Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quản lý chất Methanol trong xăng: Lỗ hổng hậu kiểm

Thứ ba, 29/05/2012 - 20:33

Chất Methanol pha trong xăng đã được nhận diện là “thủ phạm” làm lão hóa ống dẫn nhiên liệu trong các loại động cơ, gây rò rỉ nhiên liệu và gián tiếp gây ra hàng trăm vụ cháy ôtô, xe máy tại Việt Nam thời gian qua.

Hiện trường một vụ cháy xe máy. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tuy nhiên, việc quản lý hóa chất độc hại này mới chỉ dừng lại ở khâu đầu tiên là cấp phép mua bán trong khi khâu sau mua bán đang dường như bị bỏ ngỏ.

Mới “chặt” cấp phép 

Không chỉ là hóa chất khi pha quá hàm lượng vào xăng sẽ gián tiếp gây cháy nổ xe, Methanol còn chủ yếu được biết tới là hóa chất độc có thể làm mù mắt, suy giảm hệ thần kinh và với lượng lớn có thể gây mất trí nhớ và dẫn đến chết người.

Chính vì vậy, Methanol là 1 trong 366 hóa chất độc phải khai báo, được kiểm soát bởi Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 8/4/2011 của Chính phủ và Thông tư số 40/2011/TT-BCT ngày 14/11/2011 của Bộ Công Thương.

Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Phùng Hà cho biết giống như các hóa chất độc khác, việc mua bán Methanol theo quy định phải có phiếu kiểm soát, phải có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc lưu thông trên thị trường.

Theo đó, với phiếu mua bán có các thông tin được lưu giữ trong thời gian 5 năm (số lượng hóa chất, mục đích sử dụng, ngày giao hàng, Giấy chứng minh nhân dân của người đại diện bên mua, bên bán), Cục Hóa chất có đầy đủ các thông tin về “đường đi” và “điểm đến” đầu tiên của Methanol để cung cấp cho các cơ quan chức năng kiểm tra khi cần thiết, ông Hà khẳng định.

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu về dể bán lại cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác, việc kiểm soát này khá phức tạp do Cục Hóa chất chỉ quản lý việc mua bán ở khâu đầu tiên với các doanh nghiệp trực tiếp cấp phép; còn sau mua bán, việc kiểm soát sử dụng Methanol pha vào xăng lại do cơ quan chức năng khác đảm nhiệm, ông Hà nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, có khoảng 33 doanh nghiệp đầu mối trong nước và nước ngoài hoạt động trên lĩnh vực sản xuất và thương mại như Công ty Dynea Việt Nam, Công ty Fujikura Electronic, Công ty Hóa chất Haein, Công ty Merrck, Công ty Hóa dầu quân đội, Công ty Shinex Coating, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dong Yang E&P Việt Nam… được cấp giấy phép nhập khẩu Methanol phục vụ các mục đích khác nhau là sản xuất keo dán gỗ, tổng hợp propylene, sản xuất formaldehyde (40% lượng methanol), axit acetic, MTBE (chất phụ gia cho vào xăng, thay thế cho diethyl ether), kinh doanh bán lại cho các doanh nghiệp khác…

Vì vậy, lượng Methanol nhập khẩu vào Việt Nam đang có xu hướng tăng đột biến khi năm 2008 chỉ khoảng 52.000 tấn, năm 2009 khoảng 66.000 tấn thì đến năm 2010 là trên 90.000 tấn và năm 2011 đã sụt giảm nhưng vẫn ở mức trên 80.000 tấn.

Vẫn “lỏng” hậu kiểm 

Tiến sỹ Nguyễn Anh Đức, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết mặc dù trên thế giới có khá nhiều nước cho phép pha Methanol vào xăng với hàm lượng khoảng 5% (Trung Quốc, Hoa Kỳ, một vài nước ASEAN) như một loại phụ gia và nhiên liệu thay thế nhưng tại Việt Nam, quy chuẩn chất lượng xăng hiện hành là QCVN 1:2009 do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành chỉ có quy định với xăng pha Ethanol mà không có quy định với xăng pha Methanol.

Vì không nằm trong các chỉ tiêu kỹ thuật bắt buộc kiểm tra nên từ trước đến nay, không có cơ quan nào đứng ra kiểm định hàm lượng Methanol trong xăng dầu. Một ví dụ rõ nhất là bản thân nguồn xăng dầu do các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu về Việt Nam từ một số nước ASEAN đã có hàm lượng Methanol nhất định (đáp ứng quy chuẩn xăng dầu của các nước này) nhưng khi vào Việt Nam đã được mặc định tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Ông Đức cũng cho biết hiện xăng dầu tiêu thụ trên thị trường Việt Nam được cung cấp từ nguồn nhập khẩu trực tiếp; xăng dầu được sản xuất ở Nhà máy Dung Quất và xăng dầu được nhập khẩu, chế biến bởi Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên dầu khí Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn Petro).

Trong đó, xăng dầu Dung Quất theo đăng ký là không pha Methanol, còn xăng dầu được chế biến tại Việt Nam đều có pha phụ gia CN 120 mà trong thành phần có Methanol.

Tuy nhiên, việc pha phụ gia CN 120 vào xăng theo quy định chỉ được tiến hành tại các Tổng kho đặt tại ba miền Bắc, Trung, Nam dưới sự kiểm tra của ba Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1,2,3 (QUATEST) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo đó, xăng dầu pha phụ gia được kiểm tra hợp chuẩn theo QCVN 1:2009 hoặc tiêu chuẩn cơ sở TCVN 7716 để đảm bảo chất lượng trước khi xuất ra bằng xe bồn hoặc tàu để chuyên chở từ các tổng kho tới các cây xăng trong cả nước.

Với cơ chế quản lý hiện hành, chất lượng xăng dầu mới chỉ được kiểm soát chặt ở khâu chế biến tại các tổng kho, còn trong quá trình vận chuyển từ tổng kho tới cây xăng, việc quản lý, kiểm tra vẫn lỏng lẻo nên một số đối tượng có thể pha thêm Methanol vào xăng chế biến để trục lợi bất chính, ông Đức chỉ rõ.

Thực tế thanh kiểm tra vừa qua cũng cho thấy một số cây xăng ngay tại các thành phố lớn đã bán xăng có chứa trên 10% hàm lượng Methanol nhưng vẫn qua mặt được các cơ quan chức năng và chỉ được phát hiện khi có sự phản ánh của người tiêu dùng về những hiện tượng bất thường với phương tiện của họ khi mua xăng dầu tại những cây xăng này.

Vì vậy, để bảo lợi quyền lợi người tiêu dùng, bên cạnh việc Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm ban hành quy định về hàm lượng Methanol trong xăng dầu tiêu thụ tại thị trường Việt Nam làm cơ sở cho việc kiểm soát “thủ phạm giấu mặt” gây cháy nổ động cơ này, các cơ quan chức năng liên quan cần siết chặt hơn nữa công tác hậu kiểm sau mua bán, đảm bảo hóa chất độc hại này chỉ được sử dụng vào đúng mục đích như đã đăng ký ban đầu.

(Theo TTXVN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm