Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài học về tin giả

Phạm Mạnh Hà

Thứ tư, 14/08/2024 - 22:29

(Thanh tra) - Làn sóng bạo loạn nghiêm trọng nhất trong 13 năm qua đang diễn ra ở Anh là bằng chứng mới nhất cho thấy thông tin sai lệch trên mạng xã hội gây tác hại nghiêm trọng đến mức nào với xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả điều tra của giới chức Anh cho thấy, các vụ biểu tình bùng phát không phải là sự phản đối của dư luận với vụ sát hại mà là hệ quả từ tin đồn thất thiệt về gốc gác của nghi phạm 17 tuổi tên là Rudakubana trong vụ đâm dao trên nhằm kích động sự thù hận trong xã hội liên quan đến tôn giáo và sắc tộc.

Chỉ trong vòng vài giờ sau vụ tấn công, mạng xã hội tràn ngập tin sai sự thật về nghi phạm, cho rằng kẻ tấn công là người Hồi giáo, đến Anh bất hợp pháp bằng thuyền vào năm 2023 và nằm trong danh sách theo dõi khủng bố của Cơ quan Tình báo Anh (MI 6).

Ngay lập tức, trong xã hội bùng lên làn sóng bài nhập cư và phản đối Hồi giáo.

Biểu tình bạo lực nhanh chóng lan rộng sang nhiều thành phố lớn tại xứ sở sương mù, kéo theo hậu quả nghiêm trọng. Tình hình căng thẳng đến mức cảnh sát Anh buộc phải phá lệ khi công bố danh tính nghi phạm dù Rudakubana là người chưa thành niên, khẳng định Rudakubana sinh ra tại vùng Cardiff của Anh và sống gần thị trấn Southport.

Cảnh sát nhấn mạnh, đây không phải một âm mưu tấn công khủng bố. Tuy nhiên, dù giới chức Anh đã nhanh chóng phủ nhận các thông tin sai lệch trên mạng, nỗ lực đó vẫn không thể dập tắt làn sóng bạo loạn.

Đó là cái giá đắt nước Anh phải trả khi không thể kiểm soát được mạng xã hội phát tán tin giả.

Và bây giờ là đến câu chuyện ở Việt Nam, khi vừa qua tin giả về 1 nhân viên nữ Công ty Samsung bỗng dưng nhiễm HIV lây truyền cho 16 người, kèm theo hình ảnh của cô gái và clip sex minh họa.

Tự nhiên bị dựng chuyện vu khống phát tán trên mạng, cuộc sống của cô gái kia bị ảnh hưởng nặng nề, nếu các cơ quan chức năng không kịp thời ngăn chặn thì hậu quả sẽ còn đi xa đến mức nào.

Nhìn sang nước Anh hiện nay, tấm gương tày liếp bạo loạn ở Anh hiện tại đã là hồi báo động đỏ nhắc nhở cho vấn đề kiểm soát mạng xã hội ở Việt Nam.

Những kẻ ác ý, độc mồm độc miệng vẫn luôn tồn tại trong xã hội. Còn, mạng xã hội, vốn là xu hướng đời sống số tất yếu, đã là môi trường hết sức thuận lợi cho những ý đồ xấu được thực hiện, từ lừa đảo cho đến vu khống, kích động tâm lý tiêu cực.

Mặc dù Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, tuy nhiên thực tế cho thấy người dùng mạng xã hội Facebook, Telegram, X vẫn dễ dàng hoạt động dưới cái tên giả, ảnh ảo, địa chỉ không có thật, từ đó là nguồn cơn kích thích ý đồ xấu "ném đá giấu tay" của một số người sử dụng mạng xã hội, làm cho họ cảm thấy có thể tung tin giả, lừa đảo, vu khống, kích động tâm lý tiêu cực... mà khó bị phát hiện.

Do vậy, tới đây Luật An ninh mạng cần thiết phải bổ sung, buộc trách nhiệm các công ty công nghệ về mạng xã hội phải yêu cầu người sử dụng phải đăng ký với tài khoản định danh để họ thấy họ phải chịu trách nhiệm về mọi việc làm của mình trên mạng xã hội mà không thể "ném đá giấu tay" được nữa. Có như vậy thì mới chấm dứt được từ chuyện "nhân viên Samsung nhiễm HIV" cho đến chuyện "bạo loạn ở Anh".

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm