Theo dõi Báo Thanh tra trên
Chủ nhật, 31/01/2021 - 06:35
(Thanh tra)- “Có thể với những tỷ phú, kiếm được vài tỷ họ mới vui, hay người nông dân có thể kiếm thêm được bữa gạo cũng đã là vui. Niềm vui hàng ngày của các bác sỹ như tôi là chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân”. Đó là chia sẻ của bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, 1 trong 10 cá nhân được tặng Danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” năm 2020.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Công dân ưu tú Thủ đô năm 2020. Ảnh: TT
Chúng tôi chọn viết về anh dù biết rằng các đồng nghiệp của mình đã làm rất nhiều chương trình hay, xúc động về người thầy thuốc luôn tận tâm với người bệnh, đặt quyền và lợi ích của người dân, người bệnh lên trên hết này. Ngày Xuân vui hơn vì trong cương vị công tác mới là Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, anh vẫn giữ nguyên nụ cười hiền, điềm tĩnh gửi những thông điệp yên vui từ khu vực cách ly của những ngày chống dịch để nhân dân cả nước được yên lòng và gia đình nhỏ của mình yên tâm...
Bản lĩnh trước gian khó
Gặp bác sỹ Nguyễn Trung Cấp những ngày cuối năm bận rộn, dù ở cương vị mới là Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hay trước đó là Trưởng khoa Cấp cứu, cảm nhận chung của phóng viên về anh đó là người thầy thuốc gần gũi, luôn hết lòng vì người bệnh.
Hơn 25 năm kể từ ngày tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, ra trường khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, dù là đảm nhiệm công việc thường ngày là khám, cấp cứu, chẩn đoán hồi sức, điều trị những bệnh nhân nặng thuộc chuyên ngành truyền nhiễm hay khi bước vào cuộc chiến với dịch COVID-19 vừa qua, bản lĩnh của người thầy thuốc luôn được anh thể hiện một cách rõ nét.
Trong những ngày dịch COVID-19 “nóng” nhất, có lẽ không ai quên được hình ảnh xúc động về một người bác sỹ giữa tâm dịch với nụ cười hiền, mái tóc vốn dài đã cạo trọc, chân đi đôi dép tổ ong giản dị.
Nhắc lại kỷ niệm đó, bác sỹ Cấp cười hiền cho hay: "Khi đó, chúng tôi đang ở bệnh viện để chống dịch, tóc ai cũng đã dài ra mà không biết làm cách nào để có thể đi cắt tóc cho gọn gàng". Vì thế, anh và đồng nghiệp đã bảo nhau cạo trọc, vừa nhanh, đơn giản, lại lâu phải cắt lại. “Nghĩ thế chúng tôi đã nhờ người mua cho một chiếc tông đơ từ ngoài gửi vào và tự cắt tóc cho nhau”, anh hóm hỉnh kể lại.
Trong câu chuyện của mình, khi phóng viên nhắc tới những thành tích chống dịch COVID-19 của bản thân anh nói riêng và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói chung, bác sỹ Cấp đều cho rằng, đó chỉ nên là những kỷ niệm, hay những việc mà bất kỳ người bác sỹ nào cũng phải làm, nên làm trong khi sức khỏe của người dân đang gặp nguy hiểm.
Tôn trọng anh, câu chuyện của chúng tôi chỉ là về những kỷ niệm, những điều đặc biệt, đáng nhớ từ anh trong những ngày chiến đấu cam go với dịch bệnh.
Nhớ lại giai đoạn đầu khi mới tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ Vũ Hán trở về, anh và các đồng nghiệp đã không khỏi trăn trở, ngày đêm lo lắng. Sở dĩ như vậy là do, khi đó dịch COVID-19 vẫn là một bệnh lý mới nên các hiểu biết về bệnh này ở trên thế giới không có nhiều ngoài một số kinh nghiệm từ Vũ Hán. Vì vậy, thời gian đó, các quan điểm điều trị, kỹ thuật, chiến lược đều căn cứ vào kiến thức sẵn có trên cơ sở nghiên cứu của những bệnh lý tương tự như Mers-CoV, SARS, cúm.
May mắn là, trong giai đoạn đầu dịch COVID-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương không có quá nhiều bệnh nhân và các ca bệnh cũng không quá nặng. Vì vậy, anh và các đồng nghiệp có thêm khoảng thời gian để xem xét, sửa đổi, thay đổi kế hoạch, chiến lược điều trị và xây dựng bản kế hoạch hoàn chỉnh hơn.
Sang đến giai đoạn sau, bệnh nhân ồ ạt xuất hiện hoặc có nhiều bệnh nhân nặng thì bản kế hoạch cũng khá hoàn chỉnh nên việc vận hành, điều trị thuận lợi hơn. Do đó, khi được cử vào chi viện tại Huế, chính anh đã là người truyền đạt lại nhiều kinh nghiệm để giúp đồng nghiệp tránh gặp những loay hoay như thời gian đầu các anh gặp phải.
Tuy vậy, cũng có những lúc anh cùng đồng nghiệp phải căng thẳng, cân não với các ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, thậm chí phải có những quyết định dũng cảm để mong hạn chế thấp nhất rủi ro cho người bệnh.
Vào Huế, đối diện với nhiều ca bệnh nặng, khó khăn nhất là việc thay đổi chiến lược điều trị cho người bệnh. Có trường hợp, nếu áp dụng theo kiến thức cũ của điều trị cúm, SARS thì bệnh nhân cần đặt ống nội khí quản, thậm chí có chỉ định chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo).
Thực tế, "khi thăm khám, xem xét trực tiếp tình trạng bệnh nhân thì thấy hoàn toàn có thể can thiệp bằng hỗ trợ hô hấp không xâm nhập. Quyết định này khá liều lĩnh bởi nếu đối chiếu theo sách vở, theo những gì bản thân đã thực hành có thể chưa đúng; nhưng may mắn, sự dũng cảm cộng với chút liều lĩnh đó đã thành công khi bệnh nhân đáp ứng rất tốt”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương kể lại.
Sau quyết định dũng cảm đó đã mở ra kinh nghiệm cho giai đoạn sau này, nếu dịch bệnh lan rộng ở mức độ lớn hơn nhiều thì có thể thay đổi chiến lược điều trị, thay đổi được nhu cầu máy thở, thay đổi nhu cầu về ECMO, giúp việc điều trị bệnh phù hợp với điều kiện khó khăn của Việt Nam.
Bên cạnh công tác điều trị tại chỗ, một nhiệm vụ căng thẳng nữa mà bác sỹ Nguyễn Trung Cấp cùng các đồng nghiệp trải qua, và chắc không bao giờ có thể quên, là tham gia tổ chức chuyến bay nhân đạo đưa hơn 219 công dân Việt Nam từ Guine Xích đạo về nước, trong đó có khoảng 100 người đã được xác định mắc COVID-19.
Đây là một chuyến bay rất thẳng khi phải đảm bảo an toàn cho phi hành đoàn, phòng tránh lây nhiễm khi trong không gian hẹp có nhiều bệnh nhân COVID-19.
Tuy nhiên, những thiết bị để đáp ứng không sẵn có, anh và đồng nghiệp phải tự tìm kiếm, tự chế tạo cải tiến các phương tiện, trang thiết bị phòng hộ, các biện pháp đảm bảo an toàn, từ việc tính toán các yếu tố thông gió tự nhiên, các luồng thông gió đến cải tiến các trang thiết bị phòng hộ cho phù hợp.
“Lúc nhận được thông báo toàn bộ đoàn đi đón các công dân về nước, từ bác sỹ, phi hành đoàn tiếp viên khỏe mạnh, không ai bị lây nhiễm, chúng tôi rất vui, cảm thấy những nỗ lực của mình đã đạt được thành công và tự cảm thấy rất hài lòng”, anh cho biết.
Người có duyên với... “vất vả”
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ, truyền nhiễm và hồi sức là 2 chuyên ngành rất vất vả và gian khổ, riêng ngành truyền nhiễm còn có sự nguy hiểm bởi sự lây lan của dịch bệnh. Bản thân anh cũng không thể ngờ rằng mình lại có cơ hội “ngẫu nhiên” với 2 ngành này đến vậy.
Là một bác sỹ chuyên ngành hồi sức, công việc không những vô cùng vất vả, gian khổ mà còn “rất nghèo”, song anh luôn thấy tự hào vì mình đã cứu sống được nhiều ca bệnh khó.
Nhắc tới những áp lực trong cuộc sống, công việc, anh trầm ngâm một lát và thừa nhận, áp lực thực sự rất nhiều. Là một trong những người đầu tiên cầm đường dây nóng khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, bác sỹ Cấp nhớ lại, anh vừa phải nhận cuộc gọi từ đường dây nóng vừa phải trực và điều trị gần 200 bệnh nhân, nhiều cuộc gọi đến giữa lúc đang cấp cứu bệnh nhân.
Chuyện sẽ là bình thường nếu hàng trăm cuộc gọi đó thực sự cần thiết để giải đáp thắc mắc của người bệnh, song đáng buồn, đa phần các cuộc gọi đều nhằm mục đích thử đường dây hoặc yêu cầu giải đáp các tò mò thắc mắc kiểu "virus này có lây qua đường tình dục không" thậm chí có người còn trêu chọc, tán gẫu, nói những câu chuyện không đầu, không cuối không liên quan gì tới dịch bệnh. “Trong 1 đêm, trong số hàng trăm cuộc gọi chỉ có 3 cuộc gọi thực sự “nóng” xin tư vấn tình huống dịch của 2 bệnh viện tuyến dưới và của 1 khách sạn”, bác sỹ Cấp nhớ lại.
Chưa kể, trong quá trình cấp cứu, điều trị, tư vấn cho bệnh nhân, bác sỹ nhận được rất nhiều sự lo lắng thái quá của người dân vì các thông tin sai lệch trên mạng xã hội khiến các bác sỹ phải tìm mọi cách giải thích, trấn an. Đặc biệt, nhiều trường hợp vào viện đòi bằng được xét nghiệm COVID-19 dù không có yếu tố dịch tễ cũng như dấu hiệu điển hình. Khi nhân viên y tế giải thích, họ còn nổi sung lên mắng chửi vì cho rằng nhân viên không “nhiệt tình”.
“Bên cạnh sự lo lắng thái quá, ở một số khác lại là thái độ không hợp tác khi bị cách ly. Theo đó, khi bị cách ly họ khó chịu, cáu kỉnh, có lời lẽ xúc phạm nhân viên y tế vì phải nằm trong bệnh viện, vì đồ ăn không sang, không ngon như ở ngoài, vì vào viện tù túng, không được đi chơi…”, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp trải lòng.
Áp lực không nhỏ song những tiến triển từ các ca bệnh mà anh và đồng nghiệp đang điều trị khiến anh quên đi mệt mỏi. “Thậm chí đã quá quen với áp lực nên giờ tự tôi cũng không còn cảm thấy stress nữa; công việc vất vả, chỉ cần có chút thời gian cho gia đình, hay chỉ cần được ngủ một giấc đầy thế đã là thoả mãn lắm”, vẫn nụ cười hiền ấy anh làm chúng tôi thấy xúc động vô cùng.
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho hay, bản thân có nhiều sở thích, nhưng vì áp lực công việc nên ít có thời gian thực hiện. Đặc biệt, có đam mê với nhạc cụ kèn, anh đã tự trang bị một chiếc kèn và mang theo vào bệnh viện trong những ngày chống dịch để có thể tập cho bớt căng thẳng. Nhưng việc điều trị bệnh nhân rất bận rộn và môi trường làm việc khiến anh cũng khó có lúc nào có không gian riêng tư để tập.
Khi được hỏi về cảm xúc của mình khi là 1 trong 10 cá nhân được tặng Danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” năm 2020, bác sỹ Nguyễn Trung Cấp chỉ cười và trước sau luôn luôn khiêm tốn và thấy may mắn vì bản thân được thay mặt mọi người nhận vinh dự. Bởi theo anh trong mùa dịch COVID-19 vừa qua, tất cả các nhân viên y tế ở mọi vị trí, mọi vai trò đều rất xuất sắc.
Câu chuyện của phóng viên với anh có lẽ sẽ còn tiếp tục nếu không có tiếng chuông điện thoại của phòng cấp cứu gọi anh tới hội chẩn một ca bệnh khó. Dù tạm biệt vội vàng, song ánh mắt ấm áp cùng cái bắt tay thật chặt của anh hẹn một ngày gần nhất để chia sẻ về vui buồn nghề y của anh khiến phóng viên hồi hộp chờ mong những câu chuyện hay từ anh - người bác sỹ tỏa sáng từ tâm.
Thu Thủy
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.
Phương Anh
15:41 22/11/2024(Thanh tra) - Ngày 21/11, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ hai năm 2024.
Phương Anh
21:05 21/11/2024Hương Giang
15:59 21/11/2024Phương Anh
14:35 21/11/2024Phương Anh
15:07 20/11/2024Nhật Minh
14:05 20/11/2024Trung Hà
Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam