Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các chuyên gia hiến kế quản lý hành nghề lĩnh vực y tế tại Tây Nguyên

Ngọc Giàu

Thứ bảy, 08/03/2025 - 13:30

(Thanh tra) - Các chuyên gia đầu ngành là lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý hành nghề thuộc lĩnh vực y tế.

Hội thảo y tế vùng Tây Nguyên chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý hành nghề thuộc lĩnh vực y tế được tổ chức ngày 8/3. Ảnh: NG

Ngày 8/3, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức Hội thảo y tế vùng Tây Nguyên chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý hành nghề thuộc lĩnh vực y tế.

Tham dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn; PGS.TS. Bác sĩ Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, BS Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, lãnh đạo Sở y tế các tỉnh khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: NG

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh, Tây Nguyên là khu vực có diện tích rộng, dân cư phân bố không đồng đều với đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa, việc tiếp cận y tế còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả công tác quản lý sẽ giúp xây dựng hệ thống quản lý hiện đại, thông suốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành y tế trong thời đại số hóa.

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị, hội thảo cần tập trung vào các nội dung: triển khai các văn bản quy định pháp luật của nhà nước liên quan đến hành nghề y dược thông qua việc phố biến tuyên truyền pháp luật cho các tổ chức cá nhân hành nghề y dược trên địa bàn tỉnh để chấp hành quy định của pháp luật; tiếp nhận và giải quyết các thủ tục liên quan đến hành chính công; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến hành nghề y, dược.

PGS.TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: NG

Tại hội thảo, các chuyên gia là lãnh đạo các Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế các tỉnh khu vực Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước đã có những chia sẻ kinh nghiệm, tham luận để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý hành nghề thuộc lĩnh vực y tế.

Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khẳng định, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ “dốc lòng” để chia sẻ, hỗ trợ cho ngành y tế Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ các đơn vị y tế khu vực Tây Nguyên trong công tác quản lý, khám chữa bệnh, qua đó thể hiện tình cảm, trách nhiệm của cán bộ y tế thành phố mang tên Bác với Tây Nguyên”, PGS.TS Tăng Chí Thượng khẳng định.

Các đại biểu tham dự Hội thảo y tế vùng Tây Nguyên chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý hành nghề thuộc lĩnh vực y tế. Ảnh: NG

Tại Hội thảo, các chuyên gia là lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế Đắk Lắk đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và những giải pháp trong công tác hành nghề y, dược. Theo đó, trước những thách thức về quy mô mạng lưới ngày càng phát triển; người dân khó tiếp cận thông tin, lựa chọn cơ sở phù hợp; cơ quan quản lý gặp khó khăn trong theo dõi và kiểm soát hoạt động hành nghề.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho hay, trên địa bàn thành phố có 9.911 cơ sở y tế, 10.517 cơ sở dược. Số người hành nghề y là 71.451 và 26.701 người hành nghề dược. Số cơ sở và người hành nghề lớn nhưng số nhân sự bộ phận thanh kiểm tra hạn chế. Chưa kể, một số cơ sở cố tình vi phạm và đối phó cơ quan quản lý. Do đó, phương thức cũ (phiếu chuyển cung cấp thông tin trong công tác xử lý) làm giảm hiệu quả công tác thanh kiểm tra.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, quy mô cơ sở và người hành nghề y tế lớn của thành phố còn gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý theo dõi và kiểm soát hoạt động hành nghề. Quá trình thẩm định, phê duyệt danh mục kỹ thuật mất nhiều thời gian và công sức, khó giám sát, kiểm tra. Trong khi đó, nhân sự bộ phận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. 

Gian hàng giới thiệu các dịch vụ y tế của Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột tại Hội thảo. Ảnh: NG

Trước khó khăn thách thức trên, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã đưa ra những bài học kinh nghiệm và chia sẻ nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó giải pháp chủ yếu được đề cập đến là chuyển đổi số các hoạt động quản lý hành nghề, gồm: chuyển đổi số trong quản lý hành nghề khám chữa bệnh; chuyển đổi số trong đăng ký và phê duyệt danh mục kỹ thuật; chuyển đổi số trong đánh giá chất lượng cơ sở y tế; chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra; chuyển đổi số trong quản lý nhân sự; chuyển đổi số trong khảo sát không hài lòng người bệnh; chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu sức khỏe; chuyển đổi số trong hoạt động điều phối thuốc cấp cứu…

Trong bối cảnh hiện nay, công tác quản lý hành nghề thuộc lĩnh vực y tế có nhiều thách thức khi phải quản lý số lượng “khủng” cơ sở y tế, cơ sở dược và cả những người hành nghề y, dược. Hội thảo y tế vùng Tây Nguyên là dịp để lãnh đạo sở y tế các tỉnh, thành cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề “nóng” trong lĩnh vực y tế, cần được quan tâm hiện nay. Từ đó đề ra các mô hình, giải pháp hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý ngành.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề

Tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề

(Thanh tra) -Trong năm 2024, Chương trình chống lao Quốc gia đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ điều trị thành công cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh lao còn nhiều khó khăn, tình hình dịch tễ bệnh lao ở nước ta còn rất nặng nề.

Phương Anh

20:50 24/03/2025

Tin mới nhất

Xem thêm