Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghị lực của những mảnh đời bất hạnh

Thứ năm, 12/03/2015 - 06:57

(Thanh tra)- Hơn 10 năm trôi qua, kể từ khi gặp tai nạn bị liệt toàn thân, bằng nghị lực phi thường, anh Cường đã và đang khẳng định mình “tàn nhưng không phế” trở thành chủ một trang trại khá độc đáo ở xứ Thanh.

Anh Cường miệt mài bên máy tính, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, mở rộng các mối quan hệ và bán hàng qua mạng. Ảnh: Văn Thanh

Trang trại nuôi toàn đặc sản rừng

Trang trại của anh Nguyễn Mạnh Cường (SN 1982), xóm Trường Sơn, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, nằm ép mình dưới chân núi, đã nuôi thành công và nhân giống những động vật như: Lợn rừng, nhím, cầy hương… Đối với một người bình thường đã khó, với Cường nằm liệt một chỗ công việc ấy càng khó khăn gấp bội. Sau khi học hỏi những kinh nghiệm chăn nuôi trên mạng, truyền đạt lại những kiến thức ấy cho gia đình để áp dụng vào thực tế là cả một quá trình kiên trì, vất vả.

Năm 2002, đang là sinh viên năm thứ 2 của Đại học Dân lập Hải Phòng, vụ tai nạn giao thông bất ngờ xảy ra khiến Cường bị chấn thương cột sống cổ, liệt toàn thân và vĩnh viễn khép lại những ước mơ hoài bão còn dang dở nơi giảng đường.

Nhớ lại những tháng ngày bế tắc, đau khổ ấy, Cường tâm sự: Khi biết mình bị liệt, cuộc sống trước mắt với tôi chỉ là màu đen, bế tắc, chán nản… Sau một thời gian dài xác định lại tư tưởng, cùng với sự động viên của gia đình, tôi chấp nhận cuộc sống hiện tại. Nhưng phải làm gì để mình không trở thành gánh nặng cho gia đình quả là bài toán khó.

Năm 2007, Cường đã tham gia một số cuộc thi như: Làm giàu trên đất quê mình do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức; thi tìm hiểu tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… Tổng giải thưởng các cuộc thi được 8 triệu đồng, Cường nhờ bố mẹ mua máy vi tính. “Kết nối với thế giới bên ngoài, vốn xuất thân từ nhà nông, tôi quyết định chăn nuôi, nhưng phải nuôi những con gì mới lạ. Sau một thời gian cân nhắc, tôi động viên bố mẹ vay vốn mua giống lợn rừng, cầy hương, nhím… Khó khăn rất nhiều nhưng cả gia đình đã sát cánh vượt qua”.

Thời điểm năm 2007 - 2009, những con vật rừng trong trang trại bán được với giá cao, đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với Cường và gia đình.

Những con lợn rừng được nhân giống bán khắp cả nước. Ảnh: Văn Thanh

Mong ước thành lập trung tâm cho người khuyết tật

Anh Nguyễn Văn Tuyển, cán bộ chính sách phường Đông Sơn cho biết: Tuy là người khuyết tật nhưng anh Cường có những sáng kiến, ý tưởng mô hình mới khá táo bạo đã tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ và những người khuyết tật. Đây là trang trại độc nhất tại Bỉm Sơn. Anh là một tấm gương, một nghị lực vượt lên những nghiệt ngã của số phận.

Năm 2012, anh Cường cùng chị Lê Thị Dung (SN 1980), quê ở Gia Lai thành lập Công ty TNHH  ĐTPT Tâm Ngọc, mở ra hướng phát triển mới. Ngoài chăn nuôi, Cty còn làm thêm tranh đá quý, sản xuất thức ăn cho cá cảnh. Thời điểm cao nhất Cty có khoảng 20 lao động.

Chị Dung chia sẻ: Em bị bại liệt từ khi mới 7 tháng tuổi, hiện bị liệt 2 chân với tay trái. Trước đây, trang trại Cường cung cấp giống cho cả nước bán qua mạng, bọn em quen nhau sau vài lần mua giống con chồn lông đen, từ đó thường xuyên tâm sự, trao đổi công việc. Em ra Thanh Hóa theo lời mời của Cường để thành lập công ty làm tranh đá quý. Ra ngoài này, em lên Yên Bái học nghề. Năm 2012, sau khi có tay nghề bọn em thành lập công ty. Tranh đá quý là 1 nghề đòi hỏi kỹ thuật, sự kiên trì, tinh tế… rất nhiều người đến học nhưng đến nay mới đào tạo được 15 người lành nghề. Mục đích của bọn em là đào tạo cho người khuyết tật. Thấu hiểu nỗi khổ của những người bất hạnh, chúng em đang cố gắng tạo dựng một mái nhà nhỏ tập hợp những người khuyết tật để chia sẻ, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.

Trong cuộc sống không có bước đường cùng, anh Cường và chị Dung, những người không may rơi vào hoàn cảnh bất hạnh đã vượt qua những ranh giới khắc nghiệt của số phận vươn lên khẳng định mình. Về những dự định trong tương lai, anh Cường cho biết: Chúng tôi đã ấp ủ từ lâu, hiện đang xin quỹ đất của thị xã Bỉm Sơn để thành lập trung tâm giành cho người khuyết tật. Mong ước lớn nhất là làm sao cho những người không may mắn như mình có một mái nhà, có một công ăn việc làm ổn định, không trở thành gánh nặng cho cộng đồng.

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm