Trong lĩnh vực y tế

Theo thống kê của Hội đồng Giám mục Việt Nam, tính đến hết 2015 trên 26 giáo phận Công giáo cả nước có 142 trạm xá, cơ sở chữa bệnh. Nhiều phòng khám từ thiện do các linh mục, dòng tu, giáo dân khởi xướng hoạt động hiệu quả, đóng góp lớn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các chức sắc, tín đồ Công giáo đã tích cực tham gia các hoạt động cứu trợ, hỗ trợ.

Theo số liệu tổng hợp của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam: Tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP tổ chức 7 khóa tập huấn về phòng ngừa thảm họa - sơ cấp cứu cộng đồng và kiến thức HIV/AIDS cho các tình nguyện viên là người Công giáo trong giáo phận; đã sơ cấp cứu 37 trường hợp bị tai nạn giao thông; tuyên truyền phát hàng trăm tờ rơi phòng dịch cúm gia cầm, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các địa phương có dịch; vận động được 365 người hiến máu nhân đạo cứu người, trong đó giới trẻ và sinh viên Giáo xứ Hòa Khánh, Giáo xứ Chính Tòa, Giáo xứ Thanh Đức... chiếm tỷ lệ hiến máu cao nhất.

Tổ chức đoàn khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễm phí và tặng quà cho gần 3.000 lượt người tại các giáo xứ Hội Yên, Phú Thượng, Thạch Nham.

Các nữ tu Dòng Thánh Phaolô tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 8.455 lượt bệnh nhân tại Phòng khám số 154 Trần Phú, Đà Nẵng và 3.501 bệnh nhân vùng sâu, vùng xa; thực hiện 8 “nồi cháo tình thương” để giúp cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Tâm thần, Khoa Chỉnh hình, tặng 100 suất cơm/ngày giúp cho người lao động và sinh viên nghèo, cứu trợ thiên tai lũ lụt các tỉnh miền Trung... với tổng số tiền phục vụ công tác xã hội, từ thiện trên 5 tỷ đồng.

Tại tỉnh Nghệ An, Phòng Khám bệnh đa khoa Tòa Giám mục Xã Đoài trong 5 năm qua đã tổ chức khám từ thiện, cấp thuốc miễn cho 11.115 lượt người. Số tiền làm từ thiện từ giai đoạn 2012-2017 là: 1.088.387.000 đồng.

Tại tỉnh Trà Vinh, các linh mục và ban hành giáo đã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ Thập đỏ các cấp vận động giáo dân giữ gìn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm thông thoáng, sạch đẹp, vận động ăn chính, uống sôi, tham gia phòng, chống dịch sốt xuất huyết; thành lập tổ Tây y từ thiện, mua 43 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; hỗ trợ tiền thuốc cho 107 người bệnh nghèo, mời gọi các đoàn y, bác sỹ thiện nguyện tại TP Hồ Chí Minh đến khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 970 người bệnh nghèo, hỗ trợ và giới thiệu 268 người nghèo mổ mắt miễn phí tại Trung tâm Mắt kỹ thuật cao TP Hồ Chí Minh.

Tại tỉnh Đồng Nai, tổng kinh phí tham tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại các giáo xứ họ đạo giai đoạn 2013-2017 là hơn 40 tỷ đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đồng bào Công giáo quận 3 đã hỗ trợ cho 518 bệnh nhân nghèo, tổ chức khám bệnh phát thuốc vùng sâu vùng xa cho 2.765 người, khám tại địa phương cho 620 người và 564 lượt người hiến máu nhân đạo.

Đồng bào Công giáo ở 7 giáo xứ của quận 10 tổ chức đi thăm, giúp đỡ bệnh nhân nghèo, khám bệnh và phát thuốc miễn phí và hiến máu nhân đạo với tổng giá trị gần 800 triệu đồng và 372 lượt người hiến máu nhân đạo.

Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Phước Lập Đường của dòng Mến Thánh giá Tân Lập (quận 2), trong năm 2017 đã tiếp nhận châm cứu, bấm huyệt cho 21.120 bệnh nhân, phát miễn phí cho người nghèo 1.320 thang thuốc.

Từ năm 2013 đến 2017, TP Hồ Chí Minh đã vận động được 29.215 lượt người là đồng bào Công giáo hiến máu nhân đạo.

Nhìn chung, hoạt động của Công giáo trong khía cạnh y tế chủ yếu là hoạt động qua hệ thống các phòng khám, với nhiều hình thức tổ chức đa dạng khác nhau. Việc khám chữa bệnh của các cơ sở Công giáo đã tạo ra một nguồn lực dồi dào, góp phần tích cực trong lĩnh vực xã hội hóa cung ứng và kết nối các dịch vụ y tế, đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho xã hội.

Trong lĩnh vực giáo dục

Nói đến nguồn lực giáo dục của Công giáo không thể không nhắc đến hệ thống các cơ sở mầm non và hệ thống đào tạo nghề. Hiện nay trên cả nước, Công giáo có khoảng 1.500 cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo, gần 50 lớp tình thương; có 52 cơ sở dạy nghề do các các nhân tôn giáo thành lập. Các cơ sở giáo dục mầm non và dạy nghề các tổ chức Công giáo thành lập cơ bản đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nhiều cơ sở Công giáo cũng xây dựng quỹ học bổng thường xuyên để hỗ trợ sách, vở, xe đạp, học bổng cho các học sinh.

Theo số liệu tổng hợp của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo: Hội Dòng Mến Thánh giá Phát Diệm (Ninh Bình) có 3 cơ sở nuôi dạy trẻ trong độ tuổi từ 1-3 tuổi.

Trường Mẫu giáo tư thục Hồng Ân, giáo xứ Xuân Hòa (Quế Võ, Bắc Ninh) do các nữ tu Dòng Đa Minh Xuân Hòa đảm nhiệm với 12 phòng học, thu nhận trên 300 cháu cả lương và giáo trong vùng, tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm lao động sản xuất.

Tại tỉnh Bình Định, Trường Mầm non tư thục Sao Mai và Sao Biển do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Phaolô phụ trách đạt chuẩn quốc gia, cơ sở trường lớp sạch đẹp, thường xuyên cập nhật chương trình giáo dục và giảng dạy gần 1.000 cháu phát triển về toàn diện về đức, trí, thể, mỹ theo từng lứa tuổi. Các nữ tu Phan Sinh thừa sai Đức Mẹ tổ chức xe đưa đón trên 100 học sinh là con em bệnh nhân và con em làng Quy Hòa theo học các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học ở nội thành Quy Nhơn, chi phí trên 150 triệu đồng mỗi năm.

Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế Hacic do giáo dân Hoàng Nữ Ngọc Minh, Giáo xứ Quy Hiệp làm Giám đốc điều hành đã đào tạo trên 9.000 học viên, trong đó số lượng giáo dân đã tham gia các khóa học chiếm tỉ lệ trên 40%.

Tại tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 87 cơ sở giáo dục mầm non tư thục do các hội dòng nữ thành lập và quản lý với hàng chục ngàn cháu.

Tại Hội nghị toàn quốc các tôn giáo tham gia phát triển giáo dục mầm non (11/2014), nữ tu Công giáo Lâm Đồng được đánh rất cao trong công tác tham gia phát triển hệ thống trường mẫu giáo mầm non.

Các lớp học tình thương do Dòng Don Bossco, Dòng Lasan, Cộng đoàn Mai Anh (Lâm Đồng) đảm trách đang chăm sóc, giáo dục, dạy chữ, dạy nghề cho trẻ mồ côi, trẻ đường phố, người dân tộc thiểu số chi phí mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, đồng bào Công giáo đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục với các loại hình như cấp học bổng cho sinh viên, học sinh nghèo, tổ chức các lớp học tình thương, các lớp học nghề miễn phí và những lớp học nghề phù hợp với người khuyết tật.

Riêng giới Công giáo quận Thủ Đức, trong năm 2013, đã có 443 sinh viên học sinh được cấp học bổng, 940 học sinh lớp tình thương với 38 lớp và 61 giáo viên, 129 em tại các nhà mở mái ấm và 427 em khuyết tật được chăm sóc giúp đỡ với tổng số tiền trên 2 tỉ 500 triệu đồng.

Người Công giáo quận 3 đóng góp để cấp học bổng cho 512 sinh viên, 2.400 học sinh; hỗ trợ cho 350 học viên học nghề, 370 học viên khuyết tật học nghề và 75 em lớp tình thương với số tiền là 3 tỉ 68 triệu đồng. Người Công giáo quận Phú Nhuận đã cấp học bổng cho 131 sinh viên và hỗ trợ cho 851 em khuyết tật với số tiền gần 500 triệu đồng. Người Công giáo của 5 giáo xứ thuộc giáo hạt Xóm Chiếu (quận 7) hỗ trợ học bổng cho 394 sinh viên học sinh với số tiền là 1 tỉ 584 triệu đồng...

Với sự giúp đỡ của người Công giáo TP, năm 2017 có 2.060 sinh viên, học sinh nghèo được cấp học bổng; 16.591 em được theo học tại các lớp học tình thương, các lớp học nghề miễn phí. Chương trình Tiếp sức mùa thi (bắt đầu từ năm 2005) hằng năm được các vị linh mục, tu sĩ và tín đồ Công giáo thực hiện với nhiều phương thức phong phú, đa dạng và hiệu quả, giúp cho hàng ngàn học sinh và gia đình ở xa đến thi vào các trường cao đẳng, đại học ở TP có nơi ăn chốn nghỉ, được chăm sóc y tế, hỗ trợ phương tiện đi lại trong những ngày thi cử.

Tại tỉnh Đồng Nai, kinh phí thực hiện phong trào khuyến học tại các giáo xứ họ đạo trong 5 năm qua là hơn 170 tỷ đồng.

Trường Trung cấp nghề Hòa Bình do Dòng Donbosco mở đã đào tạo hàng ngàn người thợ có tay nghề tốt, năm 2016 đã được Nhà nước nâng cấp thành Trường Cao đẳng Nghề Hòa Bình. Năm 2017 đã vinh dự đón đoàn công tác của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đến thăm và làm việc.

Nhìn chung trong khía cạnh giáo dục, tuy mới tham gia chủ yếu ở lĩnh vực mầm non và dạy nghề những các cơ sở giáo dục của Công giáo luôn đạt chất lượng tốt và có sự tham gia tận tâm của nhiều chức sắc, tu sĩ và giáo dân Công giáo. Hệ thống trường nghề của Công giáo thực sự rất thiết thực, hiệu quả, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, giúp đỡ nhiều thành niên trẻ lập nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, góp phần giảm tải gánh nặng thất nghiệp của toàn xã hội.

Trong lĩnh vực từ thiện xã hội

Các cơ sở bảo trợ xã hội, tôn giáo được tổ chức đa dạng, tiếp nhận nhiều nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện xã hội hóa công tác trợ giúp xã hội, công tác nhân đạo đối với những đối tượng yếu thế. Kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội được huy động từ cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước; góp phần chia sẻ với Nhà nước trong việc chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội; đạt được đồng thuận của cộng đồng, xã hội trong hoạt động bảo trợ xã hội.

Công giáo hiện có 24 cơ sở hoạt động từ thiện xã hội trong các lĩnh vực, như: Tâm thần, trại phong, người nhiễm HIV, ma túy; 211 trung tâm khuyết tật, dưỡng lão; 163 trung tâm di dân cho sinh viên, gia đình; 11 cơ sở sinh hoạt nghệ thuật hoạt động từ thiện cho những người nghèo, kém may mắn trong xã hội.

Theo số liệu tổng hợp của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo: Tại tỉnh Phú Yên, đồng bào Công giáo đã đóng góp 13,2 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện, nhất là tham gia xây nhà đại đoàn kết, xóa nhà tạm, tiêu biểu như: Linh mục Nguyễn Cấp, Linh mục Nguyễn Công Bình.

Dòng Phaolô TP Tuy Hòa đã đóng góp 16,8 tỷ đồng làm công tác từ thiện, bác ái.

Các nữ tu Mến Thánh giá thuộc Giáo xứ Mằng Lăng, Sông Cầu, Chợ Mới đã vận động 13,1 tỷ đồng để chăm sóc nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa.

Tại Giáo xứ Chợ Mới, hàng năm tổ chức từ 1- 2 đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà tổng giá trị lên tới 11,7 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bình Phước, giáo hạt Phước Long với 420 phần quà, trị giá 326 triệu đồng, góp phần với địa phương làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Nhiều linh mục đã vận động bà con giáo dân ủng hộ tiền và ngày công xây nhà tình nghĩa, giếng nước sạch, mua bò, tổ chức nồi cháo tình thương, suất cơm tình nghĩa, tủ thuốc Chữ Thập đỏ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo gặp khó khăn trị giá nhiều tỷ đồng.

Tại TP Đà Nẵng, các nữ tu dòng Thánh Phaolô đã chăm sóc, nuôi dạy 119 trẻ em khuyết tật, chăm sóc 31 cụ già neo đơn tại Trung tâm Mái ấm tình thương, giúp 30 cháu học sinh nghèo lớp học tình thương của Cộng đoàn Thanh Bình vừa học vừa được ăn miễn phí bữa cơm trưa.

Tại Nghệ An, Linh mục Nguyễn Đăng Điền (Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An) đã xây dựng được 11 trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, đón nhận chăm sóc 200 trẻ em tật nguyền trong nhiều năm nay. 5 năm qua, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tham gia đóng góp xây dựng, tu sửa nhiều nghĩa trang liệt sỹ, ủng hộ xây dựng, tu sửa hàng ngàn ngôi nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, ủng hộ hàng chục ngàn ngày công, hàng chục tấn gạo và các đồ dùng, vật tư khác giá trị trên 28 tỷ đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, loại hình “bếp ăn tình thương”, “bữa cơm nhân ái” từ sáng kiến ban đầu của Tu hội Bác Ái Vinh Sơn - quận 3, thời gian sau này đã lan tỏa đều khắp tại nhiều giáo xứ trong TP, phục vụ các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng, Trung tâm Ung bướu và đồng bào nghèo, vãng lai trên các địa bàn dân cư.

Trong 5 năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo trong đồng bào Công giáo TP vẫn tiếp tục duy trì và phát triển đều khắp. Linh mục Giuse Lê Hoàng, nguyên Chính xứ Thiên Ân, nay là Chính xứ Tân Phú, quận Tân Phú, tham gia vào lực lượng xung kích hiến máu nhân đạo, sẵn sàng hiến máu cứu người bất cứ lúc nào khi có nhu cầu.

Linh mục Batôlômêô Nguyễn Hoàng Tú - Phó xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - quận Gò Vấp, ông Lê Văn Nam - Phó ban Đoàn Kết Công giáo quận Gò Vấp - Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo xứ Nữ Vương Hòa Bình, ông Phan Tiến Nam - giáo dân Giáo xứ Tân Phú… là những người hiến máu nhân đạo gần 40 lần 2013 - 2018.

Giới Công giáo TP đã tham gia vào các lãnh vực giáo dục, y tế, xã hội từ thiện… với tổng số tiền là 351.938.262.000 đồng 31.174 lượt người hiến máu nhân đạo. So sánh với số liệu 2008 - 2013 tổng số tiền là 271.871.868.543 và 22.443 lượt người hiến máu nhân đạo.

TS Ngô Quốc Đông