Các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tuyên truyền về những mô hình hay, việc làm thiết thực của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, tổ công nghệ cộng đồng về chuyển đổi số; quảng bá các giá trị, lợi ích của việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Đặc biệt tập trung truyền thông về thành tựu của Việt Nam, của Vĩnh Phúc trong công tác chuyển đổi số gắn với những kết quả cụ thể, nhất là trong cải cách hành chính, hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế - xã hội...

Theo ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của tỉnh, quá trình thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh dù mới khởi đầu nhưng đã đi đúng hướng. Công tác cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện, tạo môi trường, đồng thời thực hiện nguyên tắc áp đặt, bắt buộc trước, tự nguyện sau, thông qua việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải chủ động và chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Với những nỗ lực trên, năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đã có chuyển biến tích cực, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số. 

Trong xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối mạng số liệu chuyên dùng của Chính phủ. 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, 95% cán bộ công chức cấp huyện và 80% cán bộ công chức cấp xã đã được trang bị máy tính để làm việc. Tỉnh đã thiết lập nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung, kết nối với Cổng thanh toán tập trung quốc gia và sẵn sàng kết nối cơ sở dữ liệu của mình đến các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương.

Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật, bảo đảm an toàn an ninh thông tin và điều kiện vận hành các ứng dụng, cơ sở dữ liệu của tỉnh. Phần mềm quản lý văn bản tập trung được triển khai thống nhất đến 100% cơ quan, đơn vị, địa phương. Phần mềm đã kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia; bảo đảm tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử. Tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có hơn 1,1 triệu văn bản đến và khoảng 278 nghìn văn bản đi trên phần mềm quản lý văn bản, ước tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Tỷ lệ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của tỉnh đạt 96%; các sở, ban, ngành đạt 99%, UBND các huyện, thành phố đạt 96%; UBND các xã, phường, thị trấn đạt 93%.

Để tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi số tốt hơn, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh) khẩn trương hoàn thành các bước xây dựng hai Nghị quyết trình HĐND tỉnh nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh gồm Nghị quyết về thúc đẩy dịch vụ công toàn tỉnh, giai đoạn 2022-2026, Nghị quyết về hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Vĩnh Phúc. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, kiểm tiến độ, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện các kế hoạch, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về chuyển đổi số, về ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số, báo cáo UBND tỉnh. Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng chính quyền điện tử thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố tốt nhất của cả nước; hình thành các cơ chế, chính sách để kinh tế số đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế... của tỉnh; thúc đẩy quá trình phát triển dịch vụ đô thị thông minh và xã hội số của tỉnh theo hướng bền vững...

Nguyễn Trọng Lịch