Phải “gồng” đến kiệt sức

Theo Sở Du lịch, trên địa bàn tỉnh có 138 DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 118 DN kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Đầu năm 2021, do dịch Covid-19 nên hoạt động lữ hành gặp rất nhiều khó khăn, đến nay, tất cả các DN chuyên về thị trường inbound (khách quốc tế đến Khánh Hòa) và outbound (khách đi ra nước ngoài) đều đã dừng hoạt động.

Trong khi đó, các DN chuyên phục vụ khách nội địa cũng gặp khó khăn không kém, do dịch ở nhiều địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn và đang diễn ra phức tạp, kéo dài. Hàng loạt cơ sở lưu trú, điểm đến, khu du lịch ở Khánh Hòa hiện nay hầu như không có khách và phải đóng cửa. Một số cơ sở còn hoạt động nhưng lượng khách chưa đạt 1% công suất.

Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú, cho biết: Hiện nay, dịch không chỉ diễn ra trong nước mà ở nhiều nước trên thế giới rất phức tạp, chưa thể kiểm soát. Do đó, hoạt động lữ hành quốc tế “đóng băng” và DN lữ hành quốc tế tê liệt “ngủ đông” là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, hoạt động lữ hành nội địa cũng hầu hết tạm dừng vì du khách chọn cách “ở yên tại chỗ”. Sau một thời gian gắng gượng, DN buộc phải chọn cách “ngủ đông” hoàn toàn để chờ đến khi hết dịch thì mới mở cửa trở lại. Biết là ngừng hoạt động thì kéo theo nhiều hệ lụy như: Lao động mất việc, thượng hiệu bị ảnh hưởng… nhưng không còn lựa chọn khác.

Không chỉ hoạt động lữ hành gặp khó mà đến nay các cơ sở lưu trú, khu du lịch, điểm tham quan lu lịch cũng đối diện với rất nhiều khó khăn. Ông Phạm Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang, cho biết: Hiệp hội Du lịch Nha Trang, Khánh Hòa hiện nay có 62 đơn vị (khách sạn, khu du lịch, điểm đến du lịch…), nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hầu hết đều đã tạm dừng hoạt động, số ít chỉ hoạt động cầm chừng. Riêng khu du lịch Hòn Tằm (Công ty Hòn Tằm biển Nha Trang) đã đóng cửa từ ngày 17/5 do không có khách. Một số khu du lịch lớn như: Khu vui chơi giải trí Vinpearl, Khu du lịch Long Phú, Khu du lịch Yang Bay… và hàng loạt khách sạn 4, 5 sao cũng đã đóng cửa.

Một lượng lớn lao động du lịch mất việc làm và rơi vào khó khăn. Khu du lịch Hòn Tằm có 600 lao động thì gần 500 lao động phải nghỉ việc, hơn 100 lao động còn làm việc nhưng lương thấp hoặc buộc nghỉ chờ việc. DN cũng rất muốn tạo điều kiện cho người lao động, nhưng do dịch Covid-19 kéo dài, DN phải cố “gồng”, “gánh” đến kiệt sức. Nếu dịch vẫn tiếp tục thì nhiều DN du lịch sẽ phá sản.

Cần có chính sách hỗ trợ kịp thời

Theo báo cáo của Sở Du lịch, năm 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa chỉ đón hơn 1,24 triệu lượt khách du lịch, giảm gần 82,3%. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn đến DN du lịch do lượng khách đến Khánh Hòa tiếp tục giảm sâu.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Chia sẻ khó khăn với DN, đặc biệt là DN du lịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở, ngành kịp thời để hỗ trợ, vượt qua khó khăn do đại dịch. Phương án hỗ trợ được tiến hành trên tất cả các mặt với nhiều sở, ngành tham gia. Đối với vấn đề tài chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN; chương trình bình ổn thị trường để DN được tiếp cận chính sách tháo gỡ khó khăn của ngành Ngân hàng, nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi. Đến đầu năm 2021, dư nợ cho vay ưu đãi DN của tỉnh đạt 5.366 tỷ đồng. Ngành Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như: Giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Về vấn đề hỗ trợ DN du lịch vượt qua khó khăn hiện nay, ông Phạm Minh Nhựt, cho rằng: Thị trường du lịch hiện nay phục hồi là rất khó vì dịch vẫn tiếp tục lan rộng. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa và Chính phủ cần hỗ trợ, tạo điều kiện để DN du lịch được mua và tiêm vắcxin Covid-19. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ DN du lịch giảm giá điện, giãn nợ thuế, bảo hiểm xã hội, giảm lãi vay… Cần tạo điều kiện cho DN du lịch tiếp cận gói hỗ trợ lương lao động thất nghiệp vì Covid-19 của Chính phủ (hiện tại Khánh Hòa mới chỉ có 3 DN tiếp cận được với gói hỗ trợ này).

Trong khi đó ông Trần Minh Đức, Chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, cho rằng: Trước đây, DN du lịch phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa đã bỏ ra rất nhiều kinh phí để triển khai kích cầu du lịch, điều này cũng rất tốt và có hiệu quả nhất định. Tuy nhiên tình hình chung dịch đang bùng phát, thay vì dùng kinh phí kích cầu du lịch, thì hiện nay Khánh Hòa nên dùng số tiền này mua vắc xin tiêm cho lao động du lịch thì tốt hơn. Bởi chỉ khi dịch được đẩy lùi và kiểm soát thì việc kích cầu du lịch cũng hãy đồng thời triển khai.

Một số hình ảnh các điểm du lịch, cơ sở lưu trú tuyến biển Khánh Hòa vắng khách:

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

 

CTV Thanh Hòa