Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Dịch bệnh sẽ khó kiểm soát nếu không thực hiện nghiêm cách ly xã hội

Phương Anh

Thứ sáu, 10/04/2020 - 22:03

(Thanh tra) - Mặc dù đang trong giai đoạn cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 nhưng mấy ngày qua người dân lại bắt đầu đổ ra đường rất đông. Các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu chủ quan, lơ là thì chúng ta có thể phải đối mặt với việc dịch bùng phát, khó kiểm soát.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn cao cấp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia. Ảnh: NN

Trong vài ngày gần đây, thông tin của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy số ca nhiễm Covid-19 mới có xu hướng giảm, ít ca nhiễm và nhiều người được điều trị khỏi bệnh. Đây là dấu hiệu đáng mừng. Có lẽ vì vậy mà người dân thấy yên tâm hơn nên ra đường nhiều hơn, dù không có việc gì thật sự cần thiết. Tuy nhiên, theo đánh giá, kết quả này chưa thể nói lên điều gì, chưa thể căn cứ vào những con số này để khẳng định chúng ta đã an toàn trước dịch Covid-19.

Từ ngày 1/4, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về “cách ly xã hội” được áp dụng, yêu cầu người dân ra đường khi không cần thiết đến ngày 15/4 nhằm đảm bảo việc kiểm soát, đẩy lùi dịch Covid-19. Tuần đầu tiên, người dân thực hiện khá nghiêm túc. Trên nhiều tuyến phố vắng người và xe cộ qua lại nhưng mấy ngày qua nhiều người dân đã bắt đầu có tâm lý chủ quan.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết, khi thấy số ca mắc giảm, người dân cứ nghĩ chúng ta đã thành công. Thực tế, không phải vậy. Dịch đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên. Sự chủ quan, lơ là sẽ khiến virus lây lan, dịch bùng lên lúc nào không biết. Ở nước ngoài đã chứng minh quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ vỡ trận ngay.

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc giãn cách xã hội rất quan trọng. Vì khi có ca lây nhiễm trong cộng đồng sẽ không biết ai là người đang nhiễm và không biết đâu là nguồn bệnh. Ngay cả việc một số bệnh nhân mới như 237, 243 và 251 đang được đánh giá là phức tạp khi nguồn lây chưa được xác định rõ ràng.

Mục đích của việc giãn cách xã hội là để người bệnh không tiếp xúc với người lành và người lành không tiếp xúc với người bệnh. Như vậy, người ta sẽ không bị lây sang nhau. Trong một thời gian nhất định khoảng 14 ngày thì mầm bệnh trong các đối tượng mắc bệnh không còn có khả năng lan truyền nữa thì chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch.

“Tuy nhiên việc giãn cách phải làm quyết liệt, triệt để tất cả các nơi, chứ không thể nơi này làm, nơi kia không quyết liệt thì chúng ta sẽ không thể xác định được nguồn lây bệnh. Cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh nhà cửa, rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang. Cuộc chiến chống dịch của toàn dân, nếu ai chủ quan, lơ là thì chúng ta có thể phải đối mặt với việc dịch bùng phát, khó kiểm soát”, ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm