Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sức sống mới từ dòng… Nhiêu Lộc

Chủ nhật, 20/01/2013 - 15:32

(Thanh tra)- Có một dòng kênh đang dần hồi sinh, khởi sắc trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Đó là kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Không ít người, đặc biệt thế hệ trẻ hẳn sẽ rất ngạc nhiên nếu biết rằng, Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã từng có lúc là một con kênh, sạch mát, xanh trong.

Người dân gốc gác ở đây vẫn còn nhớ rất rõ những địa danh một thời gắn liền với con kênh này, chẳng hạn như làng Vạn Chài thuộc phường Tân Định, quận 1 ngày nay, bến Tắm Ngựa ở phường 7, quận 3 hoặc bến Cỏ gần cầu Điện Biên Phủ, quận 1. Những người lớn tuổi, các cụ già vốn dĩ lớn lên tại địa phương, thậm chí còn nói rằng đã từng sống những ngày hồn nhiên nhất của tuổi thơ quanh dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Ông Vương Đình Hạo, một cựu viên chức Sở Nhà đất TP. Hồ Chí Minh trước kia kể rằng, ông đã từng câu cá và bơi lội ở chính con kênh này, đoạn gần cầu Kiệu khi còn là thằng nhóc lên 10 vào năm 1960. “Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in con kênh trong mát chiều chiều vẫn ra đây bơi, tắm”.

Ông Nguyễn Văn Xị, 85 tuổi sống trong khu Trần Quang Khải, quận 1 nói rằng, ba thế hệ dòng họ nhà ông đã sống bằng nghề câu cá dọc theo dòng kênh này. “Khi thấy có thể sống được bằng nghề câu cá, nhiều người khác cũng làm giống như gia đình tôi và vì thế lần hồi hình thành nên khu xóm câu cá. Địa danh làng Vạn Chài xuất hiện là vậy”.

Ông Nguyễn Văn Đại, 88 tuổi sống ở phường 7, quận 3 nhớ lại, hồi thập niên 40 của thế kỷ trước đã từng rong ruổi đi buôn gạo bằng ghe từ Vĩnh Long theo dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè về bán ở chân cầu Kiệu. Ông bảo rằng, hồi đó dòng nước kênh còn rất xanh trong và cá tôm nhiều vô kể. Dạo đó, đoạn bờ kênh gần phường 7, quận 3 có một bãi cỏ rộng nên nhiều người vẫn thường dắt ngựa, một loại hình vận chuyển phổ biến tại Sài Gòn bấy giờ, ra đó để tắm ngựa. Thấy sao gọi vậy,  thế là có địa danh bến Tắm ngựa. Ông Đại nhấn mạnh: “Đó là bằng chứng cho thấy thuở ấy dòng kênh này trong trẻo, sạch sẽ thế nào. Bởi vì loài ngựa rất thông minh, chúng không bao giờ chịu tắm ở nơi nước bị dơ bẩn, ô nhiễm”.

Tất cả những địa danh trên ngày nay không còn nữa, nhưng vẫn đọng lại trong ký ức của những cư dân gốc gác ở đây về những sinh hoạt thường ngày tại một dòng kênh đã từng có lúc xanh trong, sạch mát và nhiều cá tôm.

Không ai nhớ chính xác dòng kênh này trở nên đặc quánh màu cống và bốc mùi hôi hám từ bao giờ. Thế nhưng nhiều người cho rằng, sự ô nhiễm ấy chính là hệ quả của quá trình đô thị hóa.

Theo ông Vương Đình Hạo, có lẽ dòng kênh bắt đầu bị ô nhiễm từ cuối thập niên 1960 và cứ thế nặng dần lên theo thời gian, đặc biệt trong thập niên tiếp theo đó. Ông Nguyễn Văn Bổng, 75 tuổi sống ở khu phố 5, phường Tân Định, quận 1 nói rằng, dòng kênh này bị ô nhiễm kể từ giữa thập niên 1960 và ngày một ô nhiễm thêm khi hoạt động tiểu thủ công nghiệp phát triển ở phía thượng nguồn, nhất là khu dệt vải ở quận Tân Bình thường đổ thẳng nước thải chưa qua xử lý, lâu ngày “giết” chết dòng kênh xanh.

Đó là chưa kể tới lượng nước thải sinh hoạt từ dân số cả triệu người sống dọc theo chiều dài hơn 8.600m kênh đi qua địa bàn các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh.

Đến năm 1993, chính quyền thành phố quyết định cải tạo dòng kênh với mục đích cuối cùng là sớm trả lại dòng nước trong xanh ngày nào cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Có thể khẳng định, công trình cải tạo kênh là một trong những dự án kinh tế xã hội lớn của thành phố.

Những hạng mục chính trong giai đoạn đầu của dự án là giải tỏa, tái định cư cho 6.800 hộ dân, phần lớn là nhà sàn sống dọc ven kênh; thi công hơn 9km tuyến cống bao; xây dựng 36 giếng chính và 59 thiết bị tách dòng để thu nước thải dọc kênh; một trạm bơm có lược rác với công suất 64.000m3/giờ và các thiết bị phụ trợ; lắp đặt gần 16km bờ kè đứng; nạo vét 1.100.000m3 đất; gia cố 16 cây cầu dọc kênh; xây dựng 58km cống hộp và cống tròn; tái lập hơn 200.000m2 mặt đường.

Theo các chuyên gia, một khi hoàn thành, dự án này sẽ đem lại hàng loạt lợi ích. Cải thiện môi trường sống không chỉ cho kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mà còn góp phần làm đẹp bộ mặt mỹ quan đô thị, giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt trên địa bàn.

Nhiều người hy vọng, trong một tương lai không xa, cư dân thành phố lại có thể câu cá dọc theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, như những thế hệ trước đây đã từng làm hồi thập niên 1940.

Thiện Nhân

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm