Sáng ngày 19/4, diễn ra phiên họp đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới.

Loạt vụ “nóng” được yêu cầu giải trình

Theo Ủy ban Tư pháp, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, thì trong 2 năm qua, công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã có những kết quả đáng ghi nhận.

Báo cáo của Bộ Công an cho thấy, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện có xu hướng giảm dần, năm 2017 phát hiện 1.592 vụ, giảm 49 vụ (3%); năm 2018 phát hiện 1.547 vụ, giám 45 vụ (2,8%).

Theo báo cáo của TAND Tối cao thì từ ngày 01/10/2017 đến ngày 28/02/2019, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm 2.719 vụ với 2.894 bị cáo phạm tội xâm hại tình dục; các tòa án đã xét xử, giải quyết 2.437 vụ với 2.577 bị cáo, đạt tỷ lệ 89,6% sổ vụ và 89% sổ bị cáo. Số vụ án còn lại đang trong quá trình xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

“Về cơ bản, quá trình diều tra, truy tố xét xử các vụ án xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em được tiến hành đúng pháp luật, bảo đảm đúng người, đúng tội, được nhân dân đồng tinh, ủng hộ. Tuy nhiên, có một số vụ án chưa thật sự chặt chẽ, khách quan thì ngay khi có ý kiến phản ứng của dư luận đã được các cơ quan chức năng tiếp thu, khắc phục”, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đánh giá.

Tại phiên họp, Ủy ban Tư pháp đề nghị các cơ quan giải trình một loạt vụ “nóng”. Đó là, vụ hiếp dâm bé gái 9 tuổi ở Hà Nội; vụ sát hại nữ sinh giao gà ở Điện Biên; vụ ông Phạm Văn Tứ (quận 7, TP Hồ Chí Minh) tố cáo ông Lê Phú Cựu có hành vi hiếp dâm; vụ ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi ôm hôn, sàm sỡ bé gái trong tháng máy của chung cư tại quận 4, TP Hồ Chí Minh.

Vụ ông Nguyễn Hữu Linh xảy ra từ ngày 02/4/2019, có camera ghi lại hình ảnh, nhưng đến nay đã là ngày 19/4/2019 vẫn chưa có quyết định của cơ quan điều tra (CQĐT).

“Cử tri phản ánh việc giải quyết như vậy là chậm, trong khi vụ việc không phức tạp, không phải xác minh tại nhiều nơi. Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Công an giải trình ý kiến cử tri nêu liên quan đến tiến độ giải quyết tố giác, tin báo vụ việc này”.

Vụ ông Đỗ Mạnh Hùng có hành vi dùng vũ lực, dùng tay giữ má nạn nhân để ép hôn trái ý kiến trong thang máy một chung cư tại quận Thanh Xuân, Hà Nội bị phạt 200 nghìn đồng; vụ một giáo viên chủ nhiệm ở trường tiểu học tại Bắc Giang bị tố cáo có hành vi dâm ô 13 học sinh cũng được Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ Công an giải trình.

Có “khoảng trống lớn” trong pháp luật

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy, qua một số vụ việc nổi cộm bức xúc thời gian gần đây cho thấy, hiện thiếu các văn bản hướng dẫn quy định trong các luật để bảo đảm việc áp dụng, xử lý thống nhất. Điển hình là Bộ Luật Lao động năm 2012, Bộ Luật hình Hình sự năm 2015.

“Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị TAND Tối cao báo cáo việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về việc hướng dẫn các dấu hiệu của tội dâm ô người dưới 16 tuổi, lý do vì sao đến nay chưa ban hành được? Trên thực tế, tòa án dựa vào văn bản nào để xét xử tội dâm ô”, bà Thủy nói.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, hiện có khoảng trống trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến áp dụng, xử lý khiên cưỡng, thiếu chính xác, mức xừ phạt chưa nghiêm.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy

Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian qua như vụ nam công chức ở Triệu Phong, Quảng Trị dùng vũ lực tấn công tình dục nữ đồng nghiệp; vụ ép hôn trong thán máy ở Thanh Xuân; vụ thấy giáo chủ nhiệm có hành vi sờ mông, sờ đùi một số học sinh nữ… các cơ quan có trách nhiệm xử lý đều có xu hướng áp dụng Điều 5 Nghị định số 167 của Chính phủ để xử phạt về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Bà Thủy nhấn mạnh, đây là những hành vi có “tính chất quấy rối tình dục, xâm hại tình dục”, nhưng do Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn không quy định rõ về các hành vi này, nên các cơ quan phải vận dụng để xử phạt về hành vi vi phạm trật tự công cộng “nói chung”.

“Điều này cho thấy khoảng trống lớn trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp nói.

Khi giám định, hầu như không còn dấu vết xâm hại tình dục

Báo cáo của nhóm nghiên cứu còn chỉ ra, hiện chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác, tin báo và giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em; thiếu quy trình giám định đặc biệt đối với loại xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em.

Theo báo cáo của các cơ quan, quy trình trưng cầu giám định tình dục đang được thực hiện như sau: khi nạn nhân hoặc gia đình trình báo sự việc, CQĐT tiến hành lập biên bản lấy lời khai. Sau đó đưa nạn nhân dến cơ sở khám chữa bệnh (thường là các bệnh viện có chuyên khoa sản) để khám chứng thương.

Sau khi hoàn tất hồ sơ, CQĐT gửi quyết định trưng cầu giám định pháp y tình dục đến trung tâm pháp y, thường là muộn vài ngày, có vụ muộn vài tháng, và khi đó hầu như không còn dấu vết của xâm hại tình dục. Trung tâm pháp y chỉ có thể thẩm định lại các dấu hiệu tổn thương đã được ghi nhận tại các cơ sở chữa bệnh trước đó xem có đúng không.

“Kết quả này không có tác dụng giúp CỌĐT xác định đây có phải là vụ việc xâm hại tình dục hay không”, nhóm nghiên cứu nhận định, bất cập trong quy trình trưng cầu giám định tình dục là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải quyết án, kéo dài thời gian giải quyết, thậm chí dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh.

Cũng theo bà Thủy, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp còn đề nghị các cơ quan đánh giá đúng nguyên nhân của những hạn chế trong giải quyết một số vụ án thời gian qua chủ yếu do tổ chức thực hiện pháp luật và nhận thức pháp luật, để từ đó có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng giải quyết án.

Báo cáo của Bộ Công an, Viện KSND Tối cao cũng chỉ rõ, một số cán bộ, điều tra viên, kiểm sát viên chưa được đào tạo, tập huấn về kỹ năng làm việc với trẻ em dẫn đến kết quả điều tra, xử lý vụ việc chưa đạt yêu cầu.

Một số điều tra viên, kiểm sát viên còn thụ động trong việc điều tra; xác định, thu thập chứng cứ còn sơ sài, nên dẫn đến việc đánh giá chứng cứ không chính xác, không sát với hành vi phạm tội mà bị can đã thực hiện. Hoặc do quá thận trọng, sợ oan sai, cầu toàn nên đã kéo dài thời gian giải quyết hoặc không xử lý được vụ án, gây dư luận không tốt.

Hương Giang