Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hải Phòng họp báo vụ cưỡng chế đất đai tại Tiên Lãng

Thứ sáu, 13/01/2012 - 11:21

Sau nhiều ngày chờ đợi, chiều tối 12-1 các cơ quan chức năng TP Hải Phòng đã tổ chức cuộc họp báo kéo dài gần hai giờ về vụ cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.

Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền tại cuộc họp báo - Ảnh: Viết Thắng

Tuy nhiên, cuộc họp báo vẫn chưa làm thỏa mãn những vấn đề dư luận đặt ra.

Phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự - xã hội Công an TP Hải Phòng Vũ Sỹ Hưng cho biết sau khi bị bắt và bị khởi tố, chủ đầm Đoàn Văn Vươn cùng các bị can khác đã nhận thức hành vi của mình là vi phạm pháp luật, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Giao bổ sung để hợp thức hóa lấn chiếm?

Trả lời câu hỏi báo chí xung quanh quyết định giao đất và thu hồi đất của UBND huyện đã đúng quy định của Luật đất đai, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền vẫn khẳng định việc giao đất cho các hộ nuôi trồng thủy sản dưới 20 năm là đúng quy định Luật đất đai và theo đề nghị của ông Vươn. Do hết thời hạn giao nên các hộ phải giao trả cho UBND huyện để UBND huyện cho thuê. Lý giải về việc tại sao có hai quyết định giao đất, ông Hiền nói rằng lúc đầu (năm 1993) huyện chỉ giao 21ha, nhưng trong quá trình khai thác ông Vươn lấn chiếm thêm 19,3ha nữa. Vì vậy, UBND huyện đã hợp thức hóa 19,3ha bằng quyết định giao đất bổ sung (quyết định ký năm 1997, nhưng tính thời điểm giao đất từ năm 1993 - PV).

Theo ông Bùi Quang Sản - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất cho công dân để nuôi trồng thủy sản vào thời điểm 4-10-1993. Trong khi Luật đất đai 1993 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15-10-1993, như vậy quyết định giao đất này phải áp dụng theo Luật đất đai 1987 chứ không phải Luật đất đai 1993. Quyết định giao đất và thu hồi đất là đúng và phù hợp. Huyện Tiên Lãng đã khẳng định đây không phải là đất nông nghiệp, nên quan niệm phải giao đất 20 năm là không đúng. “Hơn nữa, quy định phải giao đất cho người địa phương, trong khi ông Vươn không phải ở xã Vinh Quang (ông ở xã Bắc Hưng). Huyện Tiên Lãng còn thu hồi muộn vì đúng ra đã hết hạn từ lâu” - ông Sản nói. Nhưng khi phóng viên đặt vấn đề rằng đây là giao đất nuôi trồng thủy sản nên thời hạn phải là 20 năm, ông Sản không trả lời thẳng mà nói: “Huyện có thẩm quyền giao đất cho các tổ chức, cá nhân, trong đất nông nghiệp có đất trồng cây hằng năm, cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản”.

Tòa gửi văn bản trả lời nhầm đối tượng?

Tham gia cuộc họp báo, phó chánh án TAND TP Hải Phòng Phạm Văn Phích cung cấp một thông tin làm nhiều phóng viên ngỡ ngàng: thẩm phán Ngô Văn Anh lẽ ra phải gửi văn bản trả lời ông Vũ Văn Luân thì văn bản này lại được gửi cho ông Đoàn Văn Vươn. “Đây là sai sót của thẩm phán Ngô Văn Anh. Thẩm phán Ngô Văn Anh đã kiểm điểm về sự việc này” - ông Phích cho hay.

Theo thông tin ông Phích cung cấp, tại thời điểm đó cả ông Luân và ông Vươn đều có đơn kháng cáo lên TAND TP Hải Phòng. Thẩm phán Ngô Văn Anh được giao thụ lý vụ ông Vũ Văn Luân, thẩm phán Cao Thành Ngọc thụ lý vụ ông Đoàn Văn Vươn. Trong hai vụ này thì chỉ vụ ông Vũ Văn Luân được lập biên bản thỏa thuận. Sau đó, khi ông Luân có đơn khiếu nại thì ông Ngô Văn Anh (lúc này là chánh tòa hành chính) có văn bản trả lời nhưng lại trả lời ông Vươn.

Phóng viên tiếp tục chất vấn ông Phích rằng mặc dù hai vụ kiện khác nhau nhưng bản chất chỉ là một, việc thẩm phán cho lập biên bản thỏa thuận đã khiến người dân hiểu nhầm là đã được tòa giải quyết. Ông Phích nói rằng mặc dù trả lời nhầm nhưng bản chất vụ việc không thay đổi. “Tòa mà xử phúc thẩm thì cũng sẽ tuyên như án sơ thẩm thôi” - ông Phích khẳng định.

Khi phóng viên hỏi vấn đề dư luận đang rất quan tâm là liệu UBND huyện có cưỡng chế nhầm vị trí đất và tháo dỡ ngôi nhà của ông Vươn? Không trả lời thẳng vào câu hỏi, ông Lê Văn Hiền cho biết hai căn nhà trên phần đất được cho là cưỡng chế nhầm sở dĩ đã bị tháo dỡ (thực tế đã bị đánh sập hoàn toàn - PV) là do khi cưỡng chế các đối tượng gây án đã ẩn nấp trong đó. Ông Hiền giải thích rằng sau khi cưỡng chế, chính quyền không để người nhà ông Vươn vào sản xuất phần diện tích 21ha chưa bị cưỡng chế và ngăn cản phóng viên tác nghiệp là do sợ còn sót mìn do các đối tượng gây án cài trước đó.

Nhầm?

Theo hồ sơ giao đất, ngày 4-10-1993 UBND huyện Tiên Lãng có quyết định số 447/QĐ-UBND giao cho ông Vươn 21ha đất bãi biển giáp đê quốc gia tại khu vực cống Rộc, xã Vinh Quang. Ngày 2-3-1997, ông Vươn tiếp tục có đơn xin giao thêm, theo đó, UBND huyện Tiên Lãng tiếp tục ban hành quyết định số 220/QĐ-UBND, ngày 9-4-1997, giao cho ông 19,3ha giáp khu đất cũ theo hướng ra biển. Như vậy, với hai quyết định trên, ông Vươn được giao 40,3ha đất để nuôi trồng thủy sản.

Ngày 7-4-2009, UBND huyện Tiên Lãng ban hành quyết định 461/QĐ-UBND thu hồi đất đối với phần diện tích 19,3ha. Và đến ngày 24-11-2011 ban hành quyết định 3307/QĐ-UBND cưỡng chế đối với phần diện tích này. UBND huyện Tiên Lãng chưa có quyết định cũng như kế hoạch cưỡng chế đất nào đối với phần đất được giao theo quyết định 447/QĐ-UBND. Nghĩa là, chỉ thực hiện cưỡng chế thu hồi đối với phần diện tích 19,3ha chứ chưa thực hiện cưỡng chế với phần diện tích 21ha. Trả lời Tuổi Trẻ, chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm nói “phần diện tích 21ha vẫn thuộc chủ quyền gia đình ông Vươn”. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là khi thực hiện cưỡng chế, đoàn công tác lại đi thẳng vào ngôi nhà thuộc phần diện tích 21ha, nghĩa là vị trí không thuộc phạm vi cưỡng chế. Và đây chính là địa điểm xảy ra vụ án.
 
Yêu cầu báo cáo Bộ Tài nguyên - môi trường

Ngày 12-1, phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường) Đào Trung Chính cho biết: “Bộ đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường TP Hải Phòng báo cáo toàn bộ việc giao đất của UBND huyện Tiên Lãng liên quan đến vụ việc đáng tiếc vừa qua”.
 
Theo ông Chính, để khẳng định việc giao đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn là đúng hay sai, phải đợi đến khi Sở Tài nguyên - môi trường Hải Phòng báo cáo cụ thể. “Ai cũng thấy người dân phản kháng thế là sai. Nhưng vấn đề cần phải làm rõ ở đây là nguồn gốc loại đất UBND huyện Tiên Lãng đã giao là loại đất gì. Là đất công ích, đất giao lâu dài hay đất khai hoang. Người dân phản kháng sai thì pháp luật sẽ xem xét, còn nếu phía chính quyền sai thì cũng phải xem xét trách nhiệm” - ông Chính nói.

Trao đổi về việc sửa đổi Luật đất đai 2003 sẽ xem xét việc giao đất cho người dân ra sao, ông Chính cho biết thêm:

- Qua tổng kết việc thi hành Luật đất đai 2003, vấn đề giao đất hiện vẫn đang có những ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến nêu việc giao đất không nên quy định thời hạn nữa, tức là có thể kéo dài lên 50 năm hoặc giao vĩnh viễn, nhưng cũng có ý kiến nêu hết thời hạn 20 năm thì thu hồi để chia lại.

Chắc chắn trong quá trình xem xét sửa đổi Luật đất đai 2003 sẽ bàn kỹ việc giao đất. Thậm chí phải thảo luận sâu về các nội dung xung quanh chuyện giao đất và cả thời hạn giao đất. Vấn đề này không chỉ đơn giản là cơ quan chức năng, các chuyên gia cho ý kiến mà tới đây hội nghị trung ương cũng sẽ bàn.

* Đã có ý kiến nêu khi nhận đất khai hoang phục hóa, người dân phải mất nhiều công sức, thời gian để cải tạo. Khi được thu lời thì đến hạn thu hồi, vấn đề này sẽ được nhìn nhận ra sao khi sửa luật?

- Đây là vấn đề rất đúng và đáng phải ghi nhận. Việc này sẽ phải xem xét kỹ xem người được giao đất đã đầu tư tiền của, công sức ra sao. Thậm chí cũng phải xem xét từ vấn đề đầu tư đó để quy định thời gian giao cho thỏa đáng, luật sửa đổi sẽ xem xét trên cơ sở như vậy. Tuy nhiên, hiện vẫn phải theo quy định của Luật đất đai 2003 đang áp dụng. Cụ thể, điều 67 của Luật đất đai 2003 quy định: Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt. Tức là khi chưa có chủ trương thì đất được giao chỉ bị thu hồi vào mục đích quốc phòng, an ninh hay để làm các công trình, dự án. Còn không phải đợi đến khi có chủ trương mới, tức là nếu có điều chỉnh trong Luật đất đai 2003 sửa đổi thì phải đợi đến khi Quốc hội thông qua mới được thực hiện.


TTO

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

Cao Bằng: Khởi tố một phụ nữ vì nhổ 25 cây ngô

(Thanh tra) - Cho rằng người khác trồng ngô chặn lối mòn mình thường đi, người phụ nữ 55 tuổi ở Cao Bằng đã dùng tay nhổ 25 cây ngô và bị khởi tố về tội “Huỷ hoại tài sản”.

Trung Hà

15:34 11/12/2024
Nghệ An: Xử phạt 90 triệu đồng vì hành vi giả mạo giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

Nghệ An: Xử phạt 90 triệu đồng vì hành vi giả mạo giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động

(Thanh tra) - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã ký ban hành Quyết định số 187/QĐ-XPHC về việc xử phạt Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nhân lực Hùng Anh; địa chỉ tại xóm Khoa Đà 1, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính giả mạo giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Văn Thanh

14:45 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm