Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bão quét qua, dân làng chài tay trắng

Chủ nhật, 17/09/2017 - 05:21

(Thanh tra) - Từ bao đời nay, người dân làng chài ven biển khu vực các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên đã quen với bão lũ triền miên. Nhưng với một cơn bão nhanh và mạnh, sức tàn phá lớn như bão Doksuri thì hàng chục năm nay bây giờ người dân mới được chứng kiến.

Bà Hà Thị Huệ (thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) đau đớn khi trở về sau bão, ngôi nhà đã trở thành đống hoang tàn.

Lúc đi nhà cửa còn nguyên, khi về tan hoang đổ nát

Khi có thông tin về cơn bão số 10, chính quyền kêu gọi di tản thì người dân vẫn mang tâm lý chủ quan, chỉ mang một số vật dụng cơ bản đem di chuyển lên chỗ trú ẩn an toàn. Sau một ngày tránh trú, khi trở về thì toàn bộ nhà cửa cùng tài sản chỉ còn là một đống đổ nát.

Bên đống gạch vụn mà trước đây là ngôi nhà của bà Hà Thị Huệ (thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên), người phụ nữ này vừa khóc vừa nhặt nhạnh, tìm kiếm xem bão có “bỏ sót” lại thứ gì không.

Bà Huệ kể: “Khi UBND xã, các đoàn thể thông báo tin bão và đưa bà đi sơ tán, lúc đi nhà cửa vẫn nguyên vẹn nhưng khi trở về thì không còn gì nữa. Bà ở một mình không có chồng con, chỉ có ngôi nhà nhỏ làm chỗ che mưa che nắng nay cũng đã bị bão cuốn đi rồi thì biết lấy gì mà sống đây.”

Căn nhà tan hoang sau bão của anh Nguyễn Văn Đức (xóm Tân Thành, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh).

Trong ngôi nhà đổ nát không còn gì đáng giá, Anh Nguyễn Văn Đức (xóm Tân Thành, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh) lắc đầu ngao ngán: “Vợ chồng tôi khi hay tin bão về thì lập tức đưa con cái đi di trú, đến khi bão tan trở về thì toàn bộ mái ngói đã bị thổi bay, toàn bộ vật dụng trong nhà bị hư hỏng hết. Bây giờ cả nhà đang phải ăn mì tôm sống trừ bữa chứ bếp nấu, nồi niêu, các vật dụng khác cũng bị bão cuốn đi hết rồi.”

Trong phút chốc, cơn bão số 10 đã cuốn trôi tất cả tài sản mà người dân bao đời chắt bóp khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Lực lượng chức năng giúp đỡ người dân dọn dẹp sau bão.

Bà Hoàng Thị Hường, trú tại thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng năm nay đã 80 tuổi vẫn còn tất bật cùng con cháu dọn dẹp toàn bộ gian nhà bị bão cuốn phăng, chỉ còn lại đống gạch vụn.

Bà cho biết hàng chục năm nay đây mới là lần bà chứng kiến cơn bão mạnh như thế này: “Mấy ngày trước khi loa thông báo bão về, tôi được chính quyền đưa đi di tản trên thị trấn, hôm nay bão tan hết cả nhà mới đưa nhau về thì mới biết bão đã phá tan một gian nhà, toàn bộ tài sản đã bị nước cuốn trôi, bây giờ chỉ mong mọi người chung tay giúp đỡ cho chúng tôi sớm dựng lại nhà cửa, ổn định lại cuộc sống.”

Bà Hoàng Thị Hường, trú tại thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng năm nay đã 80 tuổi vẫn còn tất bật cùng con cháu dọn dẹp toàn bộ gian nhà bị bão cuốn phăng.

Gia đình chị Võ Thị Hường (44 tuổi, thôn Hải Bắc, xã Cẩm Nhượng) thông tin: “Lúc cả nhà chúng tôi đi di trú, cũng không nghĩ được cơn bão này lại mạnh như thế, đến lúc trở về mới biết nước ngập nhà, sóng đánh sập nhà cửa, gần 300 con gà, ngan trong nhà cũng bị cuốn trôi chỉ còn lại 100 con, không chỉ có gia đình tôi mà nhân dân vùng ven biển xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên đều bị thiệt hại nặng nề.”

Bước đầu khắc phục khó khăn

Ngay khi bão tan, chính quyền các cấp đã kịp thời giúp đỡ người dân dọn dẹp sau bão, sớm ổn định lại cuộc sống.

Trong ngày 16/9, hơn 11.000 cán bộ chiến sỹ các lực lượng vũ trang đã có mặt ở các vùng thiệt hại nặng nề của huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên để giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau bão số 10.

Nước mắt của người dân làng chài ven biển khi cơn bão Doksuri “đánh tan” toàn bộ tài sản bao đời chắt bóp.

Ông Trần Văn Hoanh, 54 tuổi, ở bãi biển Kỳ Ninh 2, huyện Kỳ Anh cho biết: "Sống gần 60 năm thì đây là cơn bão tôi được chứng kiến là lớn nhất, sóng biển cao và đánh mạnh vào bờ thời gian dài, làm tan hoang hết làng chài ven biển Kỳ Ninh. Bây giờ gia đình tôi cùng các hộ xung quanh dọn dẹp nhà cửa, tìm kiếm tài sản xem còn sót lại gì không.”

Nhìn người dân làng chài dọn dẹp đống đổ nát khi bão đi qua khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Cuộc sống của ngư dân ven biển vốn khó khăn, nay lại khó khăn gấp bội, để người dân sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục vươn khơi bám biển chỉ bằng sự nỗ lực của người dân là không đủ.

Ông Nguyễn Đại Hành (60 tuổi, thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh) đang phơi lại 5 tạ lúa bị bão làm ướt.

Ông Nguyễn Đại Hành, 60 tuổi, thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh cho biết: “Sau bão, gia đình tôi bị ướt 5 tạ lúa, nhà bị tốc mái, sóng biển lùa vào đến nhà làm các thiết bị điện tử hư hỏng hoàn toàn. Hiện nay mọi người đang chung tay giúp đỡ tôi để sửa sang nhà cửa, dọn dẹp đống đổ nát mà bão mang đến, hi vọng trong thời gian sớm nhất chúng tôi có thể vượt qua khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.”

Hiện nay người dân khu vực ven biển đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu thốn trăm bề, cần lắm sự chung tay của cộng đồng giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn này.

Bài, ảnh: Hải Yến

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm