Không biết bơi vẫn đi bộ ở đáy biển

Theo tour đến vịnh Nha Trang - Khánh Hòa vào những ngày cuối năm, được tận mắt chứng kiến phong cảnh thiên nhiên biển lặng, trời xanh với những bãi tắm nước xanh trong, cát trắng mịn rất tuyệt. Anh Nguyễn Tài - hướng dẫn viên giới thiệu: “Tới vịnh Nha Trang mà không trải nghiệm đi bộ dưới đáy biển, ngắm san hô, vui đùa cùng các loài cá và hàng nghìn loại sinh vật thì tiếc lắm”. Nghe anh Tài giới thiệu, mấy chục du khách trong đoàn ai cũng ngạc nhiên và đặt câu hỏi “không biết bơi sao đi bộ dưới biển được?” và "đi bộ dưới đáy biển bằng cách nào?". Sự tò mò cùng với mong muốn và háo hức trải nghiệm nên chúng tôi đề nghị anh Tài cho chúng tôi tiếp cận loại hình du lịch này.

Sau nửa giờ lướt sóng, tàu chúng tôi cũng đã đến đảo San Hô nơi có dịch vụ bơi lặn đi bộ dưới đáy biển do Công ty Việt Asian đầu tư. Tại đây, chúng tôi được những thợ lặn hướng dẫn cách tiếp xúc với nước, và xuống đáy biển ngắm san hô, chơi đùa cùng nước. Tôi thuộc người “sợ nước” vì không biết bơi, nhưng nhiều thợ lặn tại đây động viên thử một lần cho biết.

“Anh cứ yên tâm thử đi. Đơn giản lắm, trẻ em 6 tuổi, người già trên 70 tuổi dù không biết bơi còn lặn được thì anh sợ gì”, anh Nguyễn Phi Hùng, Đội trưởng đội bơi Công ty Việt Asian khích lệ.

Biết không thể từ chối, tôi quyết định xuống “thám hiểm” đi bộ dưới lòng biển. Theo đó, khi nước biển ngập ngang vai, người thợ lặn đồng hành bảo tôi dừng lại và đội lên đầu một chiếc mũ giống hệt phi hành gia chuẩn bị thám hiểm vũ trụ.

Đông đảo du khách đến tham quan đảo Vịnh San Hô. Ảnh: Xuân Hướng

 

Chiếc mũ này nặng gần 40kg, vậy mà khi xuống nước bỗng trở thành chiếc phao nhẹ hẫng. Lần theo bậc cầu thang và chạm chân vào đáy biển. Tôi thoải mái dạo bước trong lòng đại dương, thong dong chiêm ngưỡng thế giới san hô muôn kỳ thú. Dưới lòng đại dương người thợ lặn đưa cho tôi mẫu bánh mì và ra hiệu hãy cho cá ăn. Khi tôi thả mồi, đàn cá lao tới tranh giành “khẩu phần” bơi lội quanh người tôi vô cùng đẹp mắt. Với thời khắc đặc biệt này, tôi tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm dưới đáy biển, rồi tiếp tục hành trình thám hiểm. Thật thú vị khi tận mắt chứng kiến đáy đại dương đầy bí ẩn, xa hơn là những tiểu cảnh giả sơn - giá thể cấy ghép san hô tựa như hang đá dành riêng cho loài cá rạn.

Sau 15 phút thám hiểm đại dương, tiếng kẻng vang lên, tôi cùng người thợ lặn phải ngoi lên mặt nước. Trở lại điểm xuất phát trên bè, thật bất ngờ vì chiếc mũ đặc biệt che cho đầu không bị ướt, chúng tôi nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.

Chị Nguyễn Thị Ái Thùy - một du khách tham gia lặn tại đây, chia sẻ: “Lặn biển theo kiểu này, mình có thể hít thở tự do bằng mũi chứ không phải bằng miệng như lặn bằng bình khí. Người lặn rất thoải mái đi bộ dưới đáy biển còn lặn biển thông thường thì mình phải bơi, chân bị hổng nên rất ngợp”.

Hình ảnh đi bộ dưới đáy biển ở vịnh Nha Trang. Ảnh: Xuân Hướng

 

Lan tỏa và thu hút khách du lịch

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Long, Phó Giám đốc Công ty Việt Asian cho biết: “Biển đảo ở Nha Trang rất đẹp, đẹp hơn ở Pattaya, Phuket của Thái Lan, nhưng mô hình đi bộ dưới biển ở đó rất phát triển và thu hút khách du lịch rất đông. Vì thế, chúng tôi quyết định đưa mô hình du lịch đi bộ dưới đáy biển về với Nha Trang và xem đây là sản phẩm du lịch điểm nhấn”.

Theo ông Long, điểm khác biệt của mô hình du lịch đi bộ dưới biển là chiếc mũ trông như “nồi cơm điện” chính là thiết bị hiện đại có tác dụng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách trong suốt thời gian đi bộ dưới đáy biển.

Cùng với đó là hệ thống máy nén khí oxy gồm máy bơm, bình chứa khí nén có dung tích 250m3. Khí oxy từ các bình chứa được đưa đến hệ thống điều khiển trung tâm. Tại đây, khí oxy tiếp tục được lọc qua 3 lần trước khi cung cấp tới mũ lặn thông qua ống dẫn bằng nhựa đặc biệt không bị gấp khúc. Chiều dài của ống dẫn từ máy đến mũ là 35m, vừa bằng khoảng không gian khách di chuyển dưới đáy biển. Về chiếc mũ lặn đặc biệt được cấu tạo vỏ bên ngoài bằng chất liệu polycarbon, lõi bên trong bằng sắt, mũ có một đầu nối với ống dẫn khí oxy, phía dưới phần cổ mũ là những lỗ thoát không khí do người dùng thở ra.

Tấp nập du khách đến đảo vịnh San Hô. Ảnh: Xuân Hướng

 

“Tất cả hệ thống thiết bị máy móc này đều được chúng tôi nhập khẩu từ nước ngoài về. Đặc biệt, máy điều khiển trung tâm và mũ đội được sản xuất ở Nhật Bản theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Long cho biết thêm.

Cũng theo ông Long, chi phí cho một lần đi bộ dưới đáy biển khoảng 15 phút là 800.000 đồng một người, cao hơn giá lặn biển thông thường. Hiện nay chỉ tính riêng trên đảo San Hô vào mùa cao điểm có khoảng 1.000 - 2.000 du khách tới đây lặn biển, đi bộ ngắm san hô vui chơi dưới đáy biển.

Ông Đỗ Xuân Tạo, Chủ tịch HĐTV Công ty Việt Asian cho biết: Ngoài ở đảo San Hô, hiện nay, Việt Asian còn phối hợp đầu tư các điểm du lịch thám hiểm đáy biển ở các đảo: Chí Nguyên, Đông Tằm (vịnh Nha Trang); Khu du lịch Dốc Lết (huyện Vạn Ninh) và một khu lặn biển ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Qua đó, đưa loại hình du lịch đi bộ dưới đáy biển lên tổng số 10 điểm trong năm 2019, đáp ứng khoảng 700 ngàn lượt du khách tham gia mỗi ngày.

Xuân Hướng