Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gánh ve chai, góp đá Trường Sa

Thứ hai, 12/11/2012 - 06:23

(Thanh tra) - Không là doanh nhân, cũng không phải cán bộ công chức, càng không phải người dư giả, nhưng chị đã làm tất cả bằng sức của mình với mong muốn dùng chút tiền góp đá cho Trường Sa. Chị là Nguyễn Thị Quí, người bán ve chai ở phường An Phú Đông, quận 12, TP. Hồ Chí Minh đã ủng hộ chương trình “góp đá xây Trường Sa” 500.000 đồng, số tiền chị phải cật lực 20 ngày bán ve chai.

Chị Quí xin chữ ký chiến sĩ đảo Đá Tây A làm hành trang kỷ niệm

Tấm lòng chị ve chai

Trong chuyến hải trình “Góp đá xây Trường Sa”, có một người phụ nữ luôn đi nhặt những con ốc, xin chữ ký các chiến sĩ vào cuốn nhật ký Trường Sa để làm kỷ niệm. Chị bảo “Đến Trường Sa như đến tận cùng Tổ quốc, tôi thấy Trường Sa thiêng liêng vô cùng…”.

Câu chuyện “Góp đá xây Trường sa” của chị được  kể lại ngay đêm đầu tiên trên tàu bằng những lời chân thành: “Một lần đi bán ve chai giữa trưa nắng, ngồi dưới con hẻm chật chội, tôi vô tình nhìn thấy dòng chữ “Góp đá xây Trường Sa, góp lòng yêu nước” trên tờ Tuổi trẻ trong đống ve chai của mình. Tôi đã giữ tờ báo ấy lại và đem về nhà bàn với chồng, hãy làm một điều gì đó cho các chiến sĩ”. Lần thứ nhất chị đến  tòa soạn Tuổi trẻ ủng hộ 200.000 đồng. Lần thứ 2 ủng hộ thêm 300.000 đồng nữa. Đó là số tiền ít ỏi so với công trình xây đảo, song với chị Quí nó lớn lao vô cùng. Ý nghĩa hơn, là tấm lòng của người lao động hướng hướng về Trường Sa, có trách nhiệm với Tổ quốc thiêng liêng.

Khi đoàn “Góp đá xây Trường Sa” đến đảo Sơn Ca, mọi người quây quần bên gốc phong ba sẻ chia cùng các chiến sĩ trẻ, chị lại lặng lẽ dùng đôi tay chai sần đến sờ lên phiến đá cột mốc chủ quyền. Nhìn người lính gác nghiêm trang, nhìn cờ Tổ quốc tung bay, chị lặng lẽ giấu những giọt nước mắt xúc động. Ôm cây bàng vuông trong lòng của một chiến sĩ tặng, chị nói với tôi “Cây bàng vuông này sẽ được trồng trong khoảnh sân trước nhà để tỏ lòng khâm phục các chiến sĩ Trường Sa. Bây giờ tôi mới hiểu chiến sĩ Trường sa được ví như cây bàng vuông trước bạt ngàn bão tố là thế”.

 Khi mọi người xem văn công biểu diễn, chị mải mê trên triền cát nhặt những vỏ ốc còn sót lại. “Được đi chân trần trên mảnh đất thiêng liêng này, tôi càng thấy mình có trách nhiệm với Tổ quốc, với Trường Sa. Bây giờ tôi càng thấm thía, mình chỉ là hạt cát nhỏ trong triệu triệu tấm lòng yêu nước”.

Khi đến đảo Đá Tây, mọi người tưng bừng vui ngày hội khánh thành nhà ở lâu bền, chị cầm cuốn nhật ký Trường Sa đến từng chiến sĩ “Cho chị xin vài dòng nhật ký của em. Chị muốn 2 con của chị hiểu về Trường Sa, về sự gian khổ của các chiến sĩ từ cuốn nhật ký này”. Và mỗi lần xin chữ ký, chị Quí xin được ôm các chiến sĩ. Chị muốn có thêm sức mạnh tin thần từ các chiến sĩ Trường Sa, chị muốn nói với chiến sĩ Trường Sa đất liền đã rất gần, Trường Sa luôn trong lòng chị. Và chị tư nhủ, về đất liền sẽ tiếp tục giành dụm ủng hộ chương trình...

Tổ quốc gọi tôi sẵn sàng

Tôi tình cờ gặp lại chị Nguyễn Thị Quí ở tòa soạn báo Tuổi trẻ. Chị không khỏi xúc động khi gặp lại tôi. “Sau lần đi Trường Sa về, tôi thương các chiến sĩ ngoài ấy quá”, đó là câu đầu tiên chị nói với tôi. “Tôi muốn góp thêm chút tiền để mua xuồng cho các chiến sĩ Trường Sa”. Chị Quí lấy từ túi một xấp tiền lẻ rồi đến ban chương trình xã hội của báo để đóng góp cho chương trình “Xuồng cứu hộ CQ cho Trường Sa”.  “Chưa đi Trường Sa thì khác, đi rồi mới thấy tình cảm chiến sĩ, đồng bào ngoài đó dành cho mình lớn quá. Các anh, các em đã chịu cực khổ, vất vả, hy sinh, thì mình chịu nhín một chút có đâu là to tát”.

Năm tháng trước, trong hành trình đưa bạn đọc tham gia khánh thành công trình “Góp đá xây Trường Sa” trên đảo Đá Tây A, chị Nguyễn Thị Quí là khách mời danh dự của chương trình, và là người “đặc biệt” được nhiều người chú ý. Chị đặc biệt bởi chỉ là người bán ve chai, chạy ăn từng bữa, nhưng lại nồng nàn giàu có tấm lòng.

Trong khi mọi người hát cùng ca sĩ khi đến đảo Nam Yết, thì chị lặng lẽ mang nước ngọt rót vào từng ly trên nấm mộ từng chiến sĩ. Trong đó có chiến sĩ Hoàng Đặng Hùng, người đã dũng cảm lao ra cứu chiếc xuồng và mãi mãi ngã vào lòng biển khi mới 20 tuổi. Nước mắt chị Quí rơi trên mộ liệt sĩ Hùng. Chị cảm nhận được sự hi sinh của các liệt sĩ Trường Sa không chỉ bằng tinh thần xả thân và chấp nhận gian khổ, mà bằng cả máu và tính mạng.

Đêm chia tay trước ngày tàu HQ-936 cập cảng Cát Lái, chị Nguyễn Thị Quí là một trong 12 “kỷ lục” được ban tổ chức chuyến hành trình tôn vinh về tấm lòng yêu Tổ quốc. Câu chuyện kể bán ve chai lấy tiền góp đá xây Trường Sa của chị một lần nữa làm mọi người xúc động. Ca sĩ Thanh Thúy thay mặt đội văn nghệ xung kích đã giành một phần tiền thưởng của Quân chủng hải quân tặng cho chị. Cán bộ chiến sĩ tàu HQ-936 cũng xin tặng chị một phần quà nhỏ. Chị Quí khóc nói với mọi người “Tim tôi luôn có hình Tổ quốc, máu tôi luôn có Trường Sa, nếu Tổ quốc gọi tôi luôn sẵn sàng. Tôi yêu Trường Sa và các chiến sĩ Trường Sa hơn bản thân mình”.

Chuyến tàu “Góp đá xây Trường Sa” cập bến, sau bữa cơm liên hoan tại nhà khách Bộ Tư lệnh hải quân phía Nam, mỗi người mỗi ngả về với công việc đời thường. Song điều để lại sâu sắc trong tim mỗi thành viên trong chuyến tàu đặc biệt ấy là những tấm lòng vì Trường Sa qua những câu chuyện kể, một Trường Sa sầm uất giữa ngàn khơi, có những chiến sĩ hải quân kiên trung vững chắc tay súng canh biển trời nơi tuyến đầu Tổ quốc. Còn chị Quí lại tiếp tục lặng lẽ với quang gánh ve chai, để rồi những đồng tiền đẫm mồ hôi của chị lại được những viên đá góp cho Trường Sa thêm vững chắc.

       
Mai Thắng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm