Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần xây dựng kịch bản xét nghiệm trong tình huống toàn quốc có 30.000 người mắc COVID-19

Phương Anh

Thứ sáu, 14/05/2021 - 22:04

(Thanh tra)- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp trực tuyến ngày 14/5 về hướng dẫn triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 với các đơn vị thuộc và trực thuộc, Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: PH

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hiện có 175 phòng xét nghiệm thực hiện kỹ thuật Realtime RT-PCR, với công suất 65.793 mẫu (đơn)/ngày, trong trường hợp cần thiết có thể nâng công suất lên 1,5 - 2 lần để phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Trao đổi tại cuộc họp, các chuyên gia cho rằng, năng lực xét nghiệm của Việt Nam đã tăng cao so với đợt dịch trước. Tuy nhiên, bên cạnh số lượng tăng cường thì phải tăng cường chất lượng, do đó, việc lấy mẫu vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng, kết quả xét nghiệm.

Để làm được điều này đòi hỏi cán bộ lấy mẫu phải được tập huấn thường xuyên, phải đánh giá tập huấn cho nhân viên lấy mẫu, kiểm soát quá trình chất lượng lấy mẫu. Cùng với đó, vật liệu lấy mẫu, môi trường lấy mẫu phải phù hợp với kỹ thuật lấy mẫu.

Từ điểm cầu nơi thực hiện cách ly y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, với 175 phòng xét nghiệm là số lượng lớn nhưng phải đi đôi với chất lượng tốt, đảm bảo quy trình xét nghiệm (nội kiểm, ngoại kiểm) phải đúng quy định.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đơn vị, địa phương cần nâng cao và đảm bảo công suất xét nghiệm và tuân thủ theo Quyết định số 2022/QĐ-BYT ngày 28/4/2021, về việc ban hành hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2.

“Hiện một số cơ sở y tế, kể cả bệnh viện lớn vẫn chưa làm được xét nghiệm khẳng định Realtime RT-PCR. Trong khi đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở trên 300 giường bệnh bắt buộc có phòng xét nghiệm khẳng định. Do đó, đây là việc cấp thiết phải thực hiện để đảm bảo nâng cao năng lực xét nghiệm trên toàn quốc” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương cần nâng cao và đảm bảo công suất xét nghiệm . Ảnh: BYT

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có khả năng nâng công suất và mở rộng phòng xét nghiệm để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo vị đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới, chúng ta cần nghĩ đến chất lượng xét nghiệm. Hiện tại trên thế giới không có một kit nào đảm bảo 100% độ chính xác cao, mỗi một loại đưa ra các kết quả dương tính giả, âm tính giả là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để ngăn ngừa việc đó phải đảm bảo chất lượng ngay từ khâu lấy mẫu đến phòng xét nghiệm. Hiện tại, các phòng xét nghiệm đang rất áp lực, bởi vậy, chúng ta nên vận dụng mạng lưới các phòng xét nghiệm, chia sẻ công việc với nhau để tránh quá tải, cần tận dụng nguồn lực một cách tối ưu.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để tăng cường công tác xét nghiệm, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo đôn đốc, đề nghị các địa phương thực hiện tinh thần "4 tại chỗ".

Đến nay, Việt Nam có đầy đủ các kỹ thuật xét nghiệm để phát hiện, chẩn đoán vi rút SARS-CoV-2, bao gồm: Realtime RT-PCR để xét nghiệm khẳng định mắc COVID-19; test nhanh kháng nguyên và test nhanh kháng thể. Về năng lực xét nghiệm, công suất xét nghiệm của Việt Nam hiện nay cải thiện rất nhiều. Công suất xét nghiệm hiện nay đã tăng 2-3 lần so với các đợt dịch trước, có thể đạt khoảng 100.000 mẫu đơn/ngày. Tuy nhiên, với công suất xét nghiệm tăng cao đòi hỏi cần phải tăng cường nội kiểm, ngoại kiểm để nâng cao chất lượng xét nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đơn vị, địa phương, các cơ sở xét nghiệm cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ Y tế, lựa chọn phương án triển khai xét nghiệm phù hợp với địa phương, đơn vị mình; Cục Y tế dự phòng chủ động rà soát các hướng dẫn của Bộ Y tế cho phù hợp với nhu cầu xét nghiệm trong tình hình hiện nay. Cần xây dựng kịch bản xét nghiệm cụ thể, chi tiết trong tình huống toàn quốc có 30.000 người mắc; thành lập ngay tổ tư vấn để xây dựng hướng dẫn cụ thể hơn về xét nghiệm trong tình hình mới. Phối hợp Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức về xét nghiệm cho địa phương.

Lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý các địa phương cần chủ động, khẩn trương chuẩn bị máy móc, thiết bị cho nhu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo tinh thần "4 tại chỗ", không để thiếu hụt khi dịch lan rộng trong cộng đồng hay diễn biến dịch xấu hơn, việc mua bán cần công khai, minh bạch, tránh lãng phí, tiêu cực, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Lâm Đồng còn nhiều khó khăn

Công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại Lâm Đồng còn nhiều khó khăn

(Thanh tra) - Đánh giá chung việc thực hiện môi trường không khói thuốc trên địa bàn, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng cho biết công tác này còn gặp khó khăn do việc mua bán thuốc lá diễn ra khá dễ dàng, phổ biến, các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở cũng như không có thẩm quyền xử phạt…

Phương Anh

20:59 22/11/2024
Tăng cường thanh tra an toàn thực phẩm dịp cuối năm

Tăng cường thanh tra an toàn thực phẩm dịp cuối năm

(Thanh tra) -Thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn có cơ hội trà trộn vào thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Phương Anh

20:58 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm