Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Anh
Thứ sáu, 03/01/2025 - 15:46
(Thanh tra) - Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang tới gần. Đây cũng là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả được trà trộn đưa vào thị trường. Chính vì vậy, an toàn thực phẩm dịp Tết là vấn đề rất được quan tâm.
Các cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm. Ảnh: IT
Trên thực tế, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết là câu chuyện được đề cập thường xuyên mỗi dịp Tết đến Xuân về. Vào thời điểm này, người dân thường tiêu thụ một khối lượng lớn các thực phẩm từ hàng tươi sống, đồ khô cho tới các sản phẩm đồ uống. Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp Tết, thị trường thực phẩm càng sôi động, đa dạng về chủng loại, mẫu mã.
Vì lợi ích kinh tế, lợi nhuận cao, nhiều chủ cơ sở kinh doanh kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm bằng cách thay đổi bao bì và dập hạn sử dụng mới. Thậm chí, vào dịp Tết, những sản phẩm này thường được lồng vào các hộp quà tặng gói sẵn nên khó kiểm tra được hạn sử dụng.
Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn… nhưng số vụ vi phạm vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn đang gia tăng khiến người tiêu dùng không khỏi bất an.
Chị Mai Thị Len ở quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết, mỗi dịp Tết gia đình chị thường có các buổi tụ họp gia đình từ các miền Nam ra và các anh, chị ở dưới quê lên. Không những thế chị còn mua các phần quà tết để biếu cho các gia đình nữa. Do vậy lượng thực phẩm gia đình dùng khá nhiều. Cũng như nhiều gia đình khác, chị Len cũng đau đầu khi phải lựa chọn các sản phẩm an toàn cho gia đình và người thân. Rất mong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm có tâm để người tiêu dùng yên tâm vui chơi đón Tết.
Ở góc độ người sản xuất, bác Lê Văn Ơn, Phù Cừ, Hưng Yên - hộ gia đình chuyên làm giò, chả cung cấp cho người dân trên địa bàn cho biết, nhiều năm qua gia đình bác luôn cố gắng sản xuất thực phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt vào mỗi dip lễ Tết thì nhu cầu tiêu thụ của người dân nhiều hơn. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho khách hàng và cho chính gia đình mình, bác Ơn đặc biệt lưu ý các thành viên cẩn thận, kiểm soát từng công đoạn để có sản phẩm chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.
Thực tế người tiêu dùng có cơ sở để lo lắng khi trong năm 2024, theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình ngộ độc thực phẩm có diễn biến phức tạp, đặc biệt tại bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học, và do thức ăn đường phố. Thống kê trong 11 tháng năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.726 người mắc và 21 trường hợp tử vong.
Theo Bộ Y tế, trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm, có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên, chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ; 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật, và 37 vụ chưa xác định được nguyên nhân. Trước tình hình đó, năm 2024, Bộ Y tế đã tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm.
Cũng theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2024, toàn ngành Y tế (tại Trung ương và địa phương) đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 41% số cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023).
Trong đó, phạt tiền 6.658 cơ sở, với số tiền phạt hơn 33,5 tỷ đồng. Số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, cùng với đó số tiền phạt cũng tăng 1,69 lần.
Những con số trên đã cho thấy tình trạng mất an toàn thực phẩm đang ở mức rất đáng báo động bởi vi phạm về an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo đánh giá, hiện nay chúng ta đã xây dựng một hệ thống văn bản pháp luật rõ ràng, đủ chế tài, đủ sức răn đe. Vấn đề xử lý vi phạm đối với lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được áp dụng theo các quy định tại Luật An toàn thực phẩm; Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; Nghị định 124/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2018/NĐ-CP và Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào quy định pháp luật, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội Xuân 2025 phục vụ Nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, đồng thời đảm bảo phát triển và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm yêu cầu các địa phương cần thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời xử lý các vi phạm. Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã từ ngày 20/12/2024 – 25/3/2025 trên phạm vi cả nước. Trong đó, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Tại Trung ương, Ban Chỉ đạo sẽ lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu huy động mọi nguồn lực, mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định về an toàn thực phẩm, kiến thức về an toàn thực phẩm; huy động toàn xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2025…
Để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng trong dịp Tết, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng khuyến cáo mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn thông tin nhà sản xuất; không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng. Hạn chế sử dụng bia rượu phòng gây ngộ độc để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón một cái Tết an toàn, vui tươi, hạnh phúc.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Mới đây, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (Thành phố Hồ Chí Minh) đã ban hành quyết định xử lý vi phạm đối với Công ty CP Dược phẩm Trung ương 2 tại gói thầu số 2: gói thầu thuốc generic năm 2024-2025…
Chu Tuấn
(Thanh tra) - Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh giao Sở Y tế xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, đồng thời công khai kết quả kiểm tra để người dân giám sát.
Hải Hà
Trần Kiên
TC
Phương Anh
TC
Trọng Tài
PV
Nguyễn Điểm
Hoàng Nam
Hoàng Hiệp
N. Phó - L. Bình
Trần Kiên
Hương Trà
Hoàng Long
Phương Anh