Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sáp nhập xã, huyện: Giảm hàng nghìn cơ quan, không phát sinh khiếu nại, tố cáo

Hương Giang

Thứ hai, 12/09/2022 - 11:17

(Thanh tra) - Sau sáp nhập các đơn vị hành chính, cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Đ.X

Sáng ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến kết quả giám sát “việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Giảm 3.866 cơ quan ở cấp xã và cấp huyện

Trình bày báo cáo của đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh những kết quả đạt được khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã.

Trong đó, theo ông Tùng, tổ chức bộ máy ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp đều được kiện toàn theo đúng yêu cầu tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.

Chính phủ và các địa phương đều xây dựng phương án, lộ trình và cam kết, quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đúng thời hạn quy định.

Tổng số cán bộ, công chức cấp huyện của 21 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người.

Cấp xã tại thời điểm sắp xếp có 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.

Việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho người dân, tổ chức được thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm thuận lợi cho người dân, tổ chức và không thu phí…

“Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị ở những địa phương thực hiện sắp xếp đều được kiện toàn và bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định, không phát sinh khiếu nại, tố cáo do sắp xếp đơn vị hành chính”, ông Tùng khái quát kết quả giám sát.

Bố trí cán bộ dôi dư lúng túng, tiếp tục giải quyết còn nhiều

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đoàn giám sát cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc.

Ông Tùng nói, công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng.

“Số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu.

Cạnh đó, vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.

Chất lượng đô thị, mật độ dân số đô thị ở một số đơn vị hành chính đô thị được hình thành trên cơ sở sáp nhập với đơn vị hành chính nông thôn chưa được bảo đảm.

Sau khi sắp xếp, nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị rất lớn trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến kết quả giám sát “việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”. Ảnh: P.Thắng

Ngoài ra, giai đoạn đầu sau khi thực hiện sắp xếp, đời sống sinh hoạt của nhân dân ở một số địa phương cũng chịu tác động, ảnh hưởng nhất định do phải điều chỉnh thông tin, thay đổi địa chỉ...

Từ những điều trên, đoàn giám sát cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách là mục tiêu sẽ đạt trong dài hạn.

Còn giai đoạn ngay sau khi sắp xếp, vẫn cần tập trung bố trí nguồn lực đầu tư cần thiết để các đơn vị hành chính sớm ổn định về tổ chức và hoạt động, có nền tảng ban đầu để thực hiện yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chưa tự cân đối được ngân sách thì không xây mới trụ sở HĐND, UBND

Để giải quyết dứt điểm các tồn tại sau xắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Đoàn giám sát đã đề xuất, kiến nghị 3 nhóm giải pháp về tiếp tục: kiện toàn tổ chức bộ máy, công tác cán bộ; hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính; sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 - 2030.

Theo đó, đoàn giám sát đề nghị thực hiện nghiêm việc rà soát, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị có số lượng cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc cao hơn số lượng biên chế được giao để bố trí, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, yêu cầu công việc.

“Đề nghị Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư của các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019 - 2021 để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý II năm 2025”, ông Tùng nhấn mạnh.

Khẩn trương rà soát danh sách các trụ sở của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2019 - 2021 mà đến nay vẫn chưa được bố trí sắp xếp, sử dụng hoặc thanh lý để xử lý.

TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các cơ quan khác ở Trung ương có cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương được đề nghị khẩn trương rà soát, thực hiện phương án xử lý các trụ sở, nhà đất công thuộc thẩm quyền quản lý tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp mà nay không có nhu cầu sử dụng, hoàn thành trước ngày 01/01/2023.

“Hết thời hạn này mà chưa hoàn thành thì làm thủ tục chuyển giao các trụ sở này cho UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở quản lý để thực hiện sắp xếp, quản lý, sử dụng theo nhu cầu của địa phương”, báo cáo của đoàn giám sát nêu.

Đề nghị nữa là, các địa phương chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp đáp ứng yêu cầu về địa điểm làm việc.

Địa phương nào chưa tự cân đối được ngân sách thì không thực hiện việc cấp ngân sách để xây dựng mới trụ sở HĐND, UBND ở các đơn vị hành chính hình thành trên cơ sở nhập 2 hoặc nhiều đơn vị hành chính cho đến hết thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm