Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dấu ấn tỷ phú Việt trong cuộc chơi lớn với Mỹ

Thứ năm, 28/02/2019 - 08:24

Sáng 27/2, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump hàng loạt hợp đồng tỷ USD giữa DN Việt Nam và Mỹ được ký kết.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump chứng kiến nhiều bản ký kết chục tỷ USD.

Buổi sáng đặc biệt

Là người trong cuộc của 1 buổi sáng chục tỷ USD của DN Việt, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC đánh giá tích cực về quan hệ Việt - Mỹ cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo ông Quyết, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội thu hút sự chú ý cao độ trên toàn thế giới và thực sự là một cơ hội vàng cho DN Việt Nam nói chung và ngành du lịch Việt Nam tiếp tục cất cánh trong năm 2019.

Sáng 27/2, Hãng hàng không Bamboo Airways đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ), Trước đó, Bamboo Aiways đã ký một thoả thuận mua 20 chiếc máy bay Boeing 787-9 Dreamliner với giá trị 5,6 tỷ USD. Tổng cộng Bamboo Aiways sẽ mua về 30 chiếc Boeing 787, chiếc đầu tiên sẽ về Việt Nam vào quý 3/2020.

Bên cạnh đơn hàng mới, Bamboo Airways cũng đang cân nhắc việc mua thêm 25 máy bay thân hẹp dòng 737 MAX của Boeing, với giá trị hợp đồng ước tính 2,5 tỷ USD.

Cùng với đó, Boeing sẽ hỗ trợ Bamboo Airways trong việc bảo dưỡng máy bay, đào tạo kỹ thuật viên và 1 hanga kỹ thuật của hãng sẽ sớm được mở ở Vân Đồn.

Ông Quyết cho biết, 6/2018, đến làm việc với Boeing, chúng tôi đã có ý định khi hãng hàng không được phép bay sẽ bay thẳng đến Mỹ khi điều kiện 2 quốc gia cho phép. Với các máy bay thân rộng đặt mua lần này sẽ đáp ứng tối ưu các chặng bay quốc tế đường dài, đặc biệt là chặng bay thẳng Việt - Mỹ kéo dài khoảng 13 giờ bay liên tục.

Cùng đó, Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing đã ký hợp đồng mua 100 tàu bay 737 MAX mới trị giá 12,7 tỷ USD. Trước đó, Vietjet cũng đã ký đơn đặt hàng 100 tàu bay B737 MAX vào năm 2016.

Vietjet và tập đoàn General Electric cũng ký thoả thuận dịch vụ bảo dưỡng động cơ LEAP-1B trị giá 5,3 tỷ USD.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet: “Hợp đồng mới 100 máy bay và các thoả thuận hợp tác cho 200 tàu bay B737 MAX là một bước đi của Vietjet trong kế hoạch mở rộng mạng bay tới các điểm đến quốc tế mới.  Bên cạnh đó, Boeing sẽ hỗ trợ Vietjet tăng cường chuyên môn kỹ thuật, đào tạo phi công và kỹ thuật viên, khả năng quản lý”.

Vietnam Airlines và Tập đoàn Sabre đã ký kết mở rộng hợp tác chiến lược trong lĩnh vực CNTT với trị giá 300 triệu USD. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ của Sabre như: Lập kế hoạch đường bay, lịch bay; điều hành bay; quản trị giá cước và doanh thu; hệ thống phục vụ hành khách cho đơn vị thành viên… Hai bên còn có thỏa thuận việc sử dụng hệ thống phân phối toàn cầu GDS của Sabre cho hệ thống bán vé trong nước của Vietnam Airlines.

Theo ông Quyết, cánh cửa cho đường bay thẳng Việt - Mỹ hiện đã chính thức mở rộng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Với sự năng động, đổi mới ngày càng mạnh mẽ của các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch và của cả các cơ quan quản lý, một bước chuyển mình đáng nhớ của du lịch Việt Nam trong 2019 là hoàn toàn có thể.

Đại diện Bamboo Airways cho biết, hãng này đang chuẩn bị khai thác các chuyến bay tới Mỹ từ cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, với sự hỗ trợ từ phía đối tác Boeing, nhằm góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch và tạo điều kiện thuận lợi hơn đối với thương mại và đầu tư song phương. Tập đoàn FLC đã lập văn phòng đại diện tại Mỹ trong để chuẩn bị cho đội ngũ nhân sự, pháp lý và nhiều yếu tố hỗ trợ khác.

“Quan hệ kinh tế, thương mại Việt - Mỹ đang được mở rộng hết sức nhanh chóng. Nhu cầu mở đường bay thẳng giữa hai thị trường là cấp thiết. Các chuyến bay này không chỉ đóng vai trò thúc đẩy các hoạt động trong ngành du lịch, mà còn giúp tiếp tục phát triển các cơ hội đầu tư và thương mại song phương”,

Những ngày gần đây, cổ phiếu của CTCP Hùng Vương của ông trùm cá tra Dương Ngọc Minh bất ngờ tăng mạnh khi HVG thuộc diện được miễn thuế đối với mặt hàng cá tra -  basa xuất sang Mỹ sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ POR14. Nếu kết quả POR14 (được công bố vào tháng 4) tốt đẹp như kết luận sơ bộ. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thủy sản như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn… đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ. Tham vọng doanh thu tỷ USD của ông Dương Ngọc Minh có thể sớm trở thành hiện thực.

Ngay đầu 2019, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã xuất lô hàng 17.000 tấn tôn đi Mỹ mở đầu cho việc khai thác thi trường này.

Chỉ trong vòng 3 tuần đầu 2019, Tập đoàn Yeah1 (YEG) của ông trùm Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đã quyết định mua chi nhánh Thái Lan trực thuộc Tập đoàn truyền thông đa phương tiện Thoughtful Media Group (TMG) của Mỹ và thâu tóm mạng lưới kênh YouTube lớn nhất nước Mỹ ScaleLad, với hơn 1.700 người có ảnh hưởng, 400 triệu người theo dõi và khoảng 3 tỷ lượt xem mỗi tháng.

Doanh nghiệp Việt - Mỹ: Trụ cột quan hệ 2 nước

Các hợp đồng được ký kết trong thời điểm Việt Nam được lựa chọn cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều góp phần tăng kim ngạch thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Qua đó, cho thấy vai trò trụ cột của các tập đoàn kinh tế lớn, tiên phong trong các hoạt động đối ngoại quốc tế, ngoại giao kinh tế và mang hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới đi ra thế giới.

Theo ông Trịnh Văn Quyết, năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là khoảng 34,7 tỷ USD. Những thương vụ lớn này sẽ góp phần cân bằng cán cân thương mại và ảnh hưởng tích cực đến quan hệ giao thương hai nước, các ngành hàng khác như thuỷ sản, nông sản… sẽ hưởng lợi. Điều này đúng như tổng thống Trump từng nhận xét: “Việt Nam có đơn hàng lớn với Mỹ có giá trị hàng tỷ USD, và chúng tôi đánh giá cao điều này, vì nó đồng nghĩa sẽ có việc làm cho người Mỹ và thiết bị chất lượng cao cho Việt Nam”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Phạm Hải

“Mỹ nhập siêu hàng chục tỷ USD thuỷ sản, nông sản, hàng tiêu dùng từ Việt Nam, các hợp đồng lớn này không chỉ giúp cân bằng thương mại mà qua đó còn cho thấy vị thế và tiềm năng của các tập đoàn tư nhân Việt Nam trong quan hệ kinh tế vớ Mỹ. Với hai hợp đồng của Bamboo Airways ký kết trong 2018-2019, mức thâm hụt này có thể giảm tới gần 25%”, ông Quyết nói.

Trước đó, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 11/2017, nhiều thoả thuận tỷ USD đã được DN Việt - Mỹ ký kết. Cũng trong 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là vị lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Mỹ, trong khi Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ghé thăm. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đồng thời công bố đạt được các thỏa thuận thương mại mới với tổng trị giá hơn 8 tỷ USD.

Sau đó, tại chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 25-27/6/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư là trọng tâm và động lực của quan hệ hai nước. Ông hoan nghênh các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại Việt Nam; khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ.

Quan hệ kinh tế được nâng tầm, không ít doanh nghiệp Mỹ đã có những thương vụ đầu tư khủng vào Việt Nam. Trong năm 2017, CTCP Tập đoàn FPT của ông Trương Gia Bình đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với nhà đầu tư chiến lược, bán 47% (trị giá 80 triệu USD) cho Synnex Technology International Corporation (Synnex) của Mỹ - Tập đoàn lớn thứ 3 thế giới về phân phối sản phẩm công nghệ, viễn thông và linh kiện điện tử.

Cũng trong năm đó, Tài chính Hoàng Huy (TCH) ký Biên bản Ghi nhớ với Tập đoàn Navistar về hợp tác kinh doanh xe tải, đầu kéo thương hiệu International Mỹ với giá trị 1,8 tỷ USD.

Đầu 2016, tập đoàn thức ăn nhẹ hàng đầu thế giới Mondelēz International của Mỹ đã chi gần 8 ngàn tỷ đồng để mua 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô. Mondelēz International là tập đoàn có thương hiệu đắt giá top 50 thế giới.

Sau hơn 20 năm kể từ ngày Việt Nam - Hoa Kỳ (11/7/1995 - 2019) bình thường hóa quan hệ, giao thương giữa hai nước từ con số 0 thương mại hai chiều đã bùng nổ tăng hơn 100 lần lên hơn 50 tỷ USD. Mối quan hệ Mỹ - Việt đang ở một tầm cao mới, với trọng tâm là quan hệ kinh tế, từ những hợp đồng tỷ USD của DN hai bên chính là cơ sở cho sự phát triển quan hệ tốt đẹp hai nước.

(Theo Mạnh Hà/VNN)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

Người dùng cần làm gì để tránh bị khóa SIM di động?

(Thanh tra) - Những ngày cuối năm 2024, thông tin về hàng triệu người dùng SIM di động tại Việt Nam có nguy cơ bị khóa hoặc mất số khiến không ít người hoang mang lo lắng. Vậy trong trường hợp nào, SIM sẽ bị khóa, số bị thu hồi và người dùng cần làm những gì để tránh rơi vào các trường hợp này?

Hoàng Nam

09:11 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm