Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những bất cập trong quy hoạch nghĩa trang

Thứ tư, 28/09/2011 - 23:32

(Thanh tra)- Lâu nay, ở Thừa Thiên - Huế tồn tại một thực trạng là nhiều người dân tự xây dựng, tôn tạo cho mình hay những người thân đã khuất những ngôi mộ hết sức “đặc biệt”. Và, nhiều nghịch lý đã nảy sinh trong việc quy hoạch, xây dựng lăng mộ của người dân nơi đây.

Một số hộ dân phải sử dụng nước ngầm, được lấy ngay trong nghĩa trang.

Nghịch lý tồn tại… trăm năm

Theo Quyết định 114 (ban hành tháng 3/2006) của tỉnh Thừa Thiên - Huế thì tiêu chuẩn của mỗi ngôi lăng mộ có diện tích không vượt quá 4m2, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có rất nhiều nghĩa trang tự phát có diện tích lên tới hàng trăm m2, nhất là ở hai làng Hạ Ốc và làng An Bằng thuộc xã Vĩnh An, huyện Phú Vang.

Vì muốn chứng tỏ địa vị, gia thế, nhiều hộ gia đình còn đầu tư hàng trăm triệu đồng đến bạc tỷ để “làm nhà” cho người chết. Theo quan niệm của người dân nơi đây, làm lăng càng nhiều tiền, càng to thì càng chứng tỏ được chữ hiếu đối với người đã khuất. “Ở đây ai cũng xây lăng như thế này, người ta đầu tư vào lăng mộ để tỏ lòng thành kính đối với người chết”, ông Lê Văn Đích thôn An Bằng cho hay.

Những ngôi nhà nằm xen kẽ với mồ, mã.

Gần 10 năm trở lại đây, trong lòng thị trấn biển Thuận An mồ mả cũng thi nhau mọc lên. Mặc dù năm 2006 chính quyền thị trấn đã cấm không cho chôn cất người chết tại khu nghĩa trang này, song vẫn không thể ngăn cản được người dân.

Khu nghĩa trang tự phát ngày một được mở rộng, lấn chiếm sang phần đất ở nên nhiều hộ gia đình nơi đây phải chấp nhận tình cảnh “sống chung với người chết”. “Gia đình tôi phải sống như  thế này đã nhiều năm nay rồi. Biết là nguy hiểm và lo sợ bị nhiễm bệnh nhưng giờ không biết lấy đất mô xây nhà”, anh Nguyễn Văn Sỹ, thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An nói.
Đặc biệt, ngay dưới chân núi Ngự Bình, cạnh khuôn viên Khoa Giáo dục Thể chất, Đại học Ngoại Ngữ (thuộc Đại học Khoa học Huế), cảnh khói hương nghi ngút trên những nấm mộ đã trở nên quá quen thuộc với hàng ngàn sinh viên.

Đáng báo động hơn là, tại núi Ngự Bình đã xảy ra nhiều vụ cháy, thiệt hại hàng trăm ha rừng thông. Nguyên nhân chính là do sự thiếu ý thức của sinh viên và người nhà thắp hương khi đi thi. Vì vậy, diện tích rừng thông tại núi Ngự Bình đang ngày một bị thu hẹp.

Làm nhưng… không có quy hoạch

UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh thực trạng người dân xây lăng mộ một cách ồ ạt và tràn lan, nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả. Tình trạng người sống ở chung với người chết vẫn tái diễn, nhà ở xen kẽ với lăng mộ ngày một nhiều.

Cụ thể, năm 2008, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể nghĩa trang, nghĩa địa trên toàn địa bàn tỉnh đến năm 2015. Theo Nghị định 35/2008/NĐ-CP quy định diện tích đất tối đa cho một phần mộ cá nhân hung tang và chôn cất một lần tối đa 5m2, diện tích sử dụng đất cho mỗi mộ cát tang tối đa 3m2.

Những ngôi mộ tiền tỷ không ngừng mọc lên.

Theo Quyết định số 04/2008/QD-BXD ngày 3/4/2008 của Bộ Xây Dựng, quy định  khoảng cách tối thiểu giữa nghĩa trang và khu vực dân cư là 1.500m, nhằm bảo đảm môi trường sống  cũng như sức khỏe cho người dân. Thế nhưng, người dân vẫn không chấp hành mà tự làm theo ý mình. Đa phần những ngôi lăng mộ đồ sộ được xây ngay trong khuôn viên vườn của dân nên chính quyền địa phương rất khó can thiệp.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi Cục trưởng Cục Bảo vệ Tài nguyên Môi trường Thừa Thiên - Huế cho biết: “Hiện tại, thực trạng xây dựng mồ mả tràn lan trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, nhưng nhiều nơi, ý thức của người dân còn hạn chế nên việc giải quyết, xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Một phần nữa là do phong tục tập quán và sự đua đòi của người dân trong việc xây lăng mộ”.

Phong trào xây lăng mộ ào ạt, không tuân theo quy hoạch và mạnh ai nấy làm đã khiến chính quyền địa phương nơi đây rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một nghịch lý thật đáng buồn đang tồn tại ở thôn An Bằng, hay thôn Hạ Ốc, đó là những ngôi mộ tiền tỷ được xây lên rồi để hoang cho… cỏ mọc.

Từ những thực trạng trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng có thẩm quyền của Thừa Thiên - Huế cần có giải pháp khả thi hơn để chấm dứt tình trạng “người dương sống cùng người âm” và xây dựng mồ, mả không có quy hoạch, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân cũng như bảo đảm quỹ đất của địa phương.


Trần Quốc

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

Cao Bằng: 125 đơn vị nợ bảo hiểm gần 11 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Cao Bằng, tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 125 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền trên 10,909 tỷ đồng.

Trung Hà

15:05 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm