Chung cư xây trước, hạ tầng “hụt bước” theo sau

Cuối tháng 8/2022, dư luận Thủ đô bất ngờ trước việc tại UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm suất học cho trẻ 3 - 4 tuổi tại Trường Mầm non Hoàng Liệt, do hồ sơ đăng ký vào trường vượt gần 400 so với chỉ tiêu. Nguyên nhân sâu xa là tại địa bàn phường Hoàng Liệt có nhiều khu đô thị, chung cư được xây mới trong thời gian gần đây khiến dân số tăng nhanh, gây sức ép về trường lớp.

Theo thống kê, phường Hoàng Liệt hiện có 85 toà chung cư, tập trung chủ yếu ở bán đảo Linh Đàm, khu đô thị Pháp Vân với tổng số dân khoảng trên dưới 100.000 người. Tính riêng 12 tòa chung cư HH trong bán đảo Linh Đàm có tới 40.000 dân, gần bằng số dân của 2 phường bình thường khác trên địa bàn Hà Nội. Trong khi mỗi năm trên địa bàn có khoảng 2.000 trẻ vào mầm non, hạ tầng không thay đổi dẫn đến mọi thứ đều quá tải.

Nghịch lý nằm ở chỗ, đất sạch ở khu vực này được “ưu tiên” quy hoạch cho chủ đầu tư xây nhà để bán kiếm tiền. Đất xây dựng trường học lại bị quy hoạch vào những vị trí khó khả thi về giải phóng mặt bằng như trên đất nghĩa trang, ao đình làng. Thậm chí, đã có 12 lô đất được quy hoạch làm trường học nhưng không được triển khai xây dựng, nhiều năm qua chỉ quây tôn để cỏ dại mọc hoặc tận dụng làm bãi xe… dẫn đến thiếu trường học trầm trọng.

Thực trạng nhồi nhét tập trung xây dựng chung cư, bỏ quên đầu tư hạ tầng không chỉ diễn ra tại quận Hoàng Mai, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận thanh tra số 39 chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến quy hoạch xây dựng tại khu vực 2 bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội.

Theo kết luận thanh tra, chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án quy hoạch sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước; đồ án có tỷ lệ nhỏ hơn không phù hợp với đồ án có tỷ lệ lớn hơn mà không thuyết minh về sự sai khác, không tính toán sự đáp ứng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ... Nhiều khu đất nghĩa trang cũng được quy hoạch đất cây xanh, trường học như khu đất hiện đang là nghĩa trang Quán Dền ở nút giao Lê Văn Lương - Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân. 

Bên cạnh đó, trong quá trình lập quy hoạch, nhiều dự án đã không tính toán, dự báo hết nhu cầu đỗ xe của cư dân hoặc không muốn thiết kế tầng hầm do chi phí giá bán căn hộ bị đẩy lên cao. Nên nhiều chung cư ở Hà Nội rất khó khăn về vấn đề chỗ đỗ xe cho chính cư dân trong dự án, gây áp lực về hạ tầng giao thông tĩnh cho khu vực. Đơn cử, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ với 4 khối nhà cao từ 40 - 55 tầng, tuy nhiên mỗi khối nhà chỉ có 1 tầng hầm để phục vụ đỗ xe máy, ô tô phải để luôn trên mặt đường Nguyễn Xiển. Hay khu chung cư Đại Thanh có 6 tòa nhà, mỗi tòa cao 32 tầng, mỗi tòa nhà cũng chỉ có 1 tầng hầm nên thường xuyên xảy ra tình trạng cư dân không có đủ chỗ đỗ xe.

Quy hoạch phải vì lợi ích cộng đồng

Tình trạng chung cư xây trước, hạ tầng điện, đường, trường, trạm “hụt hơi” theo sau diễn ra phổ biến, không chỉ là bài học với riêng Hà Nội mà còn với nhiều địa phương khác trong quá trình đô thị hóa. Mặt trái của tốc độ đô thị hóa nhanh chóng này đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng công cộng cho cư dân, trong đó có hạ tầng giao thông, an sinh xã hội. Điều này đã được cảnh báo từ nhiều năm nhiều trước khi chỉ nhăm nhăm tính toán làm nhà để bán, không đầu tư hạ tầng đúng mức sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường.

Để khắc phục hậu quả những bản quy hoạch “lỗi” cũng không phải dễ dàng diễn ra trong một sớm một chiều. Mới đây, lãnh đạo quận Hoàng Mai đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Tổng Công ty HUD bàn giao lại cho quận 7 ô đất ở phường Hoàng Liệt để quận này đầu tư trường học công lập.

Ngày 5/10, trong thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc với lãnh đạo quận Hoàng Mai về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và nhiều vấn đề liên quan, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận Hoàng Mai khẩn trương làm việc với Tổng Công ty HUD để đôn đốc bàn giao dứt điểm các ô đất xây trường về quận quản lý, đầu tư.

Tuy nhiên, đến bao giờ trường học sẽ được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng trên thực tế để giảm tải áp lực thiếu trường lớp thì hiện chưa có mốc thời gian cụ thể. Chỉ biết “nếu các lô đất để cỏ dại mọc lút đầu trên địa bàn phường Hoàng Liệt không sớm được xây trường, thì chỉ vài năm nữa, lại tới lượt phụ huynh bốc thăm giành suất cho con vào cấp một, rồi cả cấp hai nữa”, lãnh đạo phường Hoàng Liệt lo ngại.

Hiện Hà Nội cũng đang nghiên cứu quy hoạch tổng thể trên 30 quận, huyện. Năm 2023 quy hoạch mới của thành phố sẽ được công bố. Nhiều kỳ vọng được đặt vào bản quy hoạch mới sẽ giúp giải quyết căn bản những bất cập hiện nay, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, đất dành cho giáo dục, công viên cây xanh.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng khi quy hoạch, bao giờ cũng phải tính đến lợi ích của cả cộng đồng và tác động dài hạn đến cả khu vực, chứ không thể vì một nhu cầu phát triển “nóng” nhất thời mà chạy theo và đáp ứng bằng mọi cách, để rồi mai sau sẽ phải giải quyết rất nhiều hệ lụy từ một quyết định sai lầm.

Nếu cứ để tình trạng quá tải chung cư và phá nát quy hoạch như hiện nay thì Hà Nội sẽ khó thực hiện được những mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định rõ mục tiêu là xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân.

Quang Đông