Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 23/07/2024 - 06:00
(Thanh tra) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận tài ba, ông có nhiều dấu ấn đổi mới trong Văn kiện Đại hội Đảng 3 khóa (XI, XII, XIII), theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Tô Lâm (tại Đại hội XIII của Đảng, ông Tô Lâm là Bộ trưởng Bộ Công an). Ảnh: Lâm Khánh
Từ một sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kinh qua và giữ nhiều vị trí quan trọng.
Ông từng có thời gian dài làm việc tại Tạp chí Cộng sản, rồi làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Giữa năm 2006, ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội và từ đầu tháng 1/2011 đến nay, ông là Tổng Bí thư.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận xuất sắc, tài ba của Đảng ta”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương mở đầu chia sẻ với phóng viên Báo Thanh tra về vai trò của Tổng Bí thư trong xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng 3 khóa (XI, XII, XIII).
Dấu ấn 3 “số 8” trong định hướng đi lên CNXH
Theo ông Thông, Đại hội XI là một trong những đại hội quan trọng nhất, có nhiệm vụ phải thông qua Cương lĩnh Bổ sung, phát triển năm 2011; Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Với tư cách Tổ trưởng Tổ Biên tập Tiểu ban Văn kiện Đại hội XI, ông Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch Quốc hội đã cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các thành viên tiểu ban đã chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng Cương lĩnh và được đại hội thông qua.
Nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay, nếu Cương lĩnh 1991 phác họa 6 đặc trưng và 7 phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta thì đến Cương lĩnh 2011 đã phát triển thành 8 đặc trưng, hoàn thiện 8 phương hướng và lần đầu tiên đưa ra 8 mối quan hệ lớn.
“Cương lĩnh Bổ sung, phát triển 2011 có nhiều cái mới. Ở góc độ lý luận, người ta đánh giá cao: 8 đặc trưng, 8 phương hướng và 8 mối quan hệ. Cả 3 số 8 này đều có dấu ấn rất lớn của ông Nguyễn Phú Trọng”, theo lời ông Thông.
Ở Đại hội XI, Tổng Bí thư còn có dấu ấn trong làm rõ hơn vị trí, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam. Đó là, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn, quý giá, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nước ta dành thắng lợi.
Sau Đại hội XI, thể chế hóa Cương lĩnh, với tư cách Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội tổng kết 20 năm thực hiện Hiến pháp 1992 để sửa đổi thành Hiến pháp 2013 - bản Hiến pháp tiến bộ nhất trong lịch sử lập hiến của nước ta.
Ông Thông cho rằng, bản Hiến pháp này có những dấu ấn rất đặc trưng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đầu tiên, xác định là “vì Nhân dân”, Hiến pháp 2013 dành toàn bộ Chương 2 với hơn 30 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tiếp nữa, Hiến pháp quy định rõ “quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.
“Điểm mới kiểm soát quyền lực là dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong sửa đổi Hiến pháp”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.
Trong khóa XI, Hội nghị Trung ương quyết định thành lập các tiểu ban để chuẩn bị cho Đại hội XII của Đảng. Ông Nguyễn Phú Trọng được Trung ương tín nhiệm cử làm trưởng 2 tiểu bản là: Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra để làm lý luận”
Với trọng trách Trưởng Tiểu ban Văn kiện, làm việc với Tổ Biên tập, Tổng Bí thư nhiều lần nhắc “viết văn kiện phải ở tầm văn kiện, chứ không phải là một báo cáo thông thường”.
“Tổng Bí thư nói, cái gì đã chín, đã rõ thì chúng ta khẳng định trong văn kiện, cái gì chưa chín, chưa rõ thì làm thí điểm chứ không nên vội đưa vào văn kiện, không nên quá cầu toàn”.
Theo đó, văn kiện trình Đại hội XII có nhiều điểm mới so với các văn kiện trước đó. Ông Thông dẫn chứng về kinh tế, nếu Đại hội XI lần đầu tiên khẳng định phải đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thì đến Đại hội XII đã nhấn mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế như thế nào.
“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều ý tưởng mới trong lý luận và một trong những thành tựu lý luận của Đảng ta là đưa ra khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tương tự, Nhà nước pháp quyền XHCN cũng mang dấu ấn của Tổng Bí thư”.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có dấu ấn đậm nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo ông Thông, sau một thời gian “vắng” báo cáo về xây dựng Đảng, thì đến Đại hội XII đã nhấn mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
“Có thể khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra để làm lý luận và lý luận tập trung vào xây dựng Đảng”, ông Thông nói.
Đại hội XII, Tổng Bí thư đã xác định xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đến Đại hội XIII đã tách “tổ chức” thành mặt thứ 5 là “cán bộ”. Cụ thể, Tổng Bí thư nói rõ, phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cả 5 mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Dấu ấn nữa của Tổng Bí thư trong văn kiện Đại hội XIII là xác định mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN; đánh giá thành tựu công cuộc đổi mới “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày này”.
Đáng chú ý, lần đầu tiên có mục quan điểm chỉ đạo và 5 quan điểm này đến nay còn nguyên giá trị.
Ông Thông ví dụ, quan điểm 4 kiên định: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đây là quan điểm có tính nguyên tắc, rất quan trọng, chỉ đạo đổi mới để đất nước đi lên, không “đổi màu”, nhưng cũng không cứng nhắc.
“Nhiều lần, Tổng Bí thư nói rằng, để phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải nghiên cứu cả kinh nghiệm của thế giới, chứ không nên đóng khuôn trong điều kiện Việt Nam”, PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhớ lại.
“Công tác cán bộ là then chốt của then chốt”
Tháng 10/2023, Trung ương Đảng khóa XIII quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị văn kiện cho Đại hội XIV. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Trưởng Tiểu ban Nhân sự.
Đề cương chi tiết dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 9 (tháng 5/2024). Trong đó, dự thảo báo cáo chính trị mà Trung ương cho ý kiến đề cương chi tiết đã có những điểm mới so với Đại hội XIII, theo ông Thông.
Nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho hay, dự thảo về chủ đề Đại hội XIV nêu 4 thành tố, trong đó có 2 thành tố mang dấu ấn của Tổng Bí thư rất rõ.
Thành tố đầu tiên là “tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”. Thành tố này, Tổng Bí thư đã viết nhân dịp kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng.
Thành tố nữa là “đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên CNXH”. Theo ông Thông, từ Đại hội XIII trở về trước, chúng ta mới nói “theo định hướng XHCN”, thì nay dự thảo nêu “vững bước đi lên CNXH”.
Có nghĩa, “CNXH Việt Nam” đã được xây dựng, không còn ở trình độ “định hướng XHCN”. “Tất nhiên, chúng ta phải tiếp tục xây dựng CNXH”, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nêu.
Với đề cương chi tiết báo cáo chính trị, ông Thông cho biết, có nêu 3 đột phá chiến lược, và ông đặc biệt tâm đắc với đột phá về “đổi mới căn bản toàn diện công tác cán bộ”.
Lý giải về điểm mới này, ông cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên thấm nhuần quan điểm: cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc cách mạng thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
Tổng Bí thư xác định “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”, nên 3 hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) tập trung về xây dựng Đảng nói nhiều công tác cán bộ.
“Đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi gặp các cụ Mác, Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng liên quan đến công tác cán bộ, ông đã để lại dấu ấn”, ông Thông nhấn mạnh.
Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo ban hành những quy định về nêu gương, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “một tấm gương sống có giá trị hơn 100 diễn văn tuyên truyền”.
Mới nhất, ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144 Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới Quy định số 144.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng ký ban hành Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị ngày 14/6 về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Chỉ thị 35 này nêu 7 yêu cầu, trong đó nhấn mạnh về 2 vấn đề: Văn kiện và nhân sự.
Khái quát lại, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương thấy “dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện ở câu đánh giá của Đại hội XIII. Đó là, lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa trong cuộc sống”.
Ông tin rằng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV tới đây, một lần nữa sẽ khẳng định đánh giá tổng quát lý luận đường lối đổi mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện.
Không chỉ đề ra lý luận, Tổng Bí thư quan tâm việc đưa nghị quyết vào cuộc sống
Nhiều quy định liên quan đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được ban hành sau Đại hội XIII, để xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói.
Theo ông Thông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đề ra các vấn đề lý luận, không chỉ ra quy định, mà còn quan tâm đưa nghị quyết, kết luận, quy định ấy vào cuộc sống.
Một trong những minh chứng để xây dựng Đảng trong sạch là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Chúng ta đã khởi tố nhiều vụ án, xử lý nhiều cán bộ, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
“Ai cũng phải thừa nhận Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đốt lò vĩ đại. Ông là ngọn cờ tiên phong trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu dứt khoát phải có địa chỉ chịu trách nhiệm khi để xảy ra lãng phí, vì đây là tài sản của Nhà nước, là tiền của Nhân dân.
Hương Giang
21:08 30/10/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 30/10, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương thông tin kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó có việc xử lý cán bộ, thu hồi tài sản, bắt người bỏ trốn ra nước ngoài liên quan tham nhũng
Hương Giang
18:29 30/10/2024Hương Giang
16:13 30/10/2024Hương Giang
16:12 30/10/2024Hương Giang
13:16 30/10/2024Hương Giang
11:10 30/10/2024N. Phê - L. Bình
Uyên Uyên
Hương Giang
T.Thanh
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Thái Hải
Uyên Uyên
Hương Giang
Hải Hà
Thái Hải
Phạm Hưng