Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 10/07/2019 - 09:28
Thôi thì ba mươi sáu chước, chước "xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót" là thượng sách, bởi từ mấy chục năm nay đã có ai mất chức vì “xin chịu trách nhiệm” đâu. Thật nhẹ nhàng, thật thanh thản.
Chỉ còn vài ngày nữa, vụ gian lận thi 2018 chấn động dư luận tròn một năm. Những tưởng sau khi vụ việc bị phát lộ, chuyện xử lý sẽ “nhỏ như con thỏ”, bởi nếu so với những vụ trọng án khác, lực lượng chức năng không đến nỗi phải “mò kim đáy bể” để tìm cho ra “đích danh thủ phạm” cùng chứng cứ.
Thủ phạm ở đây là một loạt cán bộ có chức quyền trực tiếp làm công tác chấm thi đã tham gia vào đường dây chạy điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Các nghi can này cũng đã thừa nhận hành vi phạm pháp của mình. Các thủ phạm cũng là phụ huynh của những thí sinh tham gia chạy điểm.
Chứng cứ là hàng trăm bài thi có danh tính chủ nhân bị nâng điểm, những mẩu giấy viết tay có địa chỉ, số báo danh, những cú điện thoại, tin nhắn,… và tiền mặt mà các nghi phạm đã nhận để lo lót.
Chứng cứ phạm tội còn là sự buông lỏng quản lý, là những lỗ hổng chết người trong khâu chấm thi.
Tưởng chừng mọi thứ ‘rõ như ban ngày’, vậy mà một năm sắp trôi qua…
Có những kẻ trực tiếp nhúng tay vào vụ gian lận đã bị khởi tố, nhưng còn đó hàng trăm phụ huynh dính líu chạy điểm cho con - những đối tượng mà suốt thời gian quan dư luận đòi phải công khai danh tính và xử nghiêm - vẫn bình yên vô sự.
Ở Sơn La, Hòa Bình nhiều tên tuổi phụ huynh liên đới đã bị lộ. Họ đều là những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có vị thế nơi cơ quan công quyền. Nhưng, kỳ lạ thay, tất cả họ từ giám đốc sở cho đến nhân viên đều tấu rất hoàn hảo bản đồng ca “nhờ xem điểm”, trong khi chẳng ai ngu tới mức cho họ “xem điểm” để mình ngồi bóc lịch.
Tại Hòa Bình, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: “Với những cán bộ đảng viên, công chức, viên chức có con được nâng điểm, tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để xem xét thi hành kỷ luật theo đúng quy định. Các cá nhân liên quan đều đã viết kiểm điểm và làm việc với các đoàn kiểm tra". "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tinh thần chỉ đạo là làm rõ trách nhiệm, khuyết điểm. Sai phạm đến đâu, xử lý đến đó", vị đại diện UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định.[1]
Tại Sơn la, bị can hoàn lại tiền, gia đình thí sinh không thừa nhận.
Ở Hà Giang, trong số 210 phụ huynh liên đới, chỉ duy nhất có ông Phạm Văn Khuông, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo lộ danh tính có lẽ vì ông là nghi can bị khởi tố. Còn 209 vị khác cùng có con được nâng điểm thì vẫn bặt vô âm tín.
Chính xác hơn còn có một vị nữa bị lộ nhưng lại không được nêu danh trong bản kết luận điều tra. Đấy là cựu Bí thư tỉnh, ông Triệu Tài Vinh (ông vừa được bổ nhiệm là Phó Ban Kinh tế Trung ương). “…Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”.[2] Ông cựu bí thư lật ngược vấn đề.
Về vai trò của bản thân với tư cách là phụ huynh có con gái “bị” nâng điểm, bên hành lang Quốc hội, khi trả lời phóng viên, ông Vinh khẳng định: "Tôi thì dư luận phán xét xong rồi".[3] Vậy là yên?
Dư luận không khó để hiểu, tại sao việc xử lý gian lận thi ở Hà Giang ít “sôi động”, thậm chí có lúc lắng xuống nếu so với Sơn La, Hòa Bình mặc dù ông Vinh đã từng chỉ đạo từ xa: “Tôi vừa gọi điện về bảo khẩn trương làm cuộc kiểm điểm đi”.
Nhưng ngặt nỗi, cái quy trình nào đó không cho phép. Nó đã từng gây khó ông khi không thể kỷ luật nổi một cấp dưới sai phạm và bây giờ, với vụ gian lận thi liên quan tới cả con gái mình, một lần nữa ông bí thư tội nghiệp lại bị “quy trình” cản trở: “Cái gì cũng có quy trình của nó, khởi tố vụ án còn liên quan đến người nào, trách nhiệm thế nào”.[4]
Sức cản của “quy trình” lớn đến nỗi nó khiến cơ quan chức năng dẫu có thu giữ được tại nhà ông Nguyễn Thanh Hoài một mẩu giấy khổ 10x9cm, trên đó ghi "P.T.H.Tr. (xin phép viết tắt tên thí sinh - PV), SBD: 070389; P: 17; HĐT Hùng An (Lão phật gia nhờ)" cũng không thể tìm ra kẻ mang biệt danh “lão phật gia” ghê gớm kia là ai?
Bởi thế, xem qua bản kết luận điều tra của Hà Giang, dư luận không khỏi băn khoăn.[5]
Liệu có phải cơ quan điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án?
Rằng đã đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm! Các bị can chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân!
Rằng, ngay cả trường hợp con ông Triệu Tài Vinh cũng không hề xuất hiện trong kết luận điều tra!
Còn 210 phụ huynh liên quan được gắn cho một cái tên chung "đang làm việc trong các cơ quan, ban ngành sự nghiệp, đơn vị kinh doanh và làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại tỉnh Hà Giang và tỉnh khác".
Chuyện ông Triệu Tài Vinh không có tên trong danh sách phụ huynh có con “bị” nâng điểm đã đành, ngay cả việc ông bức xúc vì “nghi” ai đó cố ý đưa cha con ông vào tròng cũng không hề được điều tra làm rõ để trả lại sự “trong sáng” cho ông.
Hồi tháng 5/2019, đăng đàn trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đạo tạo khẳng định: "Quan điểm của chúng tôi là phải xử lý nghiêm khắc các sai phạm của các cá nhân. Sẽ cho ra khỏi ngành những cá nhân trong ngành mà có học sinh, con em gian lận qua điều tra, xác minh của cơ quan công an", và cá nhân ông "xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót".
Lời Bộ trưởng, lời Bí thư, lời các giám đốc sở,… ai nấy đều tỏ ra hết sức nghiêm khắc trong chỉ đạo xử lý. Lời văn trong cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Giang cũng rất hùng hồn. Nào là gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài; nào là hành vi phạm tội của các bị can gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội,…
Tuy nhiên, cho đến bây giờ, hình như chưa một ai có con em gian lận bị “cho ra khỏi ngành”. Ở Hà Giang, theo cáo trạng, Cơ quan điều tra xác định không xét tình tiết tăng nặng mà chỉ xem xét tình tiết giảm nhẹ, bởi cả 5 bị can đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều thành tích trong quá trình công tác.
Còn với lãnh đạo, thôi thì ba mươi sáu chước, chước "xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót" là thượng sách, bởi từ mấy chục năm nay đã có ai mất chức vì “xin chịu trách nhiệm” đâu. Thật nhẹ nhàng, thật thanh thản.
Nhưng sao thấy đắng lòng!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương