Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chung sức chống bệnh thành tích trong thi cử

Thứ năm, 14/07/2011 - 10:14

Nếu không có hành động kiên quyết, dũng cảm không ngại va chạm với tiêu cực trong thi cử, đổi mới giáo dục thiếu đồng bộ, hệ thống với quyết tâm cao, chúng ta sẽ rất khó khăn để có được nguồn nhân lực chất lượng cao và 2 nhiệm vụ then chốt còn lại là cải cách thể chế (hành chính) và xây dựng hạ tầng sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng bất lợi.

Chống tiêu cực trong thi cử không chỉ có ý nghĩa làm lành mạnh hóa nền giáo dục mà còn làm xã hội tốt đẹp hơn. - Ảnh minh họa

Thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống bệnh tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, chặng đường 5 năm đủ dài để xã hội cùng ngành giáo dục nhìn lại những ý nghĩa mang tầm vóc chiến lược của Chỉ thị 33 đối với sự nghiệp trồng người.

Nhân dịp Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, Cổng TTĐT Chính phủ giới thiệu bài viết của Tiến sĩ, chuyên gia giáo dục Hoàng Ngọc Vinh với mong muốn các cấp, các bộ, ban, ngành, đoàn thể và địa phương chung sức với ngành giáo dục và đào tạo chống bệnh thành tích trong thi cử.

Đào tạo nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ then chốt của đất nước trong thập kỷ tới. Nhân lực chất lượng cao sẽ là tiền đề cơ bản giúp Việt Nam vượt qua đói nghèo, phát triển ổn định và bền vững trong tiến trình hội nhập quốc tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao không thể có được nếu không có quyết tâm đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục của cả hệ thống chính trị, xã hội, của toàn Đảng, toàn dân và của ngành giáo dục trong cả nước.

Lịch sử cho hay, một dân tộc với nền giáo dục yếu kém sẽ là  một dân tộc yếu và sẽ là một đất nước nghèo về các giá trị vật chất, tinh thần và văn hóa. Một nền giáo dục phát triển sẽ chẳng những giúp cho năng suất lao động tăng cao, đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa không ngừng được cải thiện mà còn giúp cho đất nước phát triển bền vững, giữ chắc chủ quyền quốc gia.

Một điều rõ ràng là không khó khăn lắm để nhận ra những hậu quả và hệ lụy của một nguồn nhân lực chất lượng thấp. Trên bình diện một cá nhân, chất lượng nhân lực thấp luôn gắn với việc cá nhân người lao động không kiếm được việc làm, lương thấp, năng suất lao động thấp, khó học lên cao, khó chuyển đổi nghề nghiệp, được sử dụng không đúng ngành nghề, trình độ được đào tạo, dễ vi phạm luật pháp và kỷ luật lao động, làm ăn gian dối, chụp giựt, không thích ứng với môi trường làm việc thay đổi...

Chất lượng nhân lực thấp của một doanh nghiệp  đồng nghĩa với doanh nghiệp có năng suất lao động thấp, hiệu quả sản xuất-kinh doanh không cao, sản phẩm hỏng nhiều, khó khăn đổi mới công nghệ, năng lực cạnh tranh mở rộng thị phần kém.

Chất lượng nhân lực của một trường học thấp (chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý) không đáp ứng yêu cầu  đổi mới dạy học; nội dung dạy học không đổi mới, động lực học tập học sinh thấp, bỏ học gia tăng, tiêu cực trong nhà trường khó đẩy lùi, người học khó kiểm được việc làm sau khi ra trường, “thị phần” đào tạo có thể bị thu hẹp lại và ảnh hưởng đến thu nhập giáo viên và sự phát triển bền vững nhà trường.

Chất lượng nhân lực thấp trong cơ quan công quyền sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tham mưu xây dựng chính sách, người dân chịu khổ do năng lực và phẩm chất cán bộ yếu kém, công việc trì trệ, bộ máy biên chế phình ra. Chất lượng nhân lực của đội ngũ công chức yếu kém có thể dẫn đến các quyết định quản lý sai mà hậu quả thật khôn lường...

Xét trên bình diện quốc gia, chất lượng nhân lực yếu kém dẫn đến năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia thấp, khó thu hút đầu tư, những bức xúc xã hội gia tăng, tiềm lực kinh tế, anh ninh quốc phòng bị ảnh hưởng và làm cho đất nước phát triển kém bền vững.

Như vậy, nhân lực chất lượng cao có thể hiểu là nhân lực được đào tạo ra luôn đáp ứng với yêu cầu việc làm ứng với trình độ được đào tạo và thích nghi với sự thay đổi, có năng suất lao động và hiệu quả cao đồng thời có năng lực học tập suốt đời, có khả năng  làm tăng giá trị bản thân, giá trị của tổ chức mà người lao động làm việc và giá trị của cộng đồng nói chung.

Việc đánh giá chất lượng nguồn nhân lực cần phải được nghiên cứu và đánh giá với hệ  thống các tiêu chí, chỉ báo khác nhau theo lĩnh vực hoạt động ngành nghề ở đầu ra của quá trình đào tạo. Nhưng có lẽ là quá muộn nếu chờ đợi để đánh giá khách quan người học ở đầu ra của quá trình giáo dục và đào tạo.

Chính vì vậy  đánh giá  khách quan chất lượng học tập và rèn luyện trong môi trường giáo dục từ tiểu học cho đến giáo dục đại học có tầm quan trọng đặc biệt để giúp hệ thống giáo dục thực hiện được vai trò và sứ mệnh của mình.

Trong 5 năm qua, giáo dục Việt Nam đã tạo ra những tiền đề quan trọng để đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. Đó là sự thay đổi nhận thức và lòng tin của xã hội đối với quyết tâm đổi mới giáo dục của Chính phủ và của toàn ngành giáo dục; đó là nhiều đề án tầm quốc gia đã được phê duyệt để nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện điều kiện, cơ hội tiếp cận đến giáo dục chất lượng của người học; đó là chương trình cho học sinh, sinh viên nghèo vay vốn để học nghề và học đại học mà hàng triệu người nghèo có thêm cơ hội học hành... Tuy nhiên, căn bệnh thành tích và những tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục vẫn còn là vấn đề cần phải giải quyết của hệ thống giáo dục nước ta hiện nay.

Loại trừ tiêu cực trong giáo dục (chủ yếu là thi cử) có thể xem là điều kiện quan trọng để đào tạo nhân lực chất lượng cao và là bước cơ bản cho trận chiến dài lâu chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội ta. Một xã hội trong sạch với nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ có thể được xây dựng trên một nền tảng giáo dục vững chắc - ở đó những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội được duy trì và phát triển.

Tiêu cực trong giáo dục ảnh hưởng nhiều đến con người hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác trong xã hội do giáo dục là lĩnh vực lớn nhất, với nhiều người tham gia nhất, với tài sản quốc gia lớn nhất và là nơi tạo ra nguồn nhân lực của đất nước và các nhà lãnh đạo tương lai của dân tộc. Vì thế, có thể nói chống tiêu cực trong thi cử không chỉ có ý nghĩa làm lành mạnh hóa nền giáo dục mà còn làm xã hội tốt đẹp hơn, tạo ra nhiều công dân tốt hơn và chuẩn mực hơn thang bậc giá trị trong xã hội.

Con người được đo lường và  đánh giá chính xác, khách quan và công bằng để  được hưởng xứng đáng với tài năng và công sức bỏ ra, nhờ đó làm lành mạnh hóa thị trường lao động. Việc tuyển dụng nhân viên, đề bạt cán bộ trong bộ máy công quyền sẽ gắn chặt với tài năng và năng lực thực tế. Bằng cấp sẽ trở thành giấy thông hành thật sự trong cuộc đời.

Chống tiêu cực trong thi cử bên cạnh việc đánh giá đúng chất lượng giáo dục còn có ý nghĩa trong việc chẩn đoán con bệnh trong giáo dục để trị tận căn, để có chính sách và cơ chế đúng, phù hợp. Một khi người học còn gian dối trong thi cử, giáo viên nhắm mắt làm ngơ, nhà quản lý giáo dục thờ ơ trước tiêu cực thì kết quả thi cử sẽ chẳng giúp gì cho việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy - học và chính sách đầu tư nguồn lực hợp lý. Những nhà làm chính sách giáo dục, những nhà quản lý, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên mà tự ru ngủ bằng thành tích giả dối và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước sẽ đi đến đâu?

Kiểm soát chất lượng thông qua thi cử khách quan, trung thực, kết quả tại đầu ra sẽ cho ta biết những khiếm khuyết trong hệ  thống chính sách, chương trình dạy học, phương pháp dạy và học. Nội dung chương trình dạy về đạo đức mà đạo đức và thái độ của học sinh - sinh viên cũng như của người lao động không được cải thiện thì cần phải “thiết kế” lại nội dung, phương pháp dạy và học cũng như cách đánh giá trong chương trình.

Một trong những nội dung cơ bản của Chỉ thị 33 là: “Việc chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục chỉ có thể đạt kết quả thực sự nếu có sự chỉ đạo kiên quyết của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ của các đoàn thể, của mỗi gia đình và phụ huynh học sinh."


Thực hiện  Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, chúng ta sẽ có rất nhiều việc phải làm để đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà từ việc  đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục, đổi mới quản lý đến đổi mới công tác phát triển đội ngũ giáo viên (đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và đãi ngộ), đổi mới nội dung chương trình giáo dục ở các cấp bậc học... nhưng việc đổi mới nhận thức về cách làm giáo dục mà ở đó việc chống tiêu cực trong thi cử nói riêng và tiêu cực trong giáo dục nói chung cũng như xây dựng những điển hình tốt có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để đào tạo ra những thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, tự tin, khiêm tốn, trung thực, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng dấn thân vì lợi ích của đất nước và cộng đồng...

Chỉ  thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục đã triển khai được 5 năm và đã mang lại ý nghĩa có giá trị lớn về lý luận, thực tiễn trong giáo dục. Nhờ đó, giúp cho người học, thày cô giáo, các nhà quản lý giáo dục nhận thức lại vai trò và sứ mệnh của giáo dục trước dân tộc để làm tốt hơn công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng còn lơ là, đôi khi còn buông lỏng ở một số địa phương và một số cơ sở đào tạo đã gây dư luận không tốt trong xã hội, khiến cho một số người vội vã cho rằng cuộc vận động đã bị sụp đổ và phê phán ngành giáo dục chạy theo phong trào. Điều hiển nhiên là, không có quốc gia nào mạnh lên nhờ một nền giáo dục yếu kém và gian lận trong thi cử phổ biến; không quốc gia nào có nguồn nhân lực chất lượng cao khi mà tiêu cực trong thi cử của hệ thống giáo dục không được kiểm soát đi đến dẹp bỏ. Có thể nói Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg vẫn còn ý nghĩa thời sự và mang nhiều ý nghĩa to lớn. Việc thực hiện chưa tốt Chỉ thị 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng không phải có căn nguyên từ Chỉ thị mà đôi khi có căn nguyên từ chính  những người thực hiện chưa làm tốt. Cơ chế đúng nhưng do con người thực hiện chưa tốt thì xin dư luận hãy đừng đổ tại cơ chế mà vội vàng phê phán cơ chế, mong muốn "trảm" cơ chế để phục vụ cho các ý đồ không trong sáng khác.

Chỉ một thập kỷ nữa thôi dân số nước ta sẽ xấp xỉ 100 triệu người, thời kỳ dân số "vàng" sẽ nhanh chóng qua mau nếu chúng ta không kịp nắm bắt cơ hội đó. Và nếu không có hành động kiên quyết, dũng cảm không ngại va chạm với tiêu cực trong thi cử, đổi mới giáo dục thiếu đồng bộ, hệ thống với quyết tâm cao, có thể chúng ta sẽ rất khó khăn để có được nguồn nhân lực chất lượng cao và 2 nhiệm vụ then chốt còn lại là cải cách thể chế (hành chính) và xây dựng hạ tầng sẽ vì thế mà bị ảnh hưởng bất lợi.

(Theo Chinhphu.vn)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

Loạt dự án điện gió nằm bất động ở Đắk Nông, bao giờ được quay?

(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.

Vũ Linh

19:35 14/12/2024
Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

Hơn 1.500 hộ dân Yên Bái được Liên hợp quốc hỗ trợ sinh kế sau bão Yagi

(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.

Bùi Bình

20:22 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm