Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ bảy, 02/09/2017 - 08:12
(Thanh tra)- Theo dự báo, năm nay nước ở thượng nguồn đổ về sớm và nhiều hơn mọi năm. Do đó, hoạt động sản xuất các phương tiện phục vụ cho việc đánh bắt thủy sản tại các làng nghề ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở nên nhộn nhịp hơn.
Làng nghề đóng ghe, xuồng Long Hậu đang vào mùa cao điểm. Ảnh: Cảnh Nhật
Làng nghề tất bật vào mùa
Nhiều năm trước đây, làng nghề sản xuất các phương tiện phục vụ mùa lũ ở ĐBSCL chỉ hoạt động cầm chừng do lũ cạn, thì năm nay hoàn toàn khác. Những làng nghề nổi tiếng ở ĐBSCL có thể kể đến như: Làng lưới Thơm Rơm, quận Thốt Nốt; làng làm lờ, lọp ở Ô Môn (TP Cần Thơ); làng nghề làm lưỡi câu Mỹ Hòa (tỉnh An Giang); làng đóng ghe, xuồng ở Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp)…
Đến làng lưới Thơm Rơm thời điểm này dễ dàng bắt gặp các cửa hàng treo lưới trước cửa và cảm nhận được không khí nhộn nhịp. Từ khoảng 5 giờ sáng, hoạt động mua bán, vận chuyển các phương tiện đánh bắt thủy sản đã làm nhộn nhịp cả một vùng.
Làng nghề đan lưới Thơm Rơm hiện có khoảng 60 hộ tham gia sản xuất kinh doanh chính và hơn 300 hộ sản xuất gia công. Năm nay, lũ về sớm nên số lượng sản xuất tăng lên để phục vụ nhu cầu thị trường, nhờ vậy đời sống của người dân cũng khá ổn định.
Cơ sở sản xuất Hữu Tý do ông Lê Hữu Quý làm chủ có hơn 30 người thợ làm việc từ sáng sớm đến chiều tối. Thu nhập của người thợ khá cao, dao động từ 200.000 - 250.000 đồng/ngày, nhiều lúc tăng ca có khi được 300.000 - 400.000 đồng/ngày.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, chủ một cơ sở bán lưới cho biết, mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường hàng trăm tay lưới. Nơi đây sản xuất khoảng 20 loại lưới đánh bắt thủy sản. Giá thấp nhất từ vài chục ngàn đến cả triệu đồng/tay lưới, tùy theo dài ngắn, chất lượng tốt xấu.
Làng nghề sản xuất lọp tép ở phường Thới Long, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, đang háo hức vào mùa. Lọp là phương tiện kiếm sống trên sông không thể thiếu của hàng trăm ngàn người dân ĐBSCL trong mùa nước nổi. Đến làng nghề vào thời điểm này, trước mắt chúng tôi là hàng chục hộ đang cần mẫn thực hiện từng công đoạn từ khâu đập vành, chẻ nan, bện hom, dệt khung cho đến câu mình, ráp thành cái lọp hoàn chỉnh.
Hơn 40 năm theo nghề gia truyền làm lọp tép ở phường Thới Long, anh Lê Văn Hải cho biết, cứ vào tháng 2 - 3, các thành viên trong gia đình lại tất bật mua tre về làm lọp để có hàng phục vụ bà con mùa lũ. Trung bình một mùa gia đình sản xuất khoảng 13.000 cái lọp. Năm nay, lũ lớn về sớm nên số lượng sẽ tăng lên và phải chuẩn bị sớm hơn. Mỗi năm làng đan lọp Thới Long sản xuất 400.000 - 500.000 cái bán khắp các tỉnh ĐBSCL và xuất sang Campuchia.
Sản phẩm làm ra không đủ bán
Tại làng nghề làm lưỡi câu phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, không khí nhộn nhịp đón lũ không kém các làng nghề khác.
Có trên 60 năm trong nghề, ông Bùi Tấn Thành, chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu Trí Thành cho biết, sản phẩm của làng nghề rất phong phú với hơn 15 chủng loại như lưỡi câu rùa, câu đúc, móng heo, vịnh chèo… với gần 30 kích cỡ lớn nhỏ. Các sản phẩm phải qua gần chục công đoạn làm rất tỉ mỉ, phức tạp mới hoàn thành. Năm nay, nước lũ lên sớm, các hộ thu gom và dự trữ lưỡi câu rất nhiều. Làng nghề đã giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động tại chỗ.
Làng đóng ghe, xuồng ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, cũng nhộn nhịp hẳn lên, ngay từ đầu làng đã vang lên những âm thanh của tiếng búa, máy cưa, máy bào… Năm nay, do lũ về sớm nên người dân ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đặt hàng với số lượng nhiều. Làng nghề hoạt động quanh năm, nhưng cao điểm nhất là đầu tháng 4 đến cuối tháng 8 Âm lịch. Những năm lũ lớn, nhu cầu tăng cao thì mùa cao điểm kéo dài đến tháng 10 Âm lịch.
Ông Đỗ Văn Banh, chủ một cơ sở sản xuất xuồng ở xã Long Hậu cho biết, hiện nay, các cơ sở sản xuất ghe xuồng đang vào mùa cao điểm. Xuồng sản xuất ra không kịp giao cho khách hàng. Cơ sở của ông ước tính sẽ cung ứng cho thị trường trên 1.000 chiếc. Hiện, xuồng loại I có giá khoảng 1,3 triệu đồng/chiếc, loại II 800.000 - 900.000 đồng/chiếc. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong tỉnh và các tỉnh như: Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau…
Theo ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Hậu, trên địa bàn xã chỉ còn hơn 40 cơ sở đóng xuồng, ghe còn duy trì hoạt động, sụt giảm rất nhiều so với trước đây do nhiều năm liền lũ cạn. Năm nay, lũ về sớm, nhu cầu người dân đến mua xuồng tăng, sản lượng xuồng đóng nhiều hơn mọi năm từ 20 - 30%, chủ yếu là xuồng loại nhỏ.
Cảnh Nhật
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Đồng hành cùng em tới trường tại bản Chiềng Ban (Tú Nang, Yên Châu, Sơn La), Công ty cổ phần ROX Key Holdings đã tài trợ tu sửa lớp học, thư viện, quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và trao học bổng cho các em học sinh.
Thu Nga
21:26 11/12/2024(Thanh tra) - Tính đến 10/12/2024, toàn tỉnh có 3.194 hộ nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu cấp thiết cần hỗ trợ xây dựng đảm bảo các tiêu chí; trong đó có 911 nhà sửa chữa, 1.066 nhà cần được hỗ trợ và 1.217 nhà cần xóa.
Trần Kiên
20:41 11/12/2024Trung Hà
15:05 11/12/2024PV
14:44 11/12/2024Bùi Bình
14:37 11/12/2024Văn Thanh
13:59 11/12/2024Hương Giang
Hương Giang
Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà