Học sinh tăng… “chóng mặt”

Ông Lê Hồng Chung - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2019-2020, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh, toàn TP có 2.748 trường mầm non và phổ thông với hơn 2 triệu học sinh.

Ở năm học 2019-2020, tuy số học sinh vào lớp 6 chỉ tăng 2.000, học sinh vào lớp 10 giảm 4.000 so với năm trước nhưng tổng thể vẫn tăng trên 25.000 học sinh. Đặc biệt, số lượng học sinh vào lớp 1 vẫn tăng khoảng 30.000 so với số lượng học sinh lớp 5 vừa chuyển cấp.

Tình trạng "đầu vào" tăng hàng chục nghìn so với "đầu ra" đã xảy ra nhiều năm nay, đặc biệt là ở bậc tiểu học. Phụ huynh Hà Nội đã từng “choáng váng” khi chứng kiến 1 lớp học của con em mình sĩ số từ 60-70 học sinh/lớp.

Với tốc độ gia tăng dân số nhanh, những năm trước quận Hoàng Mai cũng là địa bàn "nóng" về tình trạng trường lớp quả tải. Còn nhớ, năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai lập kỷ lục về số lượng học sinh lớp 1 với hơn 1.000 em ở 23 lớp. Quá tải học sinh đã khiến Trường Tiểu học Chu Văn An phải tổ chức mô hình học 4 buổi/tuần thay vì 5 buổi/tuần như các trường khác.

Không chỉ quận Hoàng Mai mà ở quận Thanh Xuân, Cầu Giấy cũng xảy ra tình trạng tương tự. Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân) lên đến gần 70 học sinh/lớp; Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Cầu Giấy) sĩ số lên đến 68 học sinh/lớp, Tiểu học Dịch Vọng (Cầu Giấy) 60 học sinh/lớp.

Ở năm học 2020-2021 tình hình có được cải thiện? Liên quan đến vấn đề này, ông Chung chia sẻ, theo báo cáo nhanh tổng hợp số liệu từ các quận, huyện, thị xã, năm nay Hà Nội có 2.792 trường mầm non, phổ thông với 62.223 nhóm lớp, hơn 2,1 triệu học sinh.

"So với cùng kỳ năm trước tăng 44 trường, tăng 1.792 nhóm lớp và tăng 67.594 học sinh" - ông Chung nói và cho biết thêm, trẻ mẫu giáo 5 tuổi sẽ có 168.000 trẻ (tương đương năm học trước), lớp 1 có 167.113 em (tăng 9.565 em); tuyển sinh lớp 6 có 135.320 em (tăng 6.298 em).

Giải bài toán cho tình trạng quá tải

Như vậy so với năm học trước, số học sinh trên địa bàn TP tiếp tục tăng gần 68 nghìn em. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tránh nguy cơ quá tải?

Để giải quyết bài toán này, nhiều trường học đã được xây mới. Sở GD&ĐT cho biết, các quận, huyện, thị xã đã đầu tư xây mới, thành lập 38 trường học các cấp với kinh phí hơn 1.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đầu tư 445 tỷ đồng chống xuống cấp cho 72 trường.

Ông Nguyễn Thế Sơn - quyền Trưởng phòng Tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ thêm, năm học này tăng gần 68 nghìn học sinh, TP và các quận, huyện, thị xã đã quan tâm đầu tư xây mới 25 trường công lập, 19 trường tư thục, cải tạo, xây mới gần 5.200 phòng.

“Đáng chú ý, quận Hà Đông là điểm sáng trong xây dựng trường lớp. Quận đã xây mới 5 trường công lập (1 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS) và 3 trường tư thục. Với khối THPT, năm nay TP cũng đầu tư xây mới 1 trường công lập là Trường THPT Khương Đình (quận Thanh Xuân) và 3 trường THPT tư thục” - ông Sơn nói.

Riêng quận Hoàng Mai - một trong những điểm “nóng” trong mùa tuyển sinh trước về tình trạng quá tải chỗ học, năm nay theo ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, áp lực trường, lớp ở Hoàng Mai sẽ giảm nhiệt, không đông đúc như mọi năm. Quận đã xây thêm 6 trường mới, giảm tải rõ rệt số học sinh trong trường và số học sinh trong lớp.

Chia sẻ thêm về nguyên nhân dẫn tới áp lực trường lớp ở quận Hoàng Mai, ông Học phân tích: Áp lực giáo dục Hà Nội nói chung và quận Hoàng Mai nói riêng rất rõ. Với quận Hoàng Mai, từ ngày thành lập đến nay hơn 10 năm, mỗi năm dân số quận tăng 1 phường. 10 năm thì tăng 10 phường, 1 phường bao nhiêu người? Khi dân số tăng, học sinh tăng nên câu chuyện trường lớp ngay lúc đó chưa thể giải quyết được, sẽ có câu chuyện quá tải. Đây là việc phải gỡ dần dần...

Rõ ràng, với số lượng học sinh tăng “chóng mặt” hàng năm thì việc đảm bảo trường, lớp học là bài toán khó đặt ra cho TP Hà Nôi. Bên cạnh xây dựng cơ sở mới, về lâu dài, Hà Nội cần có quy hoạch mạng lưới trường lớp hợp lý, khoa học để phù hợp với định hướng phát triển chung của Thủ đô.

Hải Hà