Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Chính trị: Khuyến khích địa phương đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã tinh gọn

Hương Giang

Thứ sáu, 03/02/2023 - 22:31

(Thanh tra) - Giai đoạn 2023-2030, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Bộ Chính trị yêu cầu, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã; tổng kết những vấn đề đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng trong giai đoạn 2019 - 2021 để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức thực hiện hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Giai đoạn 2023-2030, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, lộ trình sắp xếp và phải bảo đảm sự đồng thuận của nhân dân.

Các địa phương được khuyến khích chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương (kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn).

“Không bắt buộc thực hiện sắp xếp (trừ trường hợp địa phương có nhu cầu sắp xếp) đối với các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn trước, ổn định từ lâu, có vị trí biệt lập, có các yếu tố đặc thù và các đơn vị hành chính nông thôn đã được quy hoạch thành đơn vị hành chính đô thị”, kết luận nêu.

Quy định rõ lộ trình sắp xếp cán bộ, số lượng cấp phó dôi dư sau sắp xếp

Kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu rõ việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã căn cứ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc thù vùng miền.

Đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030, hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp được yêu cầu quy định rõ việc sử dụng và lộ trình sắp xếp số lượng biên chế cán bộ, công chức và số lượng cấp phó của các đơn vị hành chính dôi dư sau sắp xếp.

Quy định về định mức phân bổ ngân sách đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp; thời gian hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp; mức hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương được bổ sung cân đối ngân sách trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương phục vụ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Kết quả thực hiện sắp xếp huyện, xã là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ

Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản theo thẩm quyền để triển khai thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030; kịp thời xem xét, ban hành nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương theo đề nghị của Chính phủ và giám sát việc thực hiện.

Ban Cán sự Đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc chỉ đạo Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đạt kết quả tốt.

Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở xác định rõ việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đặc biệt chú trọng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

“Kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp uỷ, chính quyền và người đứng đầu”, Bộ Chính trị kết luận.

Bộ Chính trị đánh giá, quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và Nghị quyết số 37của Bộ Chính trị.

Qua đó, đã giảm đáng kể số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách Nhà nước, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương…

Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 còn một số hạn chế như: Chưa thực hiện tốt công tác bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư; chất lượng đô thị chưa được bảo đảm do sáp nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị.

Cạnh đó, việc sắp xếp, xử lý các trụ sở làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn bất cập; việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp chưa kịp thời. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm