Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Báo Nga kêu gọi vận dụng thành công của Việt Nam để chống COVID-19

​Theo TTXVN/Vietnam+

Thứ năm, 30/04/2020 - 21:20

Báo “Luận chứng và Sự kiện” của Nga ngày 30/4 đặt câu hỏi liệu Nga có thể vận dụng bài học thành công của Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 hay không.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình tặng hoa chúc mừng bệnh nhân được chữa khỏi bệnh. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, báo “Luận chứng và Sự kiện” của Nga ngày 30/4 đăng bài viết với nhan đề “Nguyên nhân Việt Nam có thể xử lý đại dịch COVID-19 ngay từ trong trứng nước,” trong đó đặt câu hỏi liệu Nga có thể vận dụng bài học thành công của Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 hay không.

Bài báo nhấn mạnh với 96 triệu người trên diện tích chỉ 331.700 m2, Việt Nam có mật độ dân cư rất đông và hoàn toàn không phải là một quốc gia nhỏ bé như Singapore.

Nếu xét về nguyên tắc, giống như Italy, đại dịch COVID-19 sẽ buộc hàng chục nghìn người Việt Nam phải nhập viện, song điều này đã không xảy ra.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chỉ ghi nhận 270 ca mắc bệnh và không có trường hợp tử vong. Trong khi đó, tại các nước phát triển ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ, hàng triệu người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và hàng trăm nghìn bệnh nhân tử vong.

Theo báo trên, ca mắc COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam được ghi nhận ngày 23/1. Bệnh nhân là một người đàn ông lớn tuổi người Trung Quốc, từ thành phố Vũ Hán-nơi khởi phát dịch COVID-19 - đến Hà Nội thăm con trai và lây bệnh cho con trai. Cả hai sau đó nhập viện điều trị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Người con trai xuất viện sau một tuần, còn người bố nằm viện 20 ngày.

Tiếp đó, các công dân Việt Nam làm việc tại Trung Quốc trở về nhà. Đến ngày 7/2, Việt Nam có 13 bệnh nhân mắc COVID-19, số người nhiễm tăng nhanh. Tất cả các trường học được yêu cầu đóng cửa, và Chính phủ Việt Nam nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trong thời gian ngắn nhất, các thiết bị tân tiến đã được cung cấp cho bệnh viện (kể cả máy thở), các bác sĩ giỏi nhất đã được huy động, số giường bệnh được tăng lên. Báo trên nhấn mạnh Việt Nam tuy không nổi tiếng về hệ thống y tế hiện đại như Nhật Bản hay Hàn Quốc, nhưng chính phủ nước này không đắn đo trong vấn đề tài chính.

Điều này có thể đã được rút kinh nghiệm sau sự bùng phát của Hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2003 tại Việt Nam, với 63 ca nhiễm bệnh và 5 ca tử vong. Mặc dù số người mắc COVID-19 không nhiều, nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn đi đến kết luận rằng chuỗi lây nhiễm cần chấm dứt càng nhanh càng tốt và bằng mọi cách có thể.

Cũng giống như ở Moskva, khách du lịch từ vùng dịch đến Việt Nam đều buộc phải cách ly. Các cơ quan thực thi pháp luật truy dấu tiếp xúc của tất cả những người mắc bệnh, và việc xét nghiệm COVID-19 được áp dụng ngay lập tức và ở mọi nơi.

Người dân Việt Nam bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Khẩu trang sớm xuất hiện ở tất cả các hiệu thuốc với giá thấp nhất (không như Nga, Mỹ và châu Âu) và thậm chí nhiều tình nguyện viên còn phân phát khẩu trang miễn phí trên đường phố.

Việt Nam cũng ngừng các chuyến bay đến các quốc gia có dịch COVID-19 và hạn chế di chuyển trên toàn quốc bằng cách tạm đình chỉ các tuyến xe buýt liên tỉnh.

Thời gian người bệnh bị cách ly tăng từ 14 lên 20 ngày và thậm chí là 40 ngày trong một số trường hợp. Ngày 16/3, khi số người mắc bệnh chạm mức 60 trường hợp, Việt Nam đã áp dụng biện pháp cách ly cộng đồng.

Từ ngày 1/4, Việt Nam cấm các hoạt động giải trí nơi công cộng, theo đó các trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, quán cà phê và khu nghỉ mát bên bờ biển phải đóng cửa, người dân được yêu cầu ở trong nhà. Cảnh sát bắt giữ 150 người phát tán thông tin sai lệch về dịch COVID-19 trên mạng Internet, trong đó có nhiều người quảng cáo bán "thần dược" chữa căn bệnh này. Nhờ có những phản ứng nhanh chóng và các biện pháp kiên quyết, tình trạng lây lan COVID-19 tại Việt Nam chậm lại đáng kể.

Theo báo trên, có thể nói Việt Nam đã "bóp nghẹt" COVID-19 ngay từ trong trứng nước. Trong tuần qua, Việt Nam ghi nhận thêm trường hợp mắc COVID-19 nào. Ngày 23/4, Việt Nam đã chính thức tuyên bố nới lỏng giãn cách xã hội. Ở các thành phố lớn, thương nhân được phép nối lại hoạt động kinh doanh trên phố, các nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại và nhiều trường học đã tiếp tục công tác giảng dạy.

Mặc dù vậy, các quán karaoke, trung tâm mua sắm lớn, vườn bách thú và sân vận động vẫn đóng cửa. Người dân vẫn được yêu cầu đeo khẩu trang và duy trì khoảng cách xã hội tối thiểu 2m. Một số khu vực tại Hà Nội được xác định là những nơi “có nguy cơ cao” tiếp tục áp dụng cách ly đến ngày 30/4. Thủ tướng Việt Nam luôn nhắc nhở người dân không chủ quan trong công tác phòng dịch.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam - ông Kidun Park đánh giá Việt Nam đã thành công trong cuộc chiến chống COVID-19, đồng thời cho rằng phản ứng sớm với đại dịch là yếu tố chính dẫn đến thành công.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm