BHXH, BHYT là hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội quốc gia, được xem là “điểm tựa” của người dân khi hết tuổi lao động.

Lương hưu điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng

Tham gia BHXH, khi đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia, người lao động (NLĐ) được hưởng lương hưu hằng tháng - nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống khi về già. Trong suốt thời gian nghỉ hưu, người dân được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh) để chăm sóc sức khỏe. 

Đặc biệt, mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu. Vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị, không bị rủi ro khi đồng tiền mất giá.

Về nguyên tắc, mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng và có sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận với mức đóng, thời gian đóng, có nghĩa là mức đóng càng cao, thời gian đóng BHXH càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.

Song thực tế, một số trường hợp hưởng lương hưu với mức hưởng thấp. Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là do NLĐ đóng BHXH với mức đóng thấp, thời gian đóng chỉ đạt thời gian tối thiểu. Hay có nhiều trường hợp do NLĐ nghỉ hưu sớm trước tuổi quy định dẫn đến bị giảm trừ tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi. Hiện nay, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ giảm 2% đối với cả nam và nữ.

Trước ý kiến băn khoăn, đồng tiền mất giá sẽ tác động đến lương hưu, BHXH Việt Nam cho hay, cách hiểu này chưa chính xác. 

“Quy định của chính sách BHXH đã tính đến yếu tố lạm phát hay trượt giá với tiền lương đóng BHXH của NLĐ không chỉ khi tính mức hưởng lương hưu mà còn đảm bảo yếu tố này trong suốt quá trình hưởng lương hưu của NLĐ nhằm mục đích đảm bảo thu nhập của người hưởng lương hưu cơ bản đáp ứng nhu cầu của cuộc sống”, cơ quan này giải thích.

Bảo đảm cuộc sống người về hưu, đã 22 lần điều chỉnh lương hưu 

Khi tính mức hưởng lương hưu, tiền lương đã đóng BHXH làm căn cứ tính lương hưu của NLĐ đều được điều chỉnh. 

Theo đó, NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương đã đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí với NLĐ tham gia BHXH trước ngày 1/1/2016.

Còn NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định mà bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 trở đi và đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

BHXH Việt Nam thông tin, từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống cho người về hưu. 

“Hai năm qua, dù tình hình kinh tế của nước ta có khó khăn nhưng lương hưu đã được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022”, bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết.

Những người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 mà sau khi điều chỉnh theo mức chung, nếu mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng dưới 2.500.000 đồng/tháng còn tiếp tục được điều chỉnh thêm. “Điều này cho thấy, chính sách BHXH của Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu, nhất là với người hưởng lương hưu có mức lương hưu thấp”, bà Hiền nói thêm.

Cũng theo cơ quan BHXH, nhiều người cao tuổi đã chia sẻ về sự hài lòng với mức lương hưu đang hưởng, từ đó động viên con, cháu mình tham gia BHXH đầy đủ, đúng quy định.

Cạnh đó, không ít ý kiến của NLĐ chia sẻ về sự tiếc nuối đã nhận BHXH một lần, giờ mong muốn được nộp lại số tiền đã nhận, đóng tiếp BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và có thẻ BHYT miễn phí (trong suốt thời gian hưởng lương hưu) để chăm sóc sức khỏe bởi tuổi già, bệnh tật luôn thường trực “không rủ cũng tới”.

Đỡ gánh nặng cho con cháu, không phải lo tốn tiền khám chữa bệnh

Nhằm bảo đảm bền vững chính sách an sinh, hoàn thiện mục tiêu phát triển người tham gia, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT toàn dân, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. 

Những mô hình vận động, truyên truyền linh hoạt được triển khai ở các địa phương đã giúp số lượng người tham gia BHXH, nhất là tham gia BHXH tự nguyện tăng đều theo từng năm. Trong đó, có mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện” đang được triển khai, nhân rộng tại tỉnh Trà Vinh đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt.

Ra đời từ năm 2020, mô hình “nuôi heo đất” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh đến nay đã nhân rộng với 40 Tổ tiết kiệm gồm 688 thành viên tại 9/9 địa phương trong toàn tỉnh. Đáng chú ý, chỉ trong năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã vận động, phát triển được 1.583 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020. 

“Tham gia BHXH này rất tốt, sau này, mình được lĩnh lương hưu hằng tháng cũng đỡ gánh nặng cho con cháu. Mình lại còn có cả thẻ BHYT, không phải lo tốn tiền khám chữa bệnh nữa”, bà Nguyễn Thị Thu (xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang) tâm sự.

Nhờ thông tin về chính sách đến NLĐ ngày càng đầy đủ, BHXH tự nguyện trở thành chính sách thu hút với người lao động tự do.

Với chủ đề “BHXH-điểm tựa của bạn và gia đình”, chỉ trong 1 ngày ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân do BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức mới đây đã có hơn 22.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là con số vượt xa mong đợi khi mục tiêu phấn đấu đề ra là phát triển được 10.000 người tham gia BHXH tự nguyện trong và sau lễ ra quân.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận động, phát triển người tham gia BHXH. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, luôn xác định truyền thông phải “đi trước một bước,” ngành đã thực hiện linh hoạt, đa dạng các giải pháp truyền thông.

Kết quả nổi bật nhất chính là độ bao phủ BHXH, BHYT liên tục tăng và mở rộng. Tính đến hết ngày 30/4/2022 ước số người tham gia BHXH đạt trên 16,6 triệu người, chiếm 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 521 nghìn người so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 15,3 triệu người, tăng 369 nghìn người so với cùng kỳ, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt gần 1,3 triệu người, tăng 152 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người tham gia BHYT trên 85,8 triệu người, đạt tỷ lệ 86,8% dân số.

Trần Kiên