Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nguy cơ nhập khẩu cát xây dựng!

Thứ sáu, 26/05/2017 - 06:21

(Thanh tra)- Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước ta còn khoảng 2 tỷ mét khối cát, nhưng trong năm 2016, nhu cầu cát xây dựng đã lên tới 140 triệu khối, dự báo sẽ lên 197 triệu khối vào năm 2020. Với nhịp độ tiêu thụ khủng như vậy thì nguồn tài nguyên cát sẽ cạn kiệt sau một thập kỷ và nguy cơ nhập khẩu cát xây dựng là điều đã được dự báo.

Nhiều chuyên gia vật liệu xây dựng cho biết, nguồn tài nguyên cát sẽ cạn kiệt đã được cảnh báo từ nhiều chục năm trước, nhưng ít cơ quan chức năng quan tâm.

Khoảng 10 năm lại đây, tốc độ xây dựng phát triển đến chóng mặt. Đặc biệt là sự phát triển đô thị hóa nông thôn… Lượng cát tự nhiên bị khai thác nhiều đến mức giật mình. Cát bị lấy đi nhưng không có nguồn bù đắp do các đập thủy điện lớn, nhỏ chặn hết các sông, suối. Đó là tình trạng chung của các tỉnh miền Bắc và miền Trung, còn miền Nam nguồn cát được cung cấp chủ yếu từ phía Campuchia nhưng nay họ hạn chế xuất khẩu nên thiếu cát. 

Sau thời điểm “cát tặc” Bắc Ninh… dọa lãnh đạo tỉnh, các địa phương cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường thắt chặt cấp phép cũng như quản lý khai thác. Sự khan hiếm đã đẩy giá cát tăng gấp đôi (tháng 4/2017 trở về trước giá cát chỉ 220.000 đồng/khối, sang tháng 5 lên 420 - 450.000 đồng/khối). Việc lập lại trật tự cho hoạt động khai thác cát trên cả nước đang giải cứu hàng trăm con sông, suối, theo đó nhiều đồng ruộng, cụm dân cư có cơ may thoát khỏi cảnh lở sông, “hà bá” nổi giận…

Vậy, vật liệu mới nào sẽ thay thế nguồn cát tự nhiên? Một số chuyên gia của Hiệp hội Vật liệu Xây dựng đã tính đến phương án xay đá xanh và đá bazan tự nhiên để thay thế cát. Đây là nguồn vật liệu khá dồi dào và phổ biến ở các tỉnh thành hoặc gần các thành phố lớn. Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, vật liệu đá xay này được ứng dụng rộng rãi, bởi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần gián tiếp bảo vệ môi trường sông, suối tự nhiên.

Sự thiếu hụt nguồn cát tự nhiên cho thấy, việc phát triển thủy điện tràn lan, thiếu quy hoạch là một trong các tác nhân quan trọng dẫn đến hệ lụy đáng buồn nói trên.

Nếu thời gian sắp tới, nguồn vật liệu mới chưa kịp có mặt trên thị trường xây dựng thì giá cát vàng, cát đen giữ nguyên giá hiện tại hoặc nhích lên đồng nghĩa với việc giá thành xây dựng nhà ở, căn hộ sẽ tăng theo và người chịu đòn chính là khách hàng mua nhà.

Được biết, Cty Cổ phần Thiên Nam (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đã sản xuất thành công cát nhân tạo từ chế phẩm đá cát kết được lấy từ các bãi thải than. Sản phẩm của Cty đã được Viện Vật liệu Xây dựng cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn số TCVN 9205/2012. So với giá cát tự nhiên, giá cát nhân tạo của Thiên Nam, được Sở Xây dựng Quảng Ninh công bố rẻ hơn 18%. Từ đó, góp phần giảm giá trị vật liệu xây dựng cho các công trình vốn đầu tư ngân sách Nhà nước.

Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền sớm cấp phép mỏ đá cho các doanh nghiệp sản xuất đá xay thay cát tự nhiên, đặc biệt các địa phương có mỏ đá cần chia sẻ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đặc thù này để đáp ứng nguồn cát thiếu hụt hiện nay, góp phần kéo giá cát xây dựng xuống mức tương đương với thời điểm trước tháng 5/2017.

Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm