Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Cần xử lý hình sự với chủ phương tiện và lái xe chở quá tải

Thứ ba, 15/12/2020 - 06:38

(Thanh tra)- Tình trạng xe chở vật liệu xây dựng quá tải trên một số tuyến đê tại một số quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội không còn xa lạ với người dân. Việc này ảnh hưởng đến an toàn đê điều, gây xuống cấp đường… Theo cơ quan chức năng, hiện chế tài xử lý hành chính đã đủ “nặng”, nhưng cần có chế tài xử lý về hình sự mới đủ sức răn đe.

Hàng đoàn xe chở vật liệu xây dựng có dấu hiệu quá tải nối đuôi nhau chạy vào đêm trên địa bàn huyện Thạch Thất. Ảnh: HH

Hàng trăm bãi tập kết trái phép

Từ nhiều năm nay, cát tặc hoành hành trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn… Đặc biệt, cát tặc hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, đoạn qua các xã Cẩm Đình, Vân Nam, Vân Phúc thuộc huyện Phúc Thọ. Tình trạng này diễn ra ngay cả trong mùa mưa bão, dẫn đến hàng nghìn mét kè tại xã Cẩm Đình mới được Nhà nước đầu tư đã bị sạt trượt hoàn toàn.

Những gì diễn ra dưới sông, trên bãi tại huyện Phúc Thọ khiến dư luận bức xúc, rất nhiều tỷ đồng ngân sách Nhà nước đã “trôi” theo những mét kè. Tài sản, tính mạng của người dân cũng bị đe dọa khi hàng loạt ngôi nhà trong thôn Vân Đình, xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ xuất hiện những vết nứt. Người dân lo lắng ngày đi làm không yên, đêm về không ngủ, sinh hoạt cũng trở nên khó khăn hơn, trước khoan giếng chỉ cần sâu 14m là có nước thì bây giờ phải 30-40m…

Trước tình trạng này, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết, thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp theo thẩm quyền, tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trên địa bàn còn nan giải. Một trong những nguyên nhân dẫn đến cát tặc lộng hành, theo lãnh đạo huyện Phúc Thọ, một phần là do địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc. Hai tỉnh, thành có xác định mốc giới, nhưng chỉ trên cạn, còn lòng sông thì chưa, nên tàu thuyền ngày đậu ở Vĩnh Phúc, đêm sang Hà Nội khai thác, rất khó quản lý.

Không chỉ ở Phúc Thọ, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép cũng diễn ra trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Tại đây có 3 con sông chảy qua với chiều dài 80km, nhiều trữ lượng cát sỏi nên hoạt động khai thác, hoạt động bến bãi chung chuyển diễn ra nhiều năm nay.

Trên địa bàn xã Phú Châu, huyện Ba Vì cũng diễn ra cảnh tượng tương tự, có lúc hàng loạt tàu cuốc, tàu hút cát kéo nhau về đây để khai thác. Theo lãnh đạo UBND huyện Ba Vì, đây là địa bàn giáp ranh với 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Thẳng thắn nhìn nhận, việc cát tặc lộng hành cũng có phần nguyên nhân từ việc quản lý bến bãi tập kết chung chuyển vật liệu xây dựng còn buông lỏng. Theo quy hoạch sử dụng cát sỏi trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, TP chỉ có 91 bãi chứa chung chuyển với diện tích khoảng 340ha, tuy nhiên con số này thực tế khác hoàn toàn và không giống nhau trong báo cáo của cơ quan chức năng.

Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo có 132 bãi, trong đó có 92 bãi không phép; Công an TP báo cáo có 246 bãi thì 189 bãi không có thủ tục đất đai theo quy định, còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP có 158 bãi đang hoạt động thì có 152 bãi không phép. Qua thống kê trên, có thể thấy rằng dù con số nào thì bãi không phép vẫn chiếm hơn 70%.

Không phép nhưng vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí ngay cả với những bãi vật liệu có phép cũng tồn tại nhiều bất cập. Có những nơi được cấp phép đang hoạt động, nhưng khu vục bến bãi lại chưa được hoàn thiện quyền sử dụng đất. Bãi chung chuyển Tây Đằng là 1 ví dụ, mặc dù hoạt động hơn 30 năm nay, nhưng chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất…

Xe quá tải băm nát đê Hữu Hồng chạy qua địa phận xã Hồng Vân, huyện Thường Tín gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tham gia giao thông. Ảnh: Q.T

“Mất cả ngày, cả đêm thuyết phục lái xe cho kiểm tra”

Hàng trăm bến bãi hoạt động không phép, trong khi đó, việc xử lý tình trạng xe chở quá khổ quá tải chưa kịp thời, dẫn tới nhiều tuyến đường xung quanh các bãi tập kết hư hỏng nghiêm trọng.

Dọc tuyến đê Hữu Hồng, đoạn qua xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, có hàng chục bãi tập kết chung chuyển vận liệu xây dựng, trạm trộn bê tông, mỗi ngày hàng loạt xe tải ra vào, chở quá tải, quá khổ khiến người dân vô cùng bức xúc. Theo người dân nơi đây có những đoàn kiểm tra của huyện về, nhưng không ăn thua, vì khi đoàn đến thì xe không hoạt động, nhưng đoàn đi thì xe lộng hành.

Ông Trần Nhật Quang, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP có 20 tuyến đê chính dọc theo các tuyến sông. Đây vừa là tuyến đê vừa là đường giao thông. Với  trách nhiệm được giao, lực lượng thanh tra đã tập trung kiểm soát ngay từ đầu nguồn để hạn chế phương tiện chở quá tải.

Đối với đầu mối bốc xếp, thời gian qua, Thanh tra Sở đã tổng kiểm tra và xử lý 13 doanh nghiệp; tổng kiểm tra và xử phạt 184 trường hợp mở bến thủy không phép với số tiền gần 1 tỷ đồng trên địa bàn Long Biên, Đan Phượng, Phú Xuyên, Mê Linh, Sóc Sơn…

Lực lượng thanh tra cũng đã xử phạt trên 3.000 trường hợp chở quá tải, với số tiền trên 35 tỷ đồng. Các hình thức phạt bổ sung khác cũng được thực hiện như tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tước phù hiệu, tước giấy kiểm định và tem kiểm định đối với các phương tiện vi phạm trong thời gian từ 2-4 tháng…

Ông Quang cho biết, mặc dù có số lượng xử lý như vậy, nhưng lực lượng thanh tra gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý tài xế vi phạm. Do mức phạt cao, có những mức phạt lên tới 70-80 triệu đồng, cộng thêm ngừng hoạt động của phương tiện từ 2-4 tháng, tước giấy phép thì việc chống đối của lái xe với lực lượng kiểm tra xảy ra thường xuyên.

“Thẩm quyền tạm giữ phương tiện của lực lượng thanh tra cũng bị hạn chế, đặc biệt với phương tiện có trọng tải lớn, việc dừng một xe kiểm tra trên tuyến đường đã khó thì dừng trên tuyến đê lại càng khó hơn vì có mặt cắt nhỏ. Lái xe thường chống đối dừng xe ở nơi có thể gây ra cản trở giao thông, mất an toàn giao thông và bỏ đi, có những trường hợp mất cả ngày, cả đêm thuyết phục 1 lái xe để thực hiện công tác kiểm tra” - ông Quang nói.

Phương tiện để cưỡng chế của lực lượng thanh tra cũng không đủ để cưỡng chế 1 xe có trọng tải lớn. Lực lượng thanh tra lại “mỏng”, có địa bàn cấp đội, cấp huyện chỉ có từ 7-10 cán bộ hoạt động, địa bàn rộng nên công tác tuần tra, kiểm soát rất khó khăn… Từ thực tế đó, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải  kiến nghị, cần tăng chế tài đối với các xe vi phạm, không phải tăng chế tài xử phạt hành chính nữa mà là chế tài xử lý hình sự với chủ phương tiện và lái xe.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm