dạ tự mình lẻn ra rừng hay vào bếp tro mà đẻ nữa. Cùng với tiến bộ này, sức khỏe thai sản của phụ nữ và trẻ sơ sinh người Arem đã nâng lên.

Giờ đây, lên với xã Tân Trạch, vào bản người Arem, những lạc hậu ngày xưa, với cuộc sống hoang dã của người Arem chỉ còn là những “trang sử” đầy lạ lẫm được kể lại. Từ 7 hộ thời hoang lạnh ngày xưa, nay cộng đồng người Arem đã tăng lên tới 51 hộ. Họ đã biết làm nương, nuôi gia súc, gia cầm, nhận khoán rừng và trẻ em đã được đến trường.

Để người Arem có như vậy, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, đóng góp của ban ngành thì còn có sự ghi nhận của cá nhân - già làng Đinh Dầu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

Hội thảo thực hiện đề án nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc

(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.

 Lợi Châu

19:47 23/11/2024
Sầm Văn Bình - người uy tín đam mê công nghệ

Sầm Văn Bình - người uy tín đam mê công nghệ

(Thanh tra) - Ở các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người biết đến ông Sầm Văn Bình, trú tại bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An là bởi lâu nay ông được mệnh danh là “nhà Thái học” với rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay. Không những thế, ông còn sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và có gần hai chục đầu sách có giá trị.

Thảo Nguyên - Anh Mạnh

19:52 23/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm