Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giải quyết ách tắc trên các tuyến quốc lộ huyết mạch

Thứ hai, 18/11/2013 - 11:19

(Thanh tra) - Ngày 18/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh Kon Tum cho biết, nước lũ đã làm một người chết là chị Y Hiên (38 tuổi) trú tại thôn Đắk Bút, xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, khi đi làm rẫy về qua suối bị cuốn trôi.

Quốc lộ 24 từ Kon Tum đi Quảng Ngãi bị sạt lở nhiều đoạn. Ảnh: Trung Đức

Huyện Kon Plông đã tổ chức di dời kịp thời 85 hộ dân tại xã Đăk Nên đến nơi an toàn. Hệ thống điện lưới tại 4 xã: Đắk Tăng, Đắk Ring, Măng Bút và Đắk Nên bị hư hỏng, mất điện hoàn toàn.  

Mưa to liên tục đã khiến quốc lộ 24 và tỉnh lộ 676 nối trung tâm huyện Kon Plông với các xã vùng Đông Trường Sơn có hàng chục vị trí sạt lở các ta-luy dương và ta-luy âm, khiến các xã: Đắk Tăng, Măng Bút, Đắk Ring, Đắk Nên, Pờ Ê, Ngọc Tem bị cô lập hoàn toàn.

Trên quốc lộ 24 đoạn qua xã Pờ Ê hiện đã có 11 điểm sạt lở với hàng ngàn khối đất đá ập xuống đường. Đặc biệt, tại Km 75 + 850 trên quốc lộ 24 bị đứt, với chiều dài khoảng 20m, sâu 10m, cắt đứt giao thông đi lại giữa tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum trong 3 ngày.

Chiều 17/11, ông Huỳnh Tấn Phục, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum cho biết, để khắc phục các điểm sạt lở trên quốc lộ 24, trong ngày 16 và 17/11, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đã huy động thêm phương tiện và nhân lực. Cùng với 2 máy đào và 4 ô tô hiện có tại chỗ, sở đã huy động thêm 3 máy đào từ TP Kon Tum lên và đường Đông Trường Sơn ra, tập trung hốt dọn đất đá tràn ra đường. Đối với điểm sạt lở ta-luy âm gây đứt đường tại Km 75+850 thuộc địa phận xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, đơn vị thi công đang đào sâu vào phần ta luy dương để tạo đường tránh. Đến 17 giờ chiều ngày 17/11, tuyến đường tránh dài hơn 100m, rộng 5m đã được hình thành, góp phần giải quyết ách tắc giao thông cục bộ trên quốc lộ 24.

Hiện tại, trên tuyến quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh Kon Tum vẫn còn một điểm chưa thông tuyến tại Km 70 (đoạn trên đèo Vi-ô-lắc), do một khối đá lớn sập xuống chắn ngang đường đi. Ngành Giao thông Vận tải Kon Tum đang tiến hành nổ mìn phá đá để thông tuyến.

Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ, mưa lũ do bão số 15 gây ra đã khiến tỉnh Kon Tum thiệt hại khoảng 60 tỷ đồng, chủ yếu ở lĩnh vực giao thông đường bộ.

Tại tỉnh Gia Lai, từ rạng sáng đến chiều 17/11, nhiều cơn mưa dai dẳng với cường độ lớn xảy ra trên địa bàn các huyện Kbang, Đăk Pơ và thị xã An Khê, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác khắc phục khó khăn sau bão lũ. Đặc biệt, tại khu vực đèo An Khê (địa giới giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định), mưa liên tục khiến đất, đá đổ ào xuống nền quốc lộ 19, gây ách tắc giao thông cục bộ.

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai tổ chức thu dọn đất đá trên đèo An Khê, giải quyết ách tắc giao thông trên quốc lộ 19. Ảnh: Trung Đức

Trên đèo An Khê, tại Km 66+500 của quốc lộ 19, rất nhiều đống đất, đá từ núi cao đã sạt lở, tràn ra cả mặt đường khiến việc lưu thông bị ngừng trệ. Lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Bình Định và Công an tỉnh Gia Lai phải túc trực 24/24 giờ để điều phối giao thông trên đèo. 

Trước đó, trong ngày 16/11, tuyến quốc lộ 19 đi qua đèo An Khê đã bị ách tắc gần 10 giờ đồng hồ, các phương tiện ở trên đèo và dưới đèo đều phải nằm chờ. Theo quan sát của phóng viên, trên cung đường quanh co này, còn có gần chục điểm sạt lở lớn, hàng trăm tấn đất đá đổ từ núi cao xuống, nước từ trên đổ xuống liên hồi đang gây xói lở, ăn sâu vào trong vách núi. Vì vậy, việc người và các phương tiện lưu thông qua đèo An Khê cực kỳ nguy hiểm, nhất là đêm xuống, trời mưa trơn trượt, sương mù dày đặc. Hiện công tác giải phóng đất đá, khơi thông đưòng đang được ngành Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định tích cực thực hiện, để các phương tiện tiếp tục lưu thông bình thường trở lại.

Trong ngày 17/11, Thanh tra Cục Đường bộ Việt Nam đã điều phối nhân lực tiến hành dọn dẹp cây, rác mắc trên thành cầu sông Ba, để các phương tiện lưu thông thuận lợi trên quốc lộ 19, đoạn chạy qua trung tâm thị xã An Khê.

Thống kê nhanh của UBND thị xã An Khê cho biết, tính đến cuối ngày 17/11, về sản xuất nông nghiệp, có hơn 100ha hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày bị hư hỏng nặng, gần 1.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. 

Tại huyện Kbang, lũ cũng đã làm ngập gần 100 nhà dân. Tuyến đường Đông Trường Sơn từ trung tâm huyện về các xã cũng bị hư hỏng nghiêm trọng, 1 cầu dân sinh vào làng Vir, xã Krong (Kbang) bị nước cuốn trôi. 

Chính quyền thị xã An Khê và huyện Kbang đang tích cực chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác giúp dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 15, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.


Trung Đức

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm