Không dừng lại ở đó, cùng với việc xây dựng các chính sách phát triển, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục chủ trương đổi mới mạnh mẽ công tác dân tộc, hướng tới mục tiêu vùng DTTS và miền núi tiếp tục khởi sắc, có những bước phát triển mới, đột phá hơn nữa. 

Những luồng sinh khí mới và niềm tin được thắp lửa

Cho đến nay, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc đã đi trọn hành trình hơn một thập kỷ. Trong quãng thời gian không quá dài ấy, nghị định này mở ra rất nhiều cơ hội phát triển quan trọng cho đồng bào DTTS và miền núi. Với 13 nhóm chính sách và công tác quản lý Nhà nước về dân tộc, Nghị định 05 đã tạo khuôn khổ pháp luật để thống nhất nhận thức và hành động trong công tác dân tộc. 
Từ Nghị định 05, hàng loạt chính sách quan trọng về công tác dân tộc như Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020; Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 4/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015… đã lần lượt ra đời, trở thành bệ đỡ pháp lý vững chắc để thực hiện chính sách dân tộc...

Từ bệ đỡ chính sách vững chắc ấy, vùng DTTS và miền núi, nhất là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… đã được ưu tiên nguồn lực để phát triển. Từ năm 2003 đến năm 2020, Nhà nước đã tập trung bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí để phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó giai đoạn 2003 - 2008 là khoảng 250 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 690 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 998 nghìn tỷ đồng. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ đó, hơn 10 năm qua, vùng đồng bào DTTS đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng kinh tế xã hội được tăng cường đầu tư, đời sống của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, ở vùng DTTS và miền núi đến nay, 100% đường giao thông từ tỉnh đến trung tâm huyện lỵ được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 100% xã, 97,2% thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế… tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2-3%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm trung bình 3,5%/năm…

Điều quan trọng nhất là những sự đổi thay ấy đã khiến diện mạo vùng DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa vùng giữa vùng DTTS và miền núi với các vùng miền trên cả nước và trên hết là “thắp lửa niềm tin”, giúp niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, khối đại đoàn kết được chăm lo xây dựng vững chắc. 

Để vùng DTTS và miền núi tiếp tục khởi sắc, phát triển bền vững

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hiện cả nước có hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số, chiếm 14,7% dân số cả nước. Mặc dù kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng đây vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS ở nhiều nơi chỉ bằng 40-50% thu nhập bình quân trong khu vực.

Từ thực tế ấy, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719/QĐ-TTg về Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu đến 2025 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS hàng năm trên 3%, tăng thu nhập của các hộ gia đình gấp trên 2 lần so với 2019 và đến 2030 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 10%.

Trước đó, trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị khóa XII đã xác định, các chính sách phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS.

leftcenterrightdel
Đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc để vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển bền vững. Trong ảnh Bản Giang Mỗ, Hòa Bình. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN 

Để làm được điều đó, công tác dân tộc được cho là cần phải được tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, theo hướng thực chất hơn nữa, để đồng bào thực sự được thụ hưởng các chính sách… Trong đó, việc sửa đổi Nghị định 05  được cho là một trong những “việc cần làm ngay”.

Tại nhiều cuộc hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP.

Đơn cử, quan điểm của đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang): “Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 05 cơ bản đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử, là văn bản quy phạm pháp luật định hướng tổ chức thực hiện hệ thống chính sách dân tộc thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tế; từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế  xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Nghị định 05 đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Quy định tại Nghị định 05 còn chung chung, chưa quy định cơ chế tài chính nên khó triển khai thực hiện trong khi các bộ, ngành, địa phương chủ yếu dựa vào các quy định của luật chuyên ngành để triển khai thực hiện từng nhóm chính sách cụ thể, nhất là đối với những lĩnh vực có luật điều chỉnh. Do vậy, chính sách ban hành nhiều, phủ kín các lĩnh vực nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt được mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực”.

Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất liên quan đến đồng bào DTTS, nhưng đây vẫn là văn bản dưới luật nên chưa đủ hiệu lực pháp lý để định hướng chính sách, làm căn cứ cho các luật chuyên ngành điều chỉnh cho phù hợp, dẫn đến các chính sách dân tộc hiện nay chưa có sự kết nối, thống nhất, đồng bộ chưa cao. Nghị định này cũng chưa quy định cụ thể về cơ chế bảo đảm thực hiện các chính sách dân tộc, dẫn đến việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách còn hạn chế…

Theo báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy, còn 23 chính sách dân tộc chưa được ghi nhận; hoặc chưa được quy định cụ thể trong Nghị định và các văn bản pháp luật liên quan vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cụ thể: Cơ chế, chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em nhà trẻ người DTTS, con hộ nghèo tại các cơ sở giáo dục mầm non tại vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài là người DTTS; Chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân trong việc tổ chức duy trì, bảo tồn, truyền dạy văn hoá truyền thống trong cộng đồng…

Thực tế đó đã khiến việc đổi mới công tác dân tộc, trong đó có việc sửa đổi Nghị định 05 trở thành vấn đề cấp bách. Đổi mới để tăng cường nguồn lực cho vùng đồng bào DTTS và miền núi bứt phá, “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào DTTS” như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ.

Hồng Hà