Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.

Ước tính khoảng 85 triệu người tham gia BHYT

Theo Nghị quyết 68/2013 ngày 29/11/2013, Quốc hội giao chỉ tiêu “bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT”.

Để đạt mục tiêu này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tích cực làm việc, phối hợp với HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp để bàn bạc thống nhất, triển khai các giải pháp phát triển đối tượng.

Tăng cường truyền thông chính sách, tiếp tục cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT. Thực hiện hướng dẫn việc tham gia BHYT hộ gia đình theo hướng khuyến khích 100% thành viên tham gia đầy đủ trong năm tài chính để được giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định.

BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH tỉnh, TP tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT. Tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động của các đại lý thu để kịp thời chấn chỉnh sai sót, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn…

Từ thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp, tỷ lệ bao phủ BHYT đã tăng lên rõ rệt. Tính đến hết năm 2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Đặc biệt, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình là 15,7 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với năm 2017.

Năm 2019, Chính phủ ước tính, toàn quốc có khoảng 85 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng và Quốc hội giao. Trong đó, có 22 tỉnh, TP có tỷ lệ bao phủ BHYT ước trên 90% dân số; 12 tỉnh, TP ước trên 88% đến dưới 90% dân số và 29 tỉnh, TP ước dưới 88,1% dân số.

Còn tư tưởng “khi nào ốm đau mới tham gia BHYT”

Từ những kết quả đạt được, Chính phủ đặt mục tiêu có trên 90% dân số tham gia BHYT vào năm 2020. Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ, trong phát triển người tham gia BHYT còn một số khó khăn, vướng mắc như công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhưng một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH, hình thức tuyên truyền chưa phù hợp với đối tượng dẫn tới hiệu quả chưa cao.

Một bộ phận người dân chưa nhận thức đúng, đầy đủ về chính sách BHYT, chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, thậm chí có “tư tưởng lựa chọn ngược, chỉ khi nào ốm đau mới tham gia BHYT”.

Chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, nhất là y tế tuyến cơ sở. Người dân vẫn còn chưa hài lòng về thủ tục trong khám chữa bệnh, trong chuyển tuyến, thanh toán BHYT.

Đáng lưu ý, “tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT của một số chủ sử dụng lao động vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương”. BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 15/9, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp phát hiện, 23.285 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian tham gia; 25.990 lao động đóng không đúng mức quy định. Qua đó, đã thu hồi về quỹ BHYT số tiền 57.403 triệu đồng…

Để đạt được mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHYT, Chính phủ xác định rõ các nhiệm vụ. Đó là, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT…

Tăng cường thanh tra đơn vị có dấu hiệu vi phạm 

Chính phủ đề nghị Quốc hội chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã được Thủ tướng giao; bảo đảm ngân sách mua thẻ BHYT cho các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ 100%, ưu tiên bố trí ngân sách để hỗ trợ hộ gia đình cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình tham gia BHYT; thúc đẩy bao phủ BHYT với học sinh, sinh viên; bố trí nguồn ngân sách địa phương thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế xã và tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực y tế.

Đi vào giải pháp cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT với những đổi mới về nội dung, hình thức phù hợp, hấp dẫn với người dân, từng nhóm đối tượng.

Phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT theo hướng chuyên nghiệp, đào tạo kỹ năng, phương pháp tiếp cận người dân cho đại lý thu để vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Nhất là, “tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu vi phạm về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHYT; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”, bà Tiến nhấn mạnh.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo BHXH các tỉnh tập trung phát triển đối tượng tham gia BHYT; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT; tăng cường kiểm soát việc giải quyết các chế độ BHXH, chi phí khám chữa bệnh BHYT; kịp thời xử lý và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

“Rất mong các cơ quan của Quốc hội tăng cường giám sát việc tuân thủ, thực hiện chính sách pháp luật về khám chữa bệnh và BHYT, quan tâm đến địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị.

Trần Kiên