Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 03/12/2013 - 07:59
(Thanh tra)- Dù đã có nhiều bằng chứng khẳng định vắc xin Quinvaxem “vô can” trong việc dẫn tới tử vong của một số trường hợp trẻ em sau tiêm, tuy nhiên, trong dư luận vẫn còn đó những băn khoăn bởi nguyên nhân gây ra cái chết sau tiêm chủng trong một số trường hợp không được giải thích rõ ràng…
Cháu Đào Thị Như Mai sau các cơn co giật. Ảnh (chụp tại Khoa Thần kinh, BV Nhi Trung ương sáng ngày 26/11/2013): Ngân Hà
Cháu Nguyễn Huy Nhật, sinh ngày 7/9/2012, tại thôn Tân Lập, xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Trong quá trình nằm trong bụng mẹ đến lúc sinh ra, cơ thể cháu phát triển bình thường, nặng 2,8kg. Vào lúc 9 giờ 30 ngày 12/11/2012, cháu được gia đình đưa đến trạm y tế của xã để tiêm vắc xin “5 trong 1”. Đến 16 giờ cùng ngày, cháu có những biểu hiện bất thường như cơ thể tím tái, sùi bọt mép, khó thở. Gia đình đưa cháu đến trạm y tế của xã, rồi Bệnh viện (BV) Đa khoa huyện Cẩm Thủy, tiếp đến là BV Đa khoa khu vực Ngọc Lặc để cấp cứu. Cháu được chẩn đoán là suy hô hấp nặng. Sáng ngày 13/11/2012, cháu tiếp tục được chuyển xuống BV Nhi Thanh Hóa. Tại đây, các BS kiểm tra và đưa ra một kết luận khác: Cháu bị bệnh tim bẩm sinh và thoát vị cơ hoành! Theo lời khuyên của bác sĩ, cháu được gia đình đưa về nhà để chủ động lo hậu sự vì bệnh tình quá nặng và đã mất trên đường đi.
Ngày 5/11/2013, cháu Hồ Thị Ka Rai, hơn 2 tháng tuổi, ở bản Pa Roi, xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, được gia đình đưa đến tiêm vắc xin Quinvaxem tại cơ sở y tế vùng Lìa. Sau khi tiêm khoảng 1 giờ, cháu có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú và buồn nôn, người tím tái, được đưa đến BV Đa khoa Hướng Hóa cấp cứu. Sau đó, chuyển tiếp đến BV Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Đến ngày 10/11/2013, cháu Rai tử vong. Nguyên nhân được các BS đưa ra là “viêm phổi và suy hô hấp nặng”.
7 giờ 30 phút ngày 24/11/2013, cháu Trần Mỹ Ngọc, 5 tháng tuổi ở ấp Vĩnh Tường, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, được tiêm vắc xin Quinvaxem mũi 1 tại trạm y tế xã. Sau 4 giờ, bé tím tái, gia đình đưa đến Trạm Y tế xã Vĩnh Thanh rồi chuyển đến BV Đa khoa Phước Long. Cháu được điều trị tích cực nhưng tử vong lúc 15 giờ 30 cùng ngày. Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu cùng đại diện Trung tâm Y tế dự phòng, Công an huyện Phước Long và UBND xã Hưng Phú đã đến BV lập biên bản, giải thích cho người nhà biết nguyên nhân tử vong là do “sốc thuốc tiêm phòng ngừa 5 trong 1”, đồng thời gợi ý gia đình nhận tiền hỗ trợ mai táng!
Hay như trường hợp cháu Đào Thị Như Mai, 10 tháng tuổi, ở thôn Hòa Mỹ, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, mà Báo Thanh tra từng phản ánh. Cháu được tiêm vắc xin “5 trong 1” mũi 3 vào hồi 8 giờ 30 ngày 4/11/2013, sau đó bị co giật và được đưa cấp cứu tại BV Nhi Trung ương.
TS.BS Cao Vũ Hùng. Ảnh (chụp tại Khoa Thần kinh, BV Nhi Trung ương ngày 26/11/2013). Ảnh: Ngân Hà
Tuy nhiên, ngay buổi chiều và đêm ngày 26/11, cháu lại lên cơn co giật tới… 12 lần. Ngày 27/11, còn 6 lần. Ngày 28/11, còn 1 lần. Từ ngày 29/11 đến nay thì lại cắt cơn!
Trước thực tế trên, gia đình cháu hết sức băn khoăn và càng lo lắng khi biết rằng, tỷ lệ chữa khỏi bệnh động kinh hiện tại chỉ đạt khoảng 60%. Không may, cháu rơi vào 40% không thể chữa khỏi còn lại thì cuộc đời sẽ ra sao trong khi cháu chưa tròn 1 tuổi đời?
Đại diện gia đình, ông Trần Văn Bé cho biết, không thể yên tâm khi bệnh tình của cháu kéo dài, lúc tăng, lúc giảm và việc cháu liên tục bị co giật sau tiêm vắc xin “5 trong 1” là một thực tế, nhưng nguyên nhân chính lại không được cơ quan chuyên môn (đại diện lãnh đạo và Trưởng khoa Thần kinh - BV Nhi Trung ương) khẳng định rõ. Gia đình đã có đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng (lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội; Chánh Thanh tra và Bộ trưởng Bộ Y tế…) mong mỏi sẽ có một hội đồng chuyên môn đủ thẩm quyền kiểm tra, xem xét, đánh giá chính xác nguyên nhân gây bệnh. Dù là hãn hữu và bất khả kháng, nhưng nếu thực sự bệnh tình của cháu là do phản ứng với vắc xin “5 trong 1” hay vì cán bộ chuyên môn bất cẩn (hoặc non yếu về nghiệp vụ) trong khâu khám sàng trước khi tiêm thì ngành Y tế cần có các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với từng khâu trong quy trình tiêm chủng để chặn đứng các hậu họa khó lường, đồng thời đề xuất để Nhà nước có chính sách đặc biệt trong chạy chữa, chăm sóc các bệnh nhi bị di chứng dai dẳng (trường hợp của cháu Đào Thị Như Mai có thể kéo dài suốt đời), hoặc gia đình có bệnh nhi tử vong sau tiêm chủng…
Thiết nghĩ, mong mỏi của đại diện gia đình cháu Đào Thị Như Mai là chính đáng. Đây cũng là mong mỏi chung của các gia đình có bệnh nhi tử vong sau các đợt tiêm chủng vừa qua với các lý giải về nguyên nhân thiếu sức thuyết phục. Hy vọng các cơ quan chức năng ngành Y tế quan tâm, sớm có trả lời chính thức.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80 trường hợp tử vong tại 33 tỉnh, thành phố. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Phương Anh
19:32 13/12/2024(Thanh tra) - Nhiều người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại Việt Nam và Mỹ sẽ được thử nghiệm lâm sàng thuốc miễn dịch đường uống điều trị ung thư RBS2418.
Chính Bình
11:00 13/12/2024Phương Anh
13:28 12/12/2024Hải Hà
17:09 11/12/2024Phương Anh
21:31 10/12/2024Phương Anh
08:10 09/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền